Dân Trí - Căng thẳng, xung đột giữa người bệnh và y bác sĩ đang ngày càng “leo thang” khiến Thủ tướng phải chỉ đạo xử lý, nhiều bệnh viện thuê võ sư về huấn luyện, nguy cơ bệnh viện bị biến thành võ đài nếu đi sai hướng.
“Gần như ngày nào cũng xung đột, căng thẳng”
Đó là thông tin được BS Ngô Lê Đại, Trưởng tua trực Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ khi trao đổi với phóng viên. Theo BS Đại: “Khó có thể thống kê hết, nhưng gần như ngày nào cũng có xung đột, căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với y bác sĩ.
Căng thẳng có thể xảy ra ở những mức độ khác nhau, đôi khi chỉ là những trách móc song cũng có những người la mắng, chửi thề, đe dọa, sẵn sàng tấn công chúng tôi”.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy là khoa tiếp nhận bệnh nhân nặng,cần phải cấp cứu. Mỗi tua trực thường được bố trí 8 bác sĩ và điều dưỡng, nhân viên y tế tổng số khoảng 35 người. Tuy nhiên, khoa phải tiếp nhận trung bình trên dưới 200 bệnh nhân mỗi ngày.
“Chúng tôi luôn trong tình trạng quá tải, phải căng mình nỗ lực chăm sóc cho người bệnh. Với lực lượng mỏng nhưng vừa phải tiếp nhận, thăm khám chẩn đoán ban đầu, phân loại bệnh và có thể phải thực hiện mổ cấp cứu khẩn nguy ngay tại khoa. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân đa phần không hiểu, bất kể bệnh nặng hay nhẹ khi vào viện họ chỉ muốn người nhà mình được làm nhanh nhất, tốt nhất… Những người đã uống bia rượu là nhóm thường xuất hiện hành vi gây hấn với y bác sĩ”, BS Đại chia sẻ.
Dẫn chứng cho thực tế trên, BS Lê Đại cho biết: “Mới 2 hôm trước, một trường hợp vào viện, sau tiếp nhận được đánh giá sơ bộ bị sỏi thận gây đau. Người chồng có hơi men liên tiếp yêu cầu chữa trị sớm cho vợ mình.
Chúng tôi đã cố gắng giải thích nhưng người chồng không nghe mà tiếp tục chửi mắng nên khoa phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ. Người chồng bị mời ra ngoài nhưng vẫn đứng trước cổng bệnh viện văng tục, chửi hơn nửa tiếng đồng hồ”.
“Mặc cho người chồng chửi, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Người vợ được chăm sóc, điều trị chu đáo như bao bệnh nhân khác. Chị đã cảm động gửi lời xin lỗi trước cách hành xử rất tình người y bác sĩ. Chưa bao giờ vì bị người nhà chửi mắng, đe dọa mà chúng tôi bỏ mặc bệnh nhân của mình”.
Một bệnh nhân khác cấp cứu sau cuộc đâm chém, thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm. Bệnh nhân nhập viện thì nhóm người khác xăm trổ đầy mình mặt đằng đằng sát khí xông vào khoa. “Chúng tôi vừa phải cách li người bệnh để cứu chữa vừa huy động bảo vệ giữ trật tự, an ninh”.
Đừng biến bệnh viện thành võ đài
Sau quá nhiều vụ việc nhân viên y tế, y bác sĩ tại các bệnh viện bị tấn công nhưng không được xử lý triệt để, nhiều y bác sĩ, bệnh viện đã tìm cách bảo vệ mình bằng việc đi học võ hoặc thuê công an, võ sư về dạy võ. Bác sĩ đi học võ là chuyện bình thường, nhưng đi học võ vì bức xúc với tình trạng bị người bệnh và thân nhân tấn công là vấn đề đang gây nhiều tranh luận.
Trên trang cá nhân của mình, anh H.M. chia sẻ: “Bệnh viện, họ thuê của võ sư về rồi. Phen này, người bệnh vào viện coi chừng không chết vì bệnh mà chết vì đòn thù của y bác sĩ”. Một số ý kiến cho rằng, bác sĩ đi học võ là tốt nhưng đừng mang võ ra “đối thoại” với người bệnh.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, BS Lê Đại cho biết: “Chúng tôi cũng đã xem thông tin về việc nhiều bệnh viện thuê công an, võ sư về dạy cho nhân viên y tế. Mọi người đi học võ, nâng cao sức khỏe, tự vệ chính đáng là chuyện tốt. Tuy nhiên, bác sĩ đi học võ để lấy võ xử lý trong các tình huống đụng độ với người bệnh là không nên.
Đừng bao giờ chọn giải pháp lấy vũ lực để đối đầu với người bệnh hoặc thân nhân người bệnh, hãy tìm những giải pháp mềm mại trên tinh thần chia sẻ để có sự đồng cảm thấu hiểu giữa hai bên.
BS Đại cũng băn khoăn: Trong trường hợp bác sĩ “có nghề võ”, nếu có đụng độ, cả hai bên cùng nóng tính thì chưa biết chuyện gì có thể xảy ra.
“Tôi không nghĩ đến tình huống y bác sĩ và người nhà sẽ tấn công lẫn nhau khi xảy ra mâu thuẫn nhưng đây là tình huống nên tránh. Không nên biến bệnh viện thành võ đài, hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh tấn công lẫn nhau nếu xảy ra sẽ là điều vô cùng tồi tệ”, BS Đại nói.
Từ thực tế tại khoa Cấp cứu Chợ Rẫy, BS Đại chia sẻ: “Chúng tôi nói về chuyên môn hoặc khó khăn trong công việc, người bệnh và thân nhân có thể không hiểu nhưng đã đến bệnh viện thì nên tin tưởng vào y bác sĩ.
Hoạt động chuyên môn của y bác sĩ liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người bệnh nên không thể nói bác sĩ làm nhanh nhất, tốt nhất… Công việc thì quá tải, lại thêm áp lực từ thân nhân nếu xảy ra sự cố, sai sót sẽ gây ra hậu quả không lường”.
Trao đổi với phóng viên về những giải pháp để hạn chế căng thẳng xảy ra, BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11, TPHCM cho biết: “Cần nhìn nhận công bằng về các mẫu thuẫn xảy ra cũng như những vụ y bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công. Người nhà bệnh nhân không phải y bác sĩ nên không hiểu hết được các vấn đề chuyên môn. Y bác sĩ phải có nhiệm vụ giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhất cho người bệnh và thân nhân”.
Theo BS Quốc Dũng: Mâu thuẫn hầu hết xảy ra trong quá trình tiếp nhận, thăm khám ban đầu cho người bệnh. Sau khi tiếp nhận, thăm khám cho bệnh nhân, điều dưỡng thường chỉ chờ kết quả xét nghiệm kiểm tra hoặc chẩn đoán hình ảnh từ bác sĩ để theo y lệnh thực hiện các bước chăm sóc tiếp theo. Thời điểm này nếu không có bất thường xảy ra, người bệnh ít nhận được chăm sóc y tế. Nếu bệnh nhân không đông, nhân viên y tế có thể sẽ ngồi chơi, thậm chí ngồi lướt điện thoại.
Đây là hình ảnh gây phản cảm với người bệnh và thân nhân của họ bởi tâm lý của bệnh nhân khi vào viện bên cạnh những lo lắng, họ luôn muốn được chăm sóc tận tình. Để tránh mâu thuẫn từ tình huống trên, chúng tôi quán triệt nhân viên toàn bệnh viện, dù có quá tải bệnh hay không, mỗi 5 - 10 phút, điều dưỡng, bác sĩ phải thăm bệnh một lần, ân cần hỏi thăm sức khỏe, đo huyết áp cho người bệnh hoặc giải thích thêm những điều người bệnh và thân nhân đang băn khoăn.