NLĐO - Ngày càng có nhiều ý kiến quan ngại rằng các bác sĩ đang “chạy sô” với tần suất và cường độ cao như hiện nay liệu có duy trì được sức khỏe và sự minh mẫn để thăm khám và điều trị cho người bệnh tại cơ sở y tế nơi họ làm việc thường xuyên?
Theo các chuyên gia, việc bác sĩ tranh thủ làm thêm ngoài giờ có đáng cấm hay không khi mà lượng bệnh nhân ngày càng nhiều và áp lực tại bệnh viện nơi họ công tác là không nhỏ. Chưa kể do đặc thù công việc, bác sĩ buộc phải “chôn chân” trong bệnh viện, có trường hợp quỹ thời gian không cho phép nhưng họ vẫn phá rào đi “đánh bắt xa bờ”.
Trong một lần tiếp xúc với giới truyền thông ở TP HCM mới đây, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhìn nhận rằng do thu nhập thấp nên một số bác sĩ nảy sinh tâm lý “làm vừa phải thôi”, làm ngoài là chính. Mà làm ở thành phố còn đỡ, còn có cơ hội kiếm tiền chứ bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa thì khó trăm bề. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi ở tuyến y tế cơ sở xa xôi, tìm ra người tâm huyết với nghề trụ lại công tác là điều quá hiếm. GS Hùng tâm sự rằng sau 50 năm làm nghề, suy nghĩ và quan điểm cá nhân ông đã có ít nhiều thay đổi. Ông tỏ ý đồng tình với việc bác sĩ mưu sinh bằng cách làm thêm hợp pháp bởi theo ông, làm được điều này họ sẽ đạt được 2 mục đích là vừa cứu người vừa cứu mình.
Giới chuyên môn cho rằng xét cho cùng, việc bác sĩ (phần lớn ở bệnh viện công) ra làm thêm ở các cơ sở y tế tư nhân vừa để ổn định cuộc sống vừa có cơ hội trau dồi nghề nghiệp là hiện tượng bình thường, phản ánh đúng quy luật cung cầu trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tính chất của sự chuyển động này cũng rất nhạy cảm, đòi hỏi người thầy thuốc phải hành động đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình vì mục đích trên hết của ngành y tế, của mỗi thầy thuốc là phải bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất. Tất nhiên, hiện tượng mà người ta ví von là “chạy sô” này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và khoa học của Bộ Y tế nhằm tránh những trường hợp vi phạm các quy định gây hậu quả đáng tiếc!