Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Đoàn làm phim King Kong và kinh tế thị trường

Đinh Thế Hiển

Đọc bài về đoàn làm phim King Kong 2 tại Quảng Bình, ngoài việc hiểu về cách làm phim chuyên nghiệp; thì một góc độ khác cho thấy kinh tế thị trường là thế nào !

Đoàn làm phim King Kong 2 đã nghiên cứu chi phí, huy động vốn và thực hiện rõ ràng, sòng phẳng với mọi dịch vụ, hàng hoá mua để sử dụng. Nông dân Quảng Bình không phải bỏ sức chăn thả, mà một người nông dân chỉ với 7 con trâu được yêu cầu nhốt trong chuồng trong 3 ngày đã được chi trả 2,1 triệu đồng, một số tiền cực lớn cho một hành động đơn giản; những chi phí khác đều được chi trả tương tự như vậy, rất chuyên nghiệp, rõ ràng và ngon lành. Tuy nhà đầu tư bỏ chi phí lớn nhưng sản phẩm làm chất lượng được khách hàng tự nguyên bỏ tiền đúng mức để xem (kể cả khán giả Việt Nam), sẽ giúp chủ đầu tư lãi lớn, các diễn viên, người sản xuất và các outsource đều được trả tiền đúng với giá trị cho đến người nông dân giữ trâu lại trong chuồng vài ngày.

Kinh tế thị trường đúng nghĩa sẽ tạo ra hàng hoá tốt, mọi thành phần, mọi đối tượng đều được thu nhập đúng mức và chắc chắn rằng sẽ tốt hơn kinh tế không (hoặc méo) thị trường, khi đó sản phẩm sẽ dở hơn do thiếu cạnh tranh, sự thu nhập sẽ méo mó hơn mà phần thiệt thòi luôn dành cho những người thế cô, yếu kém (nếu phim này mà do ...thì nông dân sẽ được lệnh nhốt kỹ trâu bò, léng phéng sẽ bị phạt, hehehehe).

Nói thêm về kinh tế thị trường sẽ tạo ra quản lý chuyên nghiệp, mọi nguồn lực đều làm tốt việc mình. Thí dụ cũng những dịch vụ đó ở Việt Nam (xe, người...) nếu làm việc với công ty Việt thì có thể yếu, dở, ...nhưng khi làm với Đoàn làm phim thì nhất nhất làm rất tốt. Minh chứng cho thấy không phải người Việt và dịch vụ Việt Nam dở, vấn đề là cách thức sử dụng như thế nào, ai chỉ huy việc sử dụng.

Do vậy chúng ta đừng lo Thái Lan sẽ mua hết siêu thị Việt Nam, các công ty nước ngoài sẽ vào thắng hết công ty sản xuất trong nước. Đừng lo gì hết, cứ nhào vô làm ăn, đóng thuế và trả lương ngon lành như đoàn làm phim, rồi mọi việc sẽ phát triển tốt, kể cả doanh nghiệp Việt (nhưng đó sẽ là các công ty do ông chủ giỏi, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, chứ không phải các đại gia giỏi "quan hệ").

P/S : chúng ta có thể đọc thêm bài Công ty lọc hoá dầu Bỉm Sơn của Dung Quất đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì lọc ra dầu giá cao trên báo Tuổi Trẻ hôm nay là một minh chứng cho kinh tế thị trường chưa đầy đủ. Trước đây khi đầu tư vào Dung Quất đã thể hiện duy ý chí, nếu đầu tư ở Long Sơn thì mội năm tiết kiệm 20 triệu USD vận chuyển, rồi nhiều thứ khác như chuyên viên, dịch vụ hỗ trợ và hạ tầng đều tốt hơn. Nếu làm ở Long Sơn thì giờ đây Nhà nước vẫn thu ròng mà giá xăng dầu trong nước còn hạ hơn đem lại lợi ích chung rất lớn. Nếu ai đó phản biện phải đầu tư công nghiệp tại Miền Trung thì đi về lối mòn của kinh tế duy ý chí. Chúng ta hoàn toàn lấy lời ở Long Sơn để đầu tư hạ tầng và nghề cá (đánh bắt, chế biến...) cho Miền Trung thì sẽ rất nhiều con em miền Trung sẽ không vào TP.HCM cho cực thân....)