Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Vụ nhà máy thép ô nhiễm: Lãnh đạo Đà Nẵng lúng túng

TẤN VIỆT

(PLO)- Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói như trên trong buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang chiều 28-2.

Chiều 28-2, ông Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hòa Vang tiếp tục có buổi đối thoại với người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên.

Đây là buổi đối thoại thứ hai trong hai ngày khi người dân vẫn túc trực trước cổng hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, khiến hai nhà máy phải ngừng hoạt động.

Theo ông Phan Nhạn (ngụ tổ 6, thôn Vân Dương 1), từ năm 2016, người dân kêu rất nhiều lần nhưng lãnh đạo TP về giải quyết chưa dứt điểm. Người dân yêu cầu nhà máy đóng cửa lò nấu, không gây ô nhiễm môi trường. "Nếu di dời nhà dân thì đi nơi nào? Không được đưa lên khu tái định cư (TĐC) Hòa Liên 6 vì vẫn gần nhà máy" - ông Nhạn nói.

Ông Ngô Chối (ngụ thôn Vân Dương 2) đặt câu hỏi: "TP có giải quyết được vấn đề ô nhiễm khói bụi không? Nếu giải quyết không được thì yêu cầu nhà máy đóng cửa. Nếu TP đưa ra lộ trình di dời thì mong hai nhà máy chấp hành. Dân chúng tôi quá bức xúc".

Ông Trương Văn Lung (ngụ tổ 2, thôn Vân Dương 2) đề nghị TP di dời nhà máy hay di dời dân, cần trả lời dứt điểm trong hôm nay để dân yên tâm. "TP chọn thế nào thì dân chúng tôi theo thế ấy. Nhưng tôi vẫn nghĩ nên di dời nhà máy" - ông Lung bày tỏ.

“Vì dân di dời lên khu TĐC thì sau này vẫn ảnh hưởng ô nhiễm thôi. Nên di dời nhà máy là hợp lý hơn. Lộ trình TP chọn để di dời nhà máy, đề nghị dừng hoạt động để tránh xung đột với dân, vì quyền lợi của dân" - ông Lung nói tiếp.

Tham dự buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý, cho hay trước đây khi đơn vị đề xuất trồng cây, cách âm, TP đồng ý rồi nhưng khi xây dựng thì bà con phản đối. Bà con yêu cầu tiến độ đi sớm nhưng thủ tục, quy định phải đúng lộ trình.

“Rồi tài chính ở đâu, TP nói ngân sách không đủ, chỉ lo được TĐC thôi. Vấn đề giải tỏa dân thì công ty ứng tiền để giải tỏa, sau này TP trả lại cho công ty. Công ty cũng phải chạy vạy, vay ngân hàng. Việc kiểm định xong rồi, giờ bà con không cho sản xuất nữa thì nhà máy phải đóng cửa thôi” - ông Tân nói.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ cuối năm 2016, khi có vấn đề về ô nhiễm môi trường tại hai nhà máy thép, lãnh đạo TP đã đến đối thoại với bà con nhiều lần. Sau đó thống nhất phương án là sẽ di dời nhà máy có lộ trình, đồng thời di dời dân. Cả hai phương án di dời nhà máy hay dời dân đều không tối ưu. Lãnh đạo TP rất lúng túng.

“Di dời hai nhà máy, trước đây cơ quan chức năng rà soát thì đều không thể tìm được các vị trí để dời đến. Di dời dân thì đối mặt áp lực TĐC. Toàn bộ khu vực Hòa Liên dần dần sẽ trở thành vùng trũng, về lâu dài cũng phải chỉnh trang đô thị. Giờ dời bà con lên Hòa Liên 6 cũng cách tường rào nhà máy 500 m rồi. Các ngành chức năng đang làm thủ tục. Nhưng thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước rất lâu, nhanh nhất cũng phải mất 5-6 tháng” - ông Minh nói.

Khi ông Minh cho hay sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo lại với UBND TP, bà con lại la ó, phản đối. Do vậy, ông Minh hứa chậm nhất sáng thứ Hai tuần sau sẽ xuống báo cáo lại cho bà con biết kết quả cụ thể.