NLĐO - Ba năm liên tiếp không phát hiện trường hợp vi phạm nào trong việc sử dụng tài sản công, nhận, tặng quà Tết trái quy định
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết sơ bộ chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tài sản công cũng như tặng và nhận quà trái quy định trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Cục Chống tham nhũng đang tiếp tục tổng hợp báo cáo của các ngành, địa phương để báo cáo lên cơ quan cấp trên.
Không phát hiện trường hợp nào (!?)
Đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ 2016, các địa phương, bộ, ngành đều gửi báo cáo về TTCP với kết quả không phát hiện trường hợp vi phạm. Riêng trong dịp Tết nguyên đán 2018, Cục Chống tham nhũng đã tiếp nhận trên 50 cuộc gọi phản ánh về việc tặng quà Tết trái quy định và đã phân loại, chuyển giao một số phản ánh cho người đứng đầu địa phương và các ngành kiểm tra, làm rõ.
Trước Tết nguyên đán 2018, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 16 về tổ chức Tết, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức. Chỉ thị 82 của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề này. Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Cục Chống tham nhũng đã công bố đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh về tình trạng sử dụng tài sản công, tặng và nhận quà trái quy định. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm.
Với báo cáo không phát hiện trường hợp nào tặng, nhận quà Tết trái quy định, nhiều người dân còn băn khoăn với kết quả này và lo ngại việc các địa phương, bộ, ngành báo cáo về TTCP chỉ là hình thức, không thực chất. Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng rất khó để đo đếm tính thực chất của các báo cáo mà các bộ, ngành, địa phương gửi về TTCP. "Bản thân các đơn vị này cũng rất khó giám sát việc tặng quà, nhận quà, biếu xén trong dịp Tết nguyên đán. Nếu một cá nhân nào đó đã có chủ đích để đi biếu quà Tết thì rất khó để giám sát, phát hiện" - ông Nhưỡng nhận định.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - băn khoăn về kết quả báo cáo này. Ông Tiến cho rằng tình trạng tặng và nhận quà Tết trái quy định không thể là "con số 0" như các báo cáo nêu. "Người dân vẫn phát hiện và phản ánh về tình trạng này, đây là thực tế mà chúng ta phải nhìn thẳng vào" - ông Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến, các bộ, ngành, địa phương đều có báo cáo rất tốt, không phát hiện trường hợp vi phạm cũng đặt ra vấn đề có hay không tình trạng bao che, "làm ngơ". Thậm chí, nhiều đơn vị còn đặt nặng thành tích, lo ngại bị "hạ thi đua" khi có cá nhân vi phạm. Vì vậy, tính tự giác, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là rất quan trọng.
Đang bị lợi dụng, biến tướng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đánh giá báo cáo không có trường hợp nào tặng, nhận quà Tết trái quy định cho thấy dấu hiệu tốt trong công tác phòng chống tham nhũng, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề "ngấm ngầm" phía sau. Lạc quan về kết quả báo cáo nhưng ông Nhưỡng nhấn mạnh nếu sau đó cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hoặc người dân phản ánh đầy đủ cơ sở thì đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Theo ông Nhưỡng, việc tặng quà Tết đang bị lợi dụng, biến tướng rất nhiều. Nhiều người lợi dụng văn hóa, truyền thống để đưa vào đó những tư lợi cá nhân. Vai trò của người đứng đầu trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng là vô cùng quan trọng ở mỗi đơn vị, địa phương. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết dẹp bỏ việc biếu xén, quà cáp dịp lễ, Tết. Vị ĐBQH cũng đánh giá cao những năm qua không còn cảnh ô tô ở các địa phương "rồng rắn" về Hà Nội chúc Tết các bộ, ngành. "Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian gần đây không còn cảnh ô tô con đi trước, ô tô to chở quà theo sau đổ về trung ương chúc Tết, tặng quà. Đây là tín hiệu mừng trong công tác phòng chống tham nhũng, được người dân tin tưởng" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lê Như Tiến cho rằng chúng ta đã có Chỉ thị 16 nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới nhưng đang thiếu hệ thống giải pháp để phát hiện, giám sát. Vị nguyên ĐBQH rất băn khoăn khi chỉ thị chỉ mới dừng lại ở mức độ "hình thức", còn các giải pháp áp dụng xuống các bộ, ngành, địa phương mới là yếu tố quyết định.
"Nhân việc chuẩn bị sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, cần đưa vào chế định việc tặng, biếu quà. Cần phải lượng hóa cụ thể như thế nào thì không phải quà mà là hối lộ trá hình. Vì thực tế hiện nay, không chỉ có tặng quà dịp lễ, Tết, mà sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng quý tử cũng biếu, tặng quà rất giá trị" - ông nêu và kiến nghị luật nên có quy định cụ thể, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm minh.
29 người nộp lại quà tặng trong năm 2017
Theo báo cáo của TTCP về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, chỉ có 29 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị là 528 triệu đồng. Ngoài ra, có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm về kê khai. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch ở 5.600 cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ phát hiện 88 đơn vị có vi phạm. TTCP cho biết 1 cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật do thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.