VNExp - Theo Thứ trưởng Quốc phòng Lê Hữu Đức, ba trung đoàn không quân tại Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất sẽ được di chuyển nhằm giảm mật độ, đảm bảo an toàn cho máy bay dân dụng khi cất và hạ cánh tại sân bay.
Sáng 3/11, tại diễn đàn Quốc hội, Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Quốc phòng cung cấp và giải đáp những thông tin về khả năng, nhiệm vụ quốc phòng phối hợp với kinh tế và tình hình các doanh nghiệp quốc phòng hiện nay.
Theo Thứ trưởng, những năm qua Đảng, nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt quốc phòng kết hợp với kinh tế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, với các đề án cụ thể giao Bộ Quốc phòng thực hiện.
Đến nay, đề án đường tuần tra biên giới đã làm được khoảng 2.000km, bàn giao địa phương quản lý và bảo vệ; 32 khu kinh tế quốc phòng dọc biên giới, biển đảo đang được triển khai. Trong đó, có 3 khu trên biển, gồm cửa Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa và Tây Nam Bộ.
231 trong tổng số 432 đồn, trạm biên phòng đã được hoàn tất và đến 2020 sẽ xây xong 181 đồn nữa. Tướng Đức cho hay, đề án này qua kiểm tra, giám sát được đánh giá rất cao, có hiệu quả cả về kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh, giúp xoá đói giảm nghèo, bố trí lại dân cư dọc biên giới và tạo ra thế trận bảo vệ tổ quốc từ xa.
Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo các cơ quan đơn vị điều chỉnh vị trí đóng quân, bàn giao đất quốc phòng cho các địa phương để xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Hai trung đoàn không quân được di chuyển về Phú Yên và Bình Thuận để bàn giao sân bay Cam Ranh và Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế, xã hội; phối hợp với Bộ Giao thông chuyển sân bay Thọ Xuân từ sân bay chuyên dùng quân sự thành sân bay dân dụng, dùng chung, hiệu quả tốt.
"Được sự đồng ý của Thủ tướng, sắp tới, Bộ Quốc phòng sẽ di chuyển ba trung đoàn không quân ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đi nơi khác để giảm mật độ bay, bảo đảm an toàn cho máy bay của hàng không dân dụng", Thượng tướng Lê Hữu Đức nói và cho hay, việc phối hợp với Bộ Giao thông điều chỉnh đường bay dân dụng, mỗi năm tiết kiệm được 43.000 giờ bay.
Bộ Quốc phòng đang triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, từ 300 rút xuống còn 75 đơn vị đầu mối, trong đó 43 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các quân binh chủng để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. 6 doanh nghiệp trồng cà phê, cao su đứng chân trên địa bàn chiến lược dọc biên giới như binh đoàn 15, 16, Tổng công ty cà phê Quân khu 5. Còn lại 26 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dân dụng như Viettel, Tân cảng, Tổng công ty bay, Binh đoàn 11, 12, Tổng công ty 319, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội MB.
Nhìn chung, các doanh nghiệp quân đội làm ăn có lãi, chấp hành pháp luật, hàng năm, nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 187.000 lao động. Đặc biệt các doanh nghiệp lưỡng dụng thời bình sản xuất kinh doanh, huấn luyện dự bị động viên, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì các doanh nghiệp này sẽ là các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
"Như Tổng công ty bay hiện có 25 máy bay trực thăng rất hiện đại, khi chiến tranh xảy ra sẽ thành hai trung đoàn không quân chiến đấu, hay Tổng công ty Đông Bắc khi có chiến tranh xảy ra sẽ thành Sư đoàn Công binh làm đường, xây dựng công trình chiến đấu", Tướng Đức nói.
Thượng tướng Lê Hữu Đức cho biết, Nhà nước vẫn dành khoản ngân sách lớn nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, mua sắm vũ khí, trang thiết bị hiện đại cho các quân binh chủng; chương trình đóng tàu cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư, ngư dân thời gian qua cũng được chú trọng. Các chương trình phát triển Công nghiệp quốc phòng vẫn được thực hiện tốt.
"Chúng ta đủ sức bảo vệ Tổ quốc", Thượng tướng Đức khẳng định.