Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Tập Cận Bình: Xứng danh bá đạo!

BDN

Petro Times - Có lẽ, trong lịch sử ngoại giao thế giới, hiếm thấy có nguyên thủ quốc gia nào mà lại có tốc độ giở mặt nhanh như ông Tập.

Mặc dù có bài viết "Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung-Việt" đăng trên tờ Nhân dân của Việt Nam hôm 5-11, và đưa ra những lời lẽ hữu hảo trong chuyến thăm 2 ngày (5 và 6-11) tại Hà Nội, nhưng trong bài phát biểu hôm 7-11 tại Đại học Quốc gia Singapore, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập tức tuyên bố "các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại" và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình”.

Đồng thời cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách giải quyết tranh chấp với các bên hữu quan thông qua đối thoại hòa bình; và hiện không có vấn đề gì về tự do an ninh hàng hải hay hàng không tại Biển Đông.

Mới chỉ trong 1 ngày mà người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới đã có 2 tuyên bố khác hẳn nhau, khiến dư luận quan ngại, thậm chí có người còn coi đây là kiểu nói con buôn!

Bởi trong bài viết "Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung-Việt" đăng trên tờ Nhân dân, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung-Việt là 2 nước có niềm tin và lý tưởng tương đồng, có tương lai và vận mệnh tương quan, và đã giải quyết vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị, đặt cơ sở vững chắc cho ổn định, an ninh và phát triển chung ở vùng biên giới hai nước.

Đồng thời nhắc tới 4 kiên trì, trong đó có “kiên trì thông cảm lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, xử lý ổn thỏa vấn đề tồn tại”. Và khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Tập Cận Bình còn đề xuất 7 kiến nghị nhằm phát triển quan hệ Trung-Việt, trong đó có thúc đẩy hợp tác trên biển.

Và khi có bài phát biểu dài hơn 20 phút tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình còn nói, phải lấy chữ tín để làm bạn…

Nhưng ngay sau khi tới Singapore, ông Tập Cận Bình lập tức đưa ra tuyên bố khiến dư luận bất bình, và những gì đang diễn ra trên thực địa không giống như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đã đề cập.

Nhà phân tích chính trị Trung Quốc RusSell Leigh Moses từng tuyên bố, không ai biết ông Tập Cận Bình đang ủng hộ cái gì và phản đối điều gì.

Quan điểm của ông Tập Cận Bình trong các chính sách thường không rõ ràng và không bao giờ công khai ý kiến của mình. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông Tập Cận Bình tiền hậu bất nhất trong các phát ngôn của mình.

Dư luận cho rằng, sau 37 năm cải cách (1978-2015), tuy trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức phức tạp cùng quy mô chưa từng thấy.

Tuy là người ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng ông Tập Cận Bình thận trọng trong cải cách chính trị, và muốn đẩy những thách thức trong nước ra bên ngoài bằng cách “thổi bùng tranh chấp biển đảo”.

Theo giới truyền thông, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc từ nay tới khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (1949-2049) là thách thức lớn đối với của ông Tập Cận Bình, người đứng đầu “Thê đội 5” - đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành cường quốc hiện đại, vượt mức trung bình của các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa 18 ở Bắc Kinh (hạ tuần tháng 10), Trung Quốc đã đề ra mục tiêu cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020).

Đây là thời điểm mấu chốt, tạo dấu ấn trong thời gian nắm quyền của ông Tập Cận Bình, một người được đánh giá là thận trọng, không dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng.

Và ông Tập Cận Bình sẽ hành xử theo cách của một bá đạo.