VNExp - Đuổi theo con ruồi đang bay ngoài hành lang, tôi giơ cái vợt đã sạc điện lên phất một cái, phát ra tiếng nổ và con ruồi nằm lăn quay trên sàn nhà. Ngẩng mặt lên tôi thấy chị hàng xóm người Ấn Độ đang há hốc miệng kinh ngạc.
Chị thắc mắc về thứ tôi đang cầm, tôi trả lời đây là cái vợt ruồi, muỗi chạy bằng điện. Thế là cả nhà bên ấy tranh nhau ra xem, cầm, ngắm, sờ, nắn, trầm trồ kinh ngạc vì chưa từng thấy vật gì tiện lợi như thế, họ bảo: “Giá mà Ấn Độ cũng có”. Tôi cũng ngạc nhiên vì không ngờ vật bình thường này lại khiến người ta thích thú đến thế và tôi tự hào giới thiệu về chiếc vợt "made in Vietnam" của mình. Họ nhờ tôi lần tới về Việt Nam nhớ mua hộ cho họ vài cái. Hóa ra một đất nước có công nghệ sản xuất bom nguyên tử trong tay vẫn có thể không đáp ứng được một nhu cầu công nghệ cơ bản nào đó của dân chúng.
Một lần khác, lớp tôi đi học thực hành trắc địa ngoài công viên. Thầy giáo phát cho mỗi nhóm một bộ dụng cụ đo đạc. Tôi nhận thấy có ba loại thước dây: nhóm tôi nhận cuộn trông cũ nhất, một nhóm khác thì mới hơn một chút và có một bộ trông như mới. Hóa ra hộp cũ xước của chúng tôi được nhà trường mua từ năm 1973, sản xuất tại Tây Đức. Bộ ít cũ hơn sản xuất tại Nhật Bản, mua năm 1982, và bộ mới nhất cũng đã mua cách nay hai thập kỷ, vào năm 1995 do Singapore sản xuất. Điều quan trọng là tất cả đều đang hoạt động tốt và chính xác. Rất nhiều nước phát triển thần kỳ hiện nay đều đã "khởi nghiệp" từ việc làm ra những vật đơn giản mà chất lượng như thế.
Từ lâu tôi đã bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Tại sao người ta chế tạo được mà nước mình không làm được?”. Tôi từng quan niệm rằng Việt Nam muốn làm ra xe hơi thì phải luyện được thép, nấu được nhôm, thuộc được da, cao su phải lưu hóa. Khi tiếp xúc với thế giới rộng lớn hơn, đặc biệt với xu hướng hiện nay, tôi hiểu rằng một đất nước không nhất thiết phải làm ra tất cả, không nhất thiết mọi thứ phải “made in Vietnam”, không cần thiết phải xuất xưởng được máy bay chở khách… Nhưng khi đã tạo ra một sản phẩm nào đó, dù là nhỏ bé, thì phải đảm bảo được chất lượng cao nhất. Tiêu chuẩn thế giới không phải là cái gì quá cao xa nếu mỗi doanh nghiệp nghĩ đến nó ngay từ khi mới bắt tay vào làm.
Và Việt Nam không phải là đất nước “cái gì cũng không làm được”. Anh bạn Tây của tôi viết tay trái, khi viết từ phải sang trái thì tay luôn làm nhòe mực, dù có viết bằng bút bi. Tôi cho anh cái bút bi Việt Nam, có nét cực nhỏ so với những loại bút bi của Tây (mà 90% số đó nhập khẩu của Trung Quốc). Anh ta trầm trồ khen và “đặt hàng” tôi mua cho hai chục cái.
Hàng ngày mắt thấy tai nghe những sự việc như thế, tôi hiểu rằng thế giới còn rất rộng lớn và còn rất nhiều việc ta có thể làm.
Hội chợ Techmart 2015 và việc Thủ tướng ủng hộ sản xuất kính cho người khiếm thị là những tín hiệu đáng mừng gần đây cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Tôi mong muốn có sự kết nối nhiều hơn các bên trong quá trình hợp tác sản xuất và bản thân mỗi bên đều phải tích cực hơn. Người có công nghệ phải chủ động, bằng mọi cách tìm người có vốn. Người có vốn nên nhiệt tình hơn với người có công nghệ. Còn người chẳng có công nghệ, chẳng có vốn mà chỉ có ý tưởng cũng nên được chào đón, nên được tạo điều kiện, có diễn đàn để nói ra. Trong hàng nghìn ý tưởng vứt đi, chỉ cần một cái có thể thành hiện thực là đủ. Vào năm 2004, ai biết được rằng Facebook sẽ trở nên vĩ đại, các start-up công nghệ ở Việt Nam hiện nay cũng thế. Thay vì chia sẻ những đoạn video đánh ghen, mỗi bạn trẻ chỉ chia sẻ một mẹo vặt đơn giản như đun sôi dấm trong nồi để làm sạch phần đáy bị cháy thì đã giúp được bao nhiêu người hôm ấy khỏi nhăn nhó mặt mũi vì kì cọ đau tay mà không sạch.
Kinh tế thị trường sẽ đào thải những gì vô dụng nhưng đừng vì thế mà lo sợ ý tưởng của mình là kỳ quặc. Bởi cái miếng nhựa mềm kê cổ tay để gõ phím cho đỡ mỏi tôi đang dùng đây cũng từng bị tôi cho là điên rồ khi lần đầu nhìn thấy nó bày bán trong cửa hàng.