Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Tự chủ đại học để “kỹ sư ra kỹ sư, tiến sĩ ra tiến sĩ”

LÊ THANH PHONG

LĐO - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014 -2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối đại học cao đẳng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến cái cốt lõi của tự chủ đại học: Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ tài chính, mà tự chủ về tổ chức, nhân sự, học thuật.

Tự chủ đại học đang được thực hiện thí điểm, mà thí điểm là tiên phong, là tìm ra cái mới. Trước mắt khi chưa sáng tạo được điều gì xuất sắc thì học từ các nước có nền đại học tiên tiến. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thế giới có nhiều trường đại học nổi tiếng, tại sao chúng ta không chọn trường nào phù hợp, tạm thời làm theo họ.

Nói vậy chứ làm theo cũng không dễ, vì sao vậy?

Cho đến nay, nhiều quan điểm bảo thủ cứ cho rằng tự chủ đại học là tự túc tài chính, nhà nước không bao cấp. Nhưng thực ra tài chính chỉ là một yếu tố, các yếu tố quan trọng khác là tự chủ về học thuật, về nhân sự, về tổ chức như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra. Thế nhưng, chỉ cần trường nào đưa ra một đề xuất mới về học thuật hay nhân sự, sẽ chịu nhiều phản ứng, thậm chí “ném đá”. 

Điển hình như sự kiện Trường Đại học Tôn Đức Thắng xây dựng kế hoạch bổ nhiệm giáo sư để kiện toàn tổ chức, bố trí nhân sự đồng thời cũng để nâng cao chất lượng học thuật của nhà trường, thì bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đồng thuận cũng có những ý kiến không phải là phản biện để xây dựng, mà chê bai, thậm chí “quy tội”.

Hoặc một số trường đại học muốn xây dựng khung chương trình theo mô hình của các trường đại học của các nước tiên tiến, nhưng gặp phải quan điểm cho rằng như vậy là xé rào, không tuân thủ quy định của Bộ GD ĐT. Không “xé rào” thì biết bao giờ thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của một nền đại học chưa thực sự hội nhập.

Vấn đề không phải là “trung thành” một cách “ngu trung” theo khung chương trình cứng nhắc mà Bộ đưa ra, mà cho phép các trường đại học tự tìm con đường hoc thuật để có được một sản phẩm đầu ra chất lượng cao. Chất lượng của sinh viên sẽ được đánh giá qua các nhà tuyển dụng, không phải do sự công nhận chung chung của ngành giáo dục. Thử nhìn lại xem, từ trước đến nay tất cả các trường đại học đều thực hiện theo chương trình đào tạo của Bộ GD ĐT, nhưng chất lượng đào tạo đại học của chúng ta không cao như mong muốn.

Tự chủ đại học thì mới hy vọng đào tạo “kỹ sư ra kỹ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ” như điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi là “mục đích cuối cùng”.