Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Đói mà muốn bắn pháo hoa, là sao?

Giang Thanh – Công Anh

TTTG.VN – Đến ngày 25/1, đã có hơn một chục tỉnh xin Trung ương cứu đói trong dịp tết Nguyên đán năm nay, trong đó có không ít địa phương đã được Trung ương “chuyển hàng”.

Tưởng chừng những tỉnh xin Trung ương cứu đói đang sốt vó lo làm thế nào để dân có thêm tiền ăn tết ngoài chuyện đã có gạo cứu đói, ai dè một số tỉnh trong số này đang lên kế hoạch bắn pháo hoa.

“Xã hội hoá” chuyện chơi sang

Đơn cử như Nghệ An, tuy vừa được Trung ương cứu đói hơn 3.600 tấn gạo, đã lập tức lên kế hoạch bắn pháo hoa với thời lượng 15 phút, tại công viên Trung tâm, TP Vinh. Kinh phí chưa công bố, nhưng theo kinh nghiệm sẽ từ 500 – 600 triệu đồng, nguồn kinh phí có thể kêu gọi từ các doanh nghiệp và người dân dưới tên gọi mỹ miều là “nguồn xã hội hoá”, hoặc từ ngân sách (?).

Tuy không nằm trong danh sách xin Trung ương cứu đói – tính thời điểm này, nhưng sự kiện chủ tịch huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau hồi giữa tháng 12/2015 đã ký thông báo số 84/TB-UBND ngày 14/12/2015 gửi tới các đơn vị trực thuộc yêu cầu vận động xã hội hoá bắn pháo hoa phục vụ tết Bính Thân 2016, kinh phí dự trù khoảng 200 triệu đồng, địa điểm bắn tại trung tâm văn hoá huyện.

Để thực hiện bằng được “chỉ tiêu” bắn pháo hoa, trong công văn phát đi, chủ tịch huyện Thới Bình giao chỉ tiêu vận động xã hội đến từng cơ quan đoàn thể. Cụ thể, công văn nêu rõ các ban ngành đoàn thể huyện được giao chỉ tiêu từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng; công an, ban chỉ huy quân sự và chi cục thuế mỗi đơn vị 5 triệu đồng; thị trấn Thới Bình 10 triệu đồng; các xã trực thuộc phụ trách “xã hội hoá” số tiền 5 triệu đồng.

Chuyện sẽ chẳng có gì là quá lớn nếu huyện này đang “ngon lành”. Đằng này trước khi công văn đòi có pháo hoa trong dịp tết Nguyên đán năm nay được ban hành, cũng chính các vị lãnh đạo của huyện này đã cầu cứu ngân sách hơn 17 tỉ đồng để trả nợ cho các khoản chi cho sự nghiệp của huyện, trong đó bao gồm cả nợ tiền lương giáo viên, khiến không ít giáo viên ở huyện lên “tăng xông”.

Tương tự, TPHCM tuy không đến nỗi đói kém nhưng đối với những người dân ở các quận, huyện vùng ven, việc năm nào thành phố cũng bắn pháo hoa ở vài điểm từ tết tây đến tết ta; năm nào cũng trang hoàng, sửa chữa đường phố ở khu trung tâm – dù nhiều tuyến đường trước sửa đã đủ “êm”, đủ đẹp – cho thật hoành tráng để khoe mẽ với du khách thì quả là quá lãng phí.

“Số tiền chi bắn pháo hoa, chi trang hoàng đường phố – có thể là xã hội hoá, chi sửa đường ở những con đường không cần sửa ngay khu trung tâm có thể làm hẳn một con đường mới, một chiếc cầu mới ở những xã, những phường đang cần hạ tầng sẽ ý nghĩa hơn. Tội chi phải khoe mẽ, để dân nghèo tiếc hùi hụi như vậy”, ông Trần Trung Hoàng, một cán bộ hưu trí từng làm trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, nhà ở quận Bình Tân, bức xúc.

Trả lời lấy được

Trả lời phương tiện truyền thông về việc nghèo mà vẫn cứ chơi sang, Chủ tịch UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An, lập luận: “Xin gạo cứu đói cho người nghèo là cần thiết nhưng TP Vinh là bộ mặt của tỉnh Nghệ An, việc tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm ở trung tâm thành phố phục vụ nhu cầu vui xuân đón tết là hoàn toàn hợp lý”.

Hơn nữa lãnh đạo tình này còn cho rằng, nhận gạo cứu đói chủ yếu là các huyện nghèo, miền núi còn bắn pháo hoa là ở ngay trung tâm hành chính tỉnh – TP Vinh.

“Dân tuý” hơn nữa có lẽ là trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Xin được trích nguyên văn: “Trước đây cũng có ý kiến nên dành kinh phí cho người nghèo nên Quảng Trị không tổ chức bắn pháo hoa, thế là nhiều người dân gọi điện, nhắn tin đến chửi các lãnh đạo tỉnh rằng không lo cho dân ăn tết…”

“Con em xa xứ về quê ăn tết mà đêm giao thừa chỉ biết ngồi ở nhà xem truyền hình thì buồn lắm. Những nơi khác người ta sung sướng mà dân mình lại khổ thế sao! Tại sao dân mình không được hưởng niềm vui đó? Làm lãnh đạo thì phải biết tạo niềm vui, phấn khởi cho dân chứ khi nào cũng than nghèo, kể khổ thì làm sao phát triển được!” – ông chủ tịch Quảng Trị nói.

Riêng chuyện “tốt khoe, xấu che” ở TPHCM mỗi độ xuân về đã gây ra một nghịch lý. Nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng không được sửa, những tuyến đường tốt ở khu trung tâm lại bị đào lên một cách vô tội vạ, để khoe mẽ khi tết đến!

“Hai hình ảnh trái ngược đã nói nên tất thảy kiểu sính thành tích của các địa phương, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách,” TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia kinh tế đô thị, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, bình luận.

Theo ông, việc quản lý đô thị, chỉnh trang đô thị phải tập trung về một mối mới hiệu quả. Quản lý như bây giờ, quận muốn làm con đường này, dân muốn sửa con đường kia. Thế nhưng người quyết trình danh sách là quận nên quận thắng dù dân có kêu ca cỡ nào.

Rồi khi quận đưa lên, thường là trên duyệt chứ ít có đi thẩm tra lại xem con đường đó có cần kíp làm không. Còn ở khu trung tâm, năm nào cũng có chỉ tiêu ngân sách để sửa đường, không làm thì uổng nên họ cứ thế làm, dù đường còn đang ngon lành là điều dư luận dễ nghi ngờ.

“Nhiều lúc chú cũng không hiểu họ chơi sang vậy để làm gì. Hổng biết họ có biết là mình đang xài tiền của dân không nữa”, ông Hoàng hỏi và tự tìm lời giải đáp.