Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

'Tham nhũng làm bệ rạc nền hành chính'

TÁ LÂM

(PLO)- Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM đã nhận định như thế tại buổi tiếp xúc cử tri ba quận 1, 3 và 4, sáng 5-5.

Sáng 5-5, các ĐBQH TP.HCM gồm Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng - Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, đã có buổi đến tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3 và 4 trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một thành viên thuộc tổ ĐBQH này nhưng vì bận công tác đã xin vắng mặt.

Đằng sau đại gia gom đất ở các đặc khu là ai?

Đề cập đến cơn sốt đất gần đây, ông Lâm Ngọc Mạnh, cử tri quận 3, cho rằng việc hình thành ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong là mảng đất màu mỡ cho các đại gia thao túng, đẩy giá đất lên chóng mặt. Đây cũng là mảng đất tốt để băng nhóm xã hội đen thao túng.

“Tại sao các đại gia nhiều tiền đến thế? Đằng sau đại gia là ai, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, nợ công lớn, trường học và bệnh viện xuống cấp. Quốc hội có nắm được thực trạng này không? Căn cứ vào đâu quyết định ba nơi này trở thành đặc khu?” - ông Mạnh đặt câu hỏi cho tổ ĐBQH khi ông không đủ thông tin để lý giải.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết câu hỏi của cử tri Mạnh đặt ra khi đặt nghi vấn từ nguồn thu nhập nào mà có những đại gia thu gom đất ở các đặc khu, bản thân ông cũng không trả lời được. “Chúng tôi không có cơ sở để trả lời” - ông Khuê nói.

Lợi ích nhóm chờ cơ hội ngoi lên?

Một vấn đề khác cũng được nhiều cử tri quan tâm tại buổi tiếp xúc này, đó là công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng.

Ông Hồ Quang Chính, cử tri quận 3, cho rằng thời gian qua Trung ương đã có sự cố gắng cao, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực, nhiều vụ án lớn, nhiều quan chức to như ủy viên Bộ Chính trị, trung tướng ngành công an sai phạm đã bị bắt. Đây là thành công bước đầu, giúp củng cố niềm tin của nhân dân và đảng viên.

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng hiện vẫn còn những mặt chưa tốt như chống tham nhũng chưa đều ở mọi nơi, việc xử lý còn nhẹ. “Ai nhụt chí chống tham nhũng thì nên cho nghỉ việc. Chúng ta không cần những con người không làm được việc” - ông Chính thẳng thắn nói về công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra.

Còn ông Lâm Ngọc Mạnh cho biết nhân dân đang theo dõi kết quả cuối cùng của “cuộc chiến chống tham nhũng”. Mặc dù nhân dân ngày càng tin tưởng nhưng vẫn còn băn khoăn về thu hồi tài sản chưa được bao nhiêu, làm thất thoát hàng vạn tỉ đồng. “Hiện nay, lợi ích nhóm đang luẩn quẩn đâu đây, chờ cơ hội để ngoi lên” - ông Chính nói.

Cử tri Nguyễn Minh Hoan, quận 1 cho rằng nhân dân rất đau xót khi thấy có những vụ án kinh tế thất thoát hàng ngàn tỉ từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, cần phải có biện pháp phòng hơn là chống, làm sao để hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng. “Cần công khai tài sản cán bộ các cấp. Hình thức này sẽ ngăn chặn được tiêu cực từ đầu”- ông Hoan nói và dẫn chứng hình thức này đã được các nước trên thế giới thực hiện rất hiệu quả.

Còn bà Hoàng Thị Lợi, cử tri quận 1, cho rằng việc kê khai tài sản cán bộ hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức. Bà đề nghị cần xem xét và quy định chặt chẽ việc kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ. “Không thể có chuyện ông này trước khi làm bộ trưởng có một căn nhà, vợ con thu nhập như thế này mà hai năm sau có biệt phủ, con đi học nước ngoài” - bà Lợi nói.

Tham nhũng làm bệ rạc nền hành chính

Ghi nhận những ý kiến của cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng ai cũng thấy tham nhũng là giặc nội xâm không chỉ làm bệ rạc nền hành chính mà còn tạo ra nguy cơ đối với đất nước. Chính phủ cũng xác định là chính phủ liêm chính kiến tạo và hành động và dứt khoát xử lý tham nhũng.

“Một vài sự việc vừa qua đã tạo dựng lại niềm tin của người dân trong việc chống tham nhũng. Đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để tự mỗi đơn vị, mỗi người tự soi rọi lại” - ông Khuê nói và cho rằng không phải một sớm một chiều mà chấm dứt được nạn tham nhũng.

Ông Khuê cũng cho biết tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, theo định kỳ sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ để xem từng cơ quan có chương trình, nội dung cụ thể hóa những cam kết hay không. “Phiếu tín nhiệm là thước đo giữa lời nói và việc làm, để xem anh có vận động không, nếu trong bộ máy có sự vận hành chuệch choạc thì cần phải uốn nắn” - ông Khuê nói.