Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Nợ tràn nước mắt nhưng vẫn cứ hoang phí

Lê Chân Nhân

(Dân trí) - Nợ công năm 2015 ở mức 61,3% GDP, có nghĩa là dưới ngưỡng cho phép 65%, đó là số liệu chính thức được công bố. Tạm tin rằng con số này chính xác, thì vẫn trong ngưỡng không an toàn, bởi vì một số đại biểu Quốc hội tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính ra vượt trần cho phép.

Nước cũng như nhà, nhiều nhà thành một nước. Nhà mà nợ nần nhiều theo kiểu “Vay nợ lắm khi tràn nước mắt - Chạy ăn từng bữa mướt mồ hội” (Tú Xương), thì cha không thể lọng xe rộn ràng, mẹ không thể xênh xang lụa là. Nghèo mà còn xài sang thì chỉ có… chết. Ban đầu bạn bè có thể tình nghĩa cho vay, nhưng nếu thấy mình chi tiêu hoang phí, bạn bè cũng sẽ cạch mặt.

Hoang phí không khi công chức Việt Nam sử dụng xe công hơn cả nước giàu là Hàn Quốc? Chủ nhiệm ủy ban tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết như vậy, và nêu cụ thể Việt Nam hiện có tới 40.000 xe công, tiêu tốn khoảng gần 13.000 tỷ/năm.  Nghe tới tiền chi cho xe công là dân chỉ còn biết “tràn nước mắt”.

Xài như vậy nhưng làm được gì cho dân, xin thưa hiện thực của nền kinh tế đủ để chứng minh thay cho mọi lý thuyết, đó là một nền kinh tế không ít nợ nần.

Còn nữa, UBND thành phố Cần Thơ nối tiếp theo nhiều tỉnh thành khác, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí gần 200 tỉ đồng  xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Ghi công Thanh niên xung phong  tất nhiên có ý nghĩa, nhưng liệu có bức thiết phải xây trong thời điểm này không? Để tưởng nhớ lực lượng này, có nhất thiết phải xây tượng đài cho to lớn không? Những câu hỏi đó quá dễ trả lời, thế nhưng người ta vẫn cứ nhắm mắt không chịu tự hỏi và tự trả lời, để rồi đưa ra những dự án làm dân “tràn nước mắt”.

Nước cũng như nhà, thử hỏi trong một gia đình, cha mẹ cứ tiệc tùng đình đám, xách giỏ đi tham quan du lịch, thì còn đâu tiền lo cho con cái học hành, khám chữa bệnh khi đau ốm. Một nước cũng thế, tiền chi cho cán bộ đi tham quan học tập, hội họp, lễ lạt suốt năm suốt tháng thì không còn tiền xây trường học, xây bệnh viện để lo cho giáo dục, y tế. Trẻ em vùng sâu học trường tranh tre nứa lá, bệnh nhân nằm chung giường trong bệnh viện là do bộ máy nhà nước đã tiêu xài phung phí.

Nợ như nhiều như vậy thì hãy làm theo đề xuất của đại biểu Phùng Quốc Hiển, khoán xe công để mỗi năm tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng. Hãy làm theo đề xuất của nhiều đại biểu khác, cắt giảm tối đa tham quan học tập nước ngoài, cắt giảm tối đa hội họp trong nước do nhà nước tổ chức, mà họp trực tuyến để tiết kiệm ngân sách.

Còn nhiều thứ để cắt. Cắt càng nhiều thì nước mắt dân càng ráo để thay vào đó nụ cười.