VNExp - Báo chí quốc tế cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm củng cố và cải thiện quan hệ song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 5 đến 6/11.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiếu Dũng nói rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy sự phát triển tương lai của quan hệ Việt - Trung.
"Chủ tịch Tập cùng các lãnh đạo Việt Nam dự kiến sẽ thảo ra đường hướng cho sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong kỷ nguyên mới, từ tầm nhìn chiến lược và dài hạn", ông Hồng nói.
Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc China Radio International (CRI) viết trên trang tin điện tử của mình rằng chuyến thăm diễn ra khi Trung Quốc và Việt Nam nỗ lực giảm căng thẳng trong tranh chấp kéo dài ở Biển Đông.
Các cuộc thảo luận giữa hai bên có thể bao gồm cách giảm bớt căng thẳng song phương và các vấn đề khác trong khu vực, CRI viết.
Trong một bài báo khác, Xinhua dẫn lời ông Lý Quân, quan chức cấp cao trong Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) nhấn mạnh rằng đây là "chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của ông Tập với tư cách là tổng bí thư CPC và chủ tịch Trung Quốc".
"Mặc dù diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, chuyến thăm dự kiến sẽ đạt được nhiều thành quả", ông Lý nói.
The Diplomat nêu bối cảnh chuyến thăm của ông Tập, khi những năm gần đây Trung Quốc đẩy mạnh thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Tháng 5/2014, Trung Quốc còn triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền và nhân dân Việt Nam. Sau khi rút giàn khoan về, Trung Quốc đã tăng tốc hoạt động bồi đắp và cải tạo các bãi đá tại Trường Sa, xây dựng một số đường băng trên các thực thể đó.
Với tất cả những điều này, The Diplomat cho rằng ông Tập sẽ đến Hà Nội với nhiệm vụ là khởi động lại quan hệ với Việt Nam.
Reuters lưu ý rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến vào thời điểm căng thẳng sau khi Mỹ cử một tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Việt Nam hôm 29/10 ra tuyên bố về việc Mỹ điều tàu tuần tra áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa, tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Trương Đức Duy, cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Tập được kỳ vọng sẽ vực dậy quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Singapore và ASEAN.
"Chuyến thăm sắp tới của ông Tập tới Việt Nam và Singapore sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc phát triển lành mạnh và bền vững, để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực", CCTV dẫn lời nhận xét.
Cựu đại sứ Trương đánh giá rằng trong thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều bất đồng trong vấn đề Biển Đông, nhưng hai nước luôn tìm cách tìm ra những điểm tương đồng từ sự khác biệt, và chuyến thăm của ông Tập sẽ tăng cường quan hệ "đồng chí và anh em" giữa hai nước.
Cũng theo ông Trương, chuyến công du Việt Nam và Singapore lần này của ông Tập sẽ góp phần hòa hợp sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng cách đây hai năm và kế hoạch "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" của Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong sản xuất, xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, thương mại, cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Eurasia Review dẫn lời tiến sĩ Subhash Kapila thuộc Nhóm Phân tích Nam Á cho rằng chuyến công du Việt Nam lần này của ông Tập là một cơ hội để Bắc Kinh "khởi động lại" quan hệ với Việt Nam. Theo tiến sĩ Kapila, mối quan hệ giữa hai nước chỉ có thể thực sự được "tái khởi động" nếu Trung Quốc chấm dứt những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.