LĐO - Sau 2 ngày người dân Nam Ô phải thay nhau “canh chừng” để lối đi xuống biển không bị chặn lại, Bí thư Thảnh uỷ Đà Nẵng đã đến tận nơi chỉ đạo: “Bãi biển là của người dân. Tháo dỡ ngay hàng rào, mở lại lối đi ven biển. Cộng đồng có quyền hưởng lợi từ bãi biển và được tiếp cận bất cứ khi nào”.
Gần 11 giờ trưa 22.3, cuộc khảo sát đột xuất của Bí thư Nghĩa cùng lãnh đạo nhiều ban ngành diễn ra trong thời gian chớp nhoáng. Vừa bước xuống xe, các sở mới lật bản đồ ra, ông Nghĩa chỉ tay, nói ngay: “Ai cho phép dựng hàng rào ở đây? Dự án chưa triển khai đã dựng rồi thì sau này thế nào?”.
Nhiều cán bộ giật mình nhìn về phía hàng rào được vây quanh suốt nhiều năm qua ngay cuối đường Nguyễn Tất Thành. Phía bên kia hàng rào không chỉ là đất dự án mà còn là bãi biển dài, ghềnh đá Nam Ô, làng chài Nam Ô nổi danh một thời.
Không cần nghe báo cáo thêm, ông Nghĩa chỉ đạo tháo dỡ ngay hàng rào này và nhấn mạnh, 50m bãi biển tính từ mép nước là khu vực của cộng đồng, đó là luật. Riêng Đà Nẵng, chủ trương của Thành uỷ là phải giữ lại bằng được bãi biển cho người dân, thậm chí tương lai là làm đường dành cho người đi bộ, xe đạp.
“Không có chuyện cho thuê đất là được lấy luôn bãi biển. Mà không phải chỉ riêng ở đây, toàn bộ đường ven biển Đà Nẵng phải được trả lại cho người dân” – ông Nghĩa khẳng định.
Thông tin trên khiến người dân Đà Nẵng vui mừng. Bởi câu chuyện đi đòi đường xuống biển của người dân nơi đây khiến ai nghe cũng lạ, còn dân thì than trời.
Bài học từ câu chuyện đi đòi đường xuống biển của hàng nghìn hộ dân tại con đường ven biển Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn vẫn đang còn đó. Những năm qua, con đường này bị bịt kín bởi dãy các resort cao cấp. Thậm chí, nhiều dự án khác bị treo tại đây cũng làm rào chắn lối xuống biển. Người dân bức xúc khi "ở thành phố biển mà không có đường xuống biển".
Cho đến kì họp HĐND gần đây nhất, sau 2 năm bị trì hoãn, người dân nhận thông báo phải đợi thêm 1 năm nữa mới có lối đi xuống biển.
Điều đó lý giải vì sao khi bị chặn lối, người dân Nam Ô đã phản ứng quyết liệt. Đáng hoan nghênh là nay, không dừng lại ở chủ trương hay kế hoạch trong những cuộc họp, chính quyền Đà Nẵng đã hành động, thể hiện quyết tâm giữ bãi biển cho người dân.
Nghe lãnh đạo quận báo cáo vì sợ người dân và du khách đến tắm biển, ra bãi đá không an toàn nên mới cấm, ông Nghĩa bác ngay: “Nếu là những vị trí nguy hiểm, quận phải trách nhiệm làm biển báo cấm, tuyên truyền cho người dân. Không thể cứ làm việc theo tư duy quản lý không được thì cấm như vậy”.