Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Kê khai tài sản rồi đóng dấu mật thì để làm gì

Nguyễn Quang Đồng/ TBKTSG

VNN - Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đang được xem xét sửa đổi. Kiểm soát tài sản của quan chức là vấn đề trung tâm được thảo luận trong lần sửa đổi này.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, được báo chí tường thuật, cho rằng kiểm soát tài sản và thu nhập phải là điều kiện tiên quyết để chống tham nhũng. Nhưng bản thân ông cũng tỏ rõ băn khoăn với hiệu quả của công tác này khi chỉ rõ việc kê khai tài sản theo cách hiện nay “chẳng để làm gì”!(1)  

Kê khai nhưng ai giám sát? Chuyện ở Hoa Kỳ...

Chủ đề kiểm soát tài sản tiếp tục được ông Quyền nêu ra trong buổi trao đổi về kinh nghiệm chống tội phạm tham nhũng và rửa tiền giữa bà Alyson Kay Duncan, thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang của Hoa Kỳ với Viện Nghiên cứu lập pháp diễn ra ở Hà Nội gần đây.

Thay vì diễn giải pháp luật Hoa Kỳ, bà thẩm phán kể lại câu chuyện của chính cá nhân bà. “Tôi có một người bạn thân là luật sư. Mỗi khi đi ăn trưa với nhau, dù là bạn bè thân thiết từ lâu, tôi vẫn luôn luôn tự trả phần hóa đơn của mình, dù phần tiền là nhỏ. Đó là yêu cầu bắt buộc của đạo đức nghề nghiệp, để tránh những xung đột lợi ích có thể xảy ra”.

Bổ sung cho câu chuyện của bà Duncan, ông bí thư chính trị của Sứ quán Mỹ nhắc lại câu chuyện thống kê quà tặng của Tổng thống Obama trong chuyến thăm vừa rồi. Suốt tuần lễ sau khi Tổng thống rời đi, Sứ quán Mỹ vất vả “ngập trong giấy tờ” khi phải thống kê lại chi tiết toàn bộ số quà tặng mà các cơ quan, cá nhân Việt Nam đã tặng cho Tổng thống. “Kể cả phần bún chả mà Tổng thống ăn tối, dù được miễn phí, nhưng chúng tôi vẫn phải kê khai vào”, ông kể.

Cần cân nhắc các ý kiến về việc xem xét lại trọng tâm của vấn đề đối phó với tham nhũng, vượt ra ngoài khuôn khổ Luật Phòng, chống tham nhũng.

Sự chặt chẽ đó không phải không có lý do.Việc kê khai tài sản và quà tặng là yêu cầu bắt buộc! Báo chí, cũng như mọi công dân và tổ chức ở Mỹ có quyền yêu cầu Văn phòng Tổng thống phải cung cấp toàn bộ thông tin về thu nhập, tài sản. Không kê khai, kê khai thiếu đều là vi phạm quy định về hành xử của công chức và có thể gặp rắc rối lớn - từ soi mói của đảng đối lập, báo chí, dư luận, và kể cả với các cơ quan tư pháp.

Nhìn vào vụ việc bà Hillary Clinton khốn đốn thế nào do sử dụng e-mail cá nhân trong công việc, có thể hiểu được vai trò giám sát từ bên ngoài hệ thống chính quyền đối với việc tuân thủ pháp luật của chính trị gia và công chức ở Hoa Kỳ quan trọng đến thế nào.

Vai trò của báo chí, của xã hội dân sự trong việc giám sát quan chức và cơ quan công quyền nhiều lần được bà Duncan cũng như đại diện Sứ quán Hoa Kỳ nhấn mạnh. Bà cho rằng, các cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ trong hệ thống nhà nước - tức chế ước và kiểm soát chéo giữa ba nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - và tư pháp, là chưa đủ. Báo chí, truyền thông, các hiệp hội nghề nghiệp với khả năng điều tra của mình, thực tế đã đóng vai trò không nhỏ trong việc phát hiện, thúc đẩy, giám sát việc xử lý nhiều vụ việc phạm tội, trong đó có tội phạm tham nhũng của giới chính trị gia.

Kê thuốc chống tham nhũng - toa thuốc đang thiếu hay thừa?

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên là Phó chủ nhiệm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa trước, cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đang bốc nhầm thuốc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, trong góp ý của mình về dự thảo luật này đã cho rằng chưa cần sửa luật mà quan trọng hơn, hãy thực hiện đúng các quy định của nó. Ông bày tỏ: “Có quá nhiều quy định chúng ta đưa ra nhưng có thực hiện đâu. Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm sao có minh bạch, kê khai xong đút ngăn kéo thì để làm gì?”.

Có thể nói, hai câu chuyện từ các vị khách Hoa Kỳ hàm chứa những gợi ý quan trọng cho các vấn đề mà ông Quyền và ông Cương nêu lên. Theo đó, vai trò giám sát của báo chí, của người dân và các tổ chức xã hội là cực kỳ quan trọng. Kê khai, nhưng không công khai cho truyền thông, cho người dân được giám sát thì khó lòng phát hiện và xử lý được tài sản bất minh. Và phát hiện rồi mà cán bộ tham nhũng không bị xử lý, không phải chịu trách nhiệm chính trị thì cả kết quả của một tiến trình trước đó cũng trở thành vô nghĩa.

Tiếp cận toàn diện trong việc đối phó với tham nhũng

Nhìn xa hơn, cần cân nhắc các ý kiến về việc xem xét lại trọng tâm của vấn đề đối phó với tham nhũng, vượt ra ngoài khuôn khổ Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, đề xuất của ông Cương có hợp lý trong bối cảnh Việt Nam? Quốc hội, thay vì sửa luật, có nên dành nguồn lực đó cho việc thực hiện tốt vai trò giám sát quyền lực của cơ quan hành pháp?  Các quy hoạch, giấy phép, các dự án, các công trình “ngàn tỉ”, các chương trình mua sắm và sử dụng công sản - vốn là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng quy mô lớn - đang rất cần vai trò giám sát của Quốc hội.

Cả thực tiễn và nghiên cứu lý thuyết đều khẳng định, nếu luật pháp rõ ràng, dễ hiểu, được giản lược hóa; thủ tục hành chính được tinh gọn, tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người dân với chính quyền được giảm bớt - đó là phương cách hiệu quả nhất để chống tham nhũng từ gốc rễ. Những điều luật chống tham nhũng có hay ho, chặt chẽ đến đâu, cũng không thể hiệu quả bằng việc giảm đi mảnh đất tạo cơ hội cho tham nhũng.

Vì thế, thay vì đầu tư nguồn lực cho một luật chống tham nhũng mới, Quốc hội có thể xem xét để ưu tiên cho cải cách pháp luật kinh doanh, đầu tư theo hướng giản dị hóa luật lệ và các thủ tục hành chính đi kèm. Phát hiện và loại bỏ được những “thông tư to như luật” như Thông tư 20 về xuất nhập khẩu ô tô hay Nghị định 109 về xuất khẩu gạo - những văn bản quy phạm pháp luật đang đẻ ra “xin - cho” và “giấy phép”, chắc chắn sẽ có hiệu quả thực chất trong chống tham nhũng hơn nhiều so với tiếp tục “sản xuất” ra các điều luật mới.

Và quan trọng hơn, như kinh nghiệm của Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác, việc chống tham nhũng không thể là “việc nội bộ” của hệ thống nhà nước và đảng cầm quyền. Quyền lực thường gây ra tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối(2). Để kiểm soát quyền lực, bản thân việc chế ước và kiểm soát quyền lực trong nội bộ bộ máy nhà nước mới chỉ là điều kiện cần. Giám sát từ bên ngoài, thông qua báo chí, truyền thông và các tổ chức xã hội mới là điều kiện đủ.
-----

(1) Xem http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160826/du-an-luat-phong-chong-tham-nhung-dang-boc-nham-thuoc/1161124.html

(2) Quan điểm của Lord Acton, triết gia người Anh