Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Một ngày trong đời me xừ Phi Văn Hóa

DANH ĐỨC

TTCT - Thời buổi thái bình, tự do của con người ta trong cái nhà riêng của mình tưởng chẳng có gì phải bàn cãi. Ấy thế mà không. Vì cuộc đời thế nào rồi vẫn phải răm rắp thức ngủ theo hiệu lệnh, thế mới tài.

Là vì 4g55 sáng, một tràng tiếng nói phun ra từ một cái loa, mai phục ở đâu chẳng rõ, dội vào các dãy nhà chung cư cao 26 tầng, tạo thành một hổ lốn âm thanh, nói ra rả, càng vặn to càng chát chúa. Thỉnh thoảng chêm thêm mấy đoạn nhạc nhão nhoẹt chẳng rõ chơi bằng nhạc cụ gì, đủ loại nhạc mà cũng chẳng biết thể loại cụ thể gì, đông tây kim cổ giao duyên tùy hứng...

Rồi đủ thứ thông tin hầm bà lằng, nào là giá rau gì, khoai gì, gạo gì, giá mấy ngàn một ký. Rồi thì hỏi - đáp nào là bón phân, xịt thuốc trừ sâu...

Ấy là bản tin của “đài truyền thanh huyện... phát trên sóng FM”. Quái lạ! Đã phát trên sóng FM, tức đã mặc định rằng người dân có “đài” FM, sao lại còn phát qua loa chi cho cực. Chưa kể còn làm giảm thê thảm chất lượng âm thanh đã đầu tư cho hệ thống FM, đi từ kỹ thuật của nửa sau thế kỷ 20 thụt lùi về kỹ thuật truyền thanh “tiền sử”?

Mấy hôm nay chêm thêm thông cáo về quyết định đóng cửa các đại lý Internet sớm, đọc tới đọc lui hai ba bận, đọc ngày này sang ngày khác, tuồng như nhà nào trong xã này cũng là đại lý Internet hay có người nghiện game nên cần quán triệt cho đến kỳ cùng.

Thế rồi 5g30 sáng: một chị phát thanh viên chuyên nghiệp của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM lên tiếng với bản tin thời sự buổi sáng. Đang ra rả bỗng dưng thinh lặng cái rụp, bất luận chị đang “phát” cái gì! Ngày nào cũng thế, toàn xã thức giấc nghiêm chỉnh lúc 4g55 sáng, đến 5g45 thì ampli tắt cái rụp, chắc là anh ampli viên tới giờ vệ sinh buổi sáng cho chỉnh tề đặng lát nữa còn làm văn hóa tiếp...

15 phút yên tĩnh tâm bão nhoắng cái đã qua. 6g sáng: một chuỗi nhạc “quốc tế” sang trọng nổi lên, thôi thì đủ cả, từ Clayderman du dương piano sang nhộn nhịp tưng bừng Beautiful Sunday mà tụi trẻ thường chế “sáng ăn cơm sườn, chiều ăn cá kho”...

Chục ông bà tuổi lục tuần, vận soóc bắt đầu bài tập thể dục uốn éo theo tiếng nhạc. Chẳng rõ là môn phái gì nữa, dưỡng sinh không phải, thái cực cũng không, aerobic cũng không luôn... Chỉ biết là đến tận tầng 24 cũng bị cái loa máy CD của họ “xâm phạm tiết hạnh”.

7g sáng: thứ hai đầu tuần, loa một trường tiểu học gần đó inh ỏi “các em ơi!” và một lô mệnh lệnh của ban giám hiệu đưa ra, khởi đầu cho một chuỗi hào hứng của cả thầy và trò.

8g: anh “văn hóa” trở lại mần việc, vặn loa, truyền lại đài phát thanh thành phố, hoặc tự biên tập chương trình ca nhạc. Đến trưa thì tạm nghỉ. Đầu giờ chiều lại phát tiếp. Cái công việc của anh, trừ ba cái thông cáo năm thì mười họa của xã, huyện, còn lại đã được đài phát thanh thành phố làm giùm cả, anh chỉ việc nối vào.

Thời khóa biểu mở loa sáng chiều co giãn, song giờ cúp loa tan tầm thì còn hơn chính xác: 16g30 tắt loa ra về. Toàn khu chung cư, cả khu “làng đại học” bên cạnh cứ thế mà cắn răng đóng hết cửa kính sáng chiều.

Nghỉ chừng nửa giờ lấy sức thì đã đến 17g. Một dàn loa khác, từ một hướng khác, đâu như từ một quán nhậu “hát với nhau”. Cứ như thể dân doanh đã giành được... không gian phát thanh của “loa văn hóa”! Dàn loa này khác hẳn dàn loa “văn hóa”, đọc thì không, nói thì hiếm, toàn la và hét, nhạc máy xập xình, tiếng bass thình thịch như chày vồ giã màng nhĩ, màng tang, màng tim cho đến có gần 23g.

Chẳng thấy ai đến chỉnh sửa volume, uốn nắn! Sao lại “bỏ mặc trận địa loa” vậy nhỉ? Các công dân chung cư và “làng đại học” lại cố thủ sau các cánh cửa kính!

Té ra, toàn dân cứ “căn volume” theo tiếng loa phường, xã. “Văn hóa” vặn loa cỡ đó thì mình cứ cỡ đó mà vặn. Như một chuẩn mực văn hóa! Riết rồi từ các trường học đến shop quần áo, quán nhậu (trừ quán bia ôm thì “im lặng là vàng”) cho đến anh bán dạo cũng lấy “loa văn hóa” làm chuẩn. Đừng thắc mắc tại sao đã từng có xung đột tóe máu hay trầm cảm vì loa.

Một ngày của mấy ngàn công dân trong mấy block chung cư đang rất cần được yên tĩnh để sáng hôm sau tới công ty, áo “bỏ thùng”, cổ cồn đeo cà vạt, tỉnh táo mần việc. Mần việc thiệt chớ không mần giả, lĩnh lương thiệt chớ không lĩnh lương kiểng.

50 phút bị đánh thức sớm mỗi sáng đó cứ như rút hết sinh lực mới tái tạo phần nào đêm qua. Đến khi cái loa đột nhiên im bặt không một lời từ giã, họ hầu như kiệt sức, cả thân xác lẫn tinh thần.

Chợt nhớ trong Vô gia đình (Sans famille), Hà Mai Anh năm nao dịch, đăng trong mọi quyển quốc văn ngày xưa còn bé, cảnh cả thầy lẫn trò và thú gánh xiếc rong bị cảnh binh điệu về bót vì tội sau chín, mười giờ tối còn kéo đàn trên phố. Quyển truyện đó phát hành năm 1878 thì phải.