BBC - Như thông lệ hàng năm, 'Táo Quân 2016' phát vào 20 giờ tối ngày 29 Âm lịch, trước lễ Giao thừa. Đa số khán giả hết lời ca ngợi chương trình trên các trang mạng cá nhân và cả Fanpage. Nhưng ít ai để ý, năm nay, Thiên đình đã trở thành chốn mổ xẻ lỗi của người dân.
Từ năm 2003, Táo Quân – một chương trình hài “Gặp nhau cuối năm” được khán giả xem truyền hình đón đợi như món quà vui trước Giao thừa. Những nhân vật quen thuộc như Táo Y tế, Táo Giao thông, Táo Giáo dục, Táo Kinh tế... xuất hiện như một “tư lệnh ngành” được Thiên đình chất vấn về những gì họ làm trong năm qua.
Câu chuyện của Táo Quân như một “bản sớ” hài hước về những sự việc xã hội quan tâm, vấn đề nổi cộm. Tính trào phúng, trào lộng cũng được sử dụng trong những câu chuyện hài này. Những câu chuyện nổi cộm từng được chương trình này nhắc tới như Hà Nội bị lụt, với ca khúc “lụt từ ngã tư đường phố” (Táo Quân 2014), chuyện cảnh sát giao thông “làm luật” (Táo Quân 2009), chuyện nợ xấu (Táo Quân 2013)
Năm nay, 'Táo Quân 2016' nhận được rất nhiều khen ngợi từ khán giả sau đêm Giao thừa vì câu chuyện hài hước, kịch tính, sử dụng nhiều diễn đạt quen thuộc trên mạng gây cười.
Tuy nhiên, dường như trục chính của câu chuyện dùng để “xoay” các tư lệnh ngành, những nhân vật có trách nhiệm, giờ đã chĩa mũi dùi về phía người dân.
Tại dân hết?
Trên sân khấu, khi Táo Xã hội (Chí Trung diễn) xuất hiện, ông nói về nhiều vấn đề gồm truyện ngôn tình, gia đình văn hóa, tiêm chủng cho trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm được nêu ra. Tuy nhiên, không như mọi năm, khi Y tế được gọi hẳn tên là một nhân vật, với rất nhiều vấn đề gai góc của ngành, năm nay tiêm chủng chỉ được đặt câu hỏi một lần duy nhất, và lại do một nhân vật rất chung chung thủ vai, tên là “Xã hội”.
Câu chuyện không được nói rõ và mổ xẻ như cách Táo Quân vẫn thường làm ở nhiều năm trước. Diễn viên hài Chí Trung diễn cả ba vai, anh hàng rau, anh hàng thịt, anh bán chân gà . Ông liên tục lặp lại câu thoại, rau tưới hóa chất, thịt tẩm hóa chất “em có ăn đâu, cả nhà em có ăn đâu”.
Ngoài việc nhắc “nhỏ nhẹ” vì tiền phạt chỉ không quá hai triệu, các Táo quân dường như đã đổ hết lỗi cho chính người dân trong vấn nạn thực phẩm bẩn đã tồn tại nhiều năm qua tại Việt Nam.
Cuối hoạt cảnh, Táo Xã hội kết lại một câu: “Đúng là tôi phụ trách vấn đề xã hội, xã hội thì không chỉ có vệ sinh an toàn thực phẩm, còn rất nhiều việc lớn lao nữa. Bây giờ mọi người phải chung tay cùng với tôi chứ, một mình tôi làm sao mà làm được. Bao nhiêu tỉ tỉ cái mồm ấy làm sao mà đi mà trông được.”
Câu chuyện của Táo Kinh tế đã được dùng để ca ngợi một năm kinh tế tốt đẹp, nhiều thuận lợi, và trọng tâm dồn vào phê phán hoạt động kinh doanh đa cấp, với hình ảnh Xuân Bắc đóng vai một người đang đi tuyển mộ “hệ thống”.
Tương tự như câu chuyện của Táo Xã hội, cuối hoạt cảnh của Táo Kinh tế, một lần nữa Táo Quân lại kết luận lỗi thuộc về... người dân: “Nhiều người tin tưởng rằng không phải làm gì mà cũng giàu có. Nhiều người tin tưởng rằng đầu tư vào hệ thống nào đó là sẽ có tiền lãi, cho nên nhiều người hám lợi đặt cả sổ đỏ, đi vay với lãi suất cao, bây giờ không trả được, thì bây giờ khó khăn lại chồng chất khó khăn”.
Đỉnh điểm của câu chuyện xảy ra khi truy lùng nhân vật tham nhũng bằng Vòng quay kỳ diệu, nhân vật “tự thú” mình tham nhũng lại không phải các Táo đang điều khiển nhân gian, mà lại là Thiên Lôi, chẳng liên quan gì đến thế giới ngoài kia.
Người xem có thể hài lòng mỹ mãn với câu thoại này của Thiên Lôi: “...mỗi lần như vậy họ đều dúi cho thần phong bì. Những lần đầu thần nhận, cứ nghĩ rằng đó là những món quà của tình cảm, nhưng lâu dần thành quen, đến khi không có, thần lại cảm thấy khó chịu và những lần sau, khi không có phong bì thì thần lại gây khó dễ để vòi vĩnh. Rồi thần đã trở thành kẻ tham nhũng lúc nào không hay."
Nhưng khi xem kỹ lại, cuối cùng câu chuyện chống tham nhũng mà 'Táo Quân 2016' nhắc đến chỉ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong khẩu hiệu “phải chống tham nhũng”, “còn ai tin cái Thiên đình này nữa”, “hãy cùng đẩy lùi nạn tham nhũng”.
Nhân vật cuối cùng để giải tỏa mọi mâu thuẫn đỉnh cao lại là kẻ... giữ chức vụ tép riu trên sân khấu thiên đình với lời tự thú đổ tội cho... người đưa hối lộ.
Trong khi đó, những câu chuyện nóng bỏng của năm, như hàng ngàn phụ huynh phải xếp hàng thức sáng đêm giành chỗ tiêm vacxin cho con, các vụ án oan nổi tiếng, sự kiện chặt hạ cây xanh ở Hà Nội... chỉ được sơ sài hoặc không hề xuất hiện.
Với 'Táo Quân 2016', người dân tự làm thực phẩm bẩn. Người dân tự kinh doanh đa cấp. Người dân tự đưa hối lộ gây ra hối lộ.Nguyên nhân của mọi sự cố xã hội trong năm 2015 có vẻ đa phần do người dân gây ra?
Năm 2013 - 2015, chương trình Táo Quân từng nhiều lần được báo chí trong nước đặt dấu hỏi có thể bị “cắt gọt”, bị “tuýt còi” vì chạm đến những câu chuyện nóng của xã hội.
Nhưng năm nay, có thể các đạo diễn và diễn viên khiến “cả làng đều vui” vì những câu thoại có vần điệu lấy từ mạng xã hội, sử dụng các diễn đạt quen thuộc gây cười lan truyền trên mạng.
Nhưng chuyện nóng đã được mổ xẻ khác hẳn, như thể đang nhắm tới từng khán giả đang cười dưới kia, chứ không phải các “Táo ông, Táo bà” như mọi năm nữa.