(Dân trí) - Xin nói luôn, đó là suy nghĩ của cá nhân người viết bài này trước quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về vấn đề nóng bỏng, đang được tranh cãi những ngày qua. Đó là nên hay không đánh thuế tài sản không giải trình được nguồn gốc của cán bộ, công chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản.
Đúng một tuần trước đây (ngày 13/3), trong bài “Một bài toán không dễ có đáp án thỏa đáng?”, trên BLOG Dân trí, người viết bài này đã băn khoăn với câu hỏi có nên đồng ý với ý tưởng thu thuế 45% đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc kê khai thiếu của Thanh tra Chính phủ?.
Thật tình có một sự thật, đó là do rất nhiều qui định của luật pháp và nhiều qui định khác, việc những khối tài sản không nhỏ của không ít quan chức chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, Hậu quả là số tài sản đó vẫn “lơ lửng” giữa hợp pháp và không (hoặc chưa) hợp pháp. Nhằm thu hồi cho ngân sách, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị đánh mức thuế vượt trần (thuế thu nhập cao nhất là 35%, ở đây là 45%) đối với những tài sản này.
Tuy nhiện, nhiều ý kiến chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội không đồng tình, Có đại biểu như LS Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) hay Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền còn cho rằng đó là vi phạm luật chống “rửa tiền”.
Tuy nhiên ngày 18/3, tại phiên trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, so sánh với thông lệ quốc tế, những tài sản không chứng minh được thì tịch thu hoặc chuyển sang hình sự ngay, như Trung Quốc hiện đang áp dụng là tịch thu.
Theo ông Long, áp dụng quy định này ngay chưa được mà phải thực hiện quy trình tư pháp về tố tụng, giống như xem xét việc chiếm giữ tài sản mà không có căn cứ.
Đây là bước thận trọng cần thiết bởi chúng ta là nhà nước pháp quyền, làm việc phải theo những gì luật pháp qui định. Vì thế, trong khi chưa có những qui định của luật pháp, thì không nên nóng vội đánh thuế 45% vì như thế, dù lý giải thế nào cũng là hình thức hợp pháp hóa khối tài sản đó.
Chậm nhưng mà chắc. Vả lại, hãy cứ để cho họ là chủ “tạm quyền” bời nói thẳng là “chạy đi đâu cho thoát”, nếu đó là tài sản bất minh, phải không các bạn?