Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Năm 2017: Đà Nẵng với nhiều biến động về công tác cán bộ

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

VOV - Năm 2017 là một năm có nhiều “cơn bão lòng” với người dân thành phố bên bờ sông Hàn khi chứng kiến Bí thư, Chủ tịch thành phố bị kỷ luật.

“Chưa có tiền lệ”, “chưa bao giờ”, “lịch sử Đảng bộ thành phố chưa bao giờ nhận án kỷ luật như vậy”; đó là những nhận xét mà cán bộ và người dân thành phố Đà Nẵng thường nhắc đến mỗi khi nói về Đà Nẵng năm 2017. Đây là một năm có nhiều “cơn bão lòng” với người dân thành phố bên bờ sông Hàn.

Những ngày giữa tháng 2/2017, dư luận tại thành phố Đà Nẵng xôn xao thông tin Bí thư Thành ủy đi xe biển số giả do doanh nghiệp biếu tặng. Đến tháng 3 lại rộ lên việc xây dựng trái phép khu phố người Hoa giữa lòng thành phố. Rồi dư luận tiếp tục nóng lên vụ xây dựng 40 móng biệt thự trái phép trên bán đảo Sơn Trà và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau...
Thời điểm này, nhiều tờ báo, các trang mạng xã hội dày đặc thông tin liên quan đến Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố, kẻ nói ngược người nói xuôi, thật giả lẫn lộn...

Dư luận hạ nhiệt khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận xử lý kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và cả tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về những sai phạm nghiêm trọng. Chưa hết, tháng cuối cùng của năm 2017, sự quan tâm của dư luận hướng vào việc Cơ quan Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khám xét, truy nã ông Phan Văn Anh Vũ, tức là Vũ “nhôm”, người được cho là chủ sở hữu nhiều bất động sản ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và gây nhiều sức ép với chính quyền địa phương.

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng thì lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng chưa bao giờ xảy ra những chuyện như vậy.

“Một tập thể mà bị kỷ luật thì chưa từng xảy ra. Năm 1994, cũng có vấn đề của người lãnh đạo nhưng chưa thấy kỷ luật nào cả, chỉ có luân chuyển chứ không công bố kỷ luật, hoặc có thể trong thời kỳ lịch sử ấy, không công bố và thực ra là không có án kỷ luật nào- ông Nguyễn Đình An cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình An, những biến cố này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và tốc độ phát triển của thành phố. Sâu xa hơn, cộng đồng dân cư ở Đà Nẵng là cộng đồng dân cư mới, trong 700 năm hình thành và phát triển, Đà Nẵng luôn tiếp nhận những cuộc chuyển cư mới. Họ định cư trong tâm thế cởi mở, sẵn sàng kết giao với những đối tác mới, con người mới, tiếp nhận những ý tưởng mới. Vì vậy, khó tìm thấy sự kỳ thị, bè phái trong con người Đà Nẵng.

Vùng đất này cũng từng chứng kiến, gánh chịu nhiều thiên tai, địch họa nên con người Đà Nẵng không bị dao động mà sẵn sàng thông cảm, chia sẻ khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, ở nhà số 135, Tạ Mỹ Duật, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tâm sự: “Chúng tôi là những người dân sẵn sàng bỏ qua những sai lầm của lãnh đạo. Nhưng những cán bộ đó phải biết sửa. Làm sao đưa tay góp sức để đưa Đà Nẵng đi lên, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, sẵn sàng chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng”.

Ông Tân kể, cơn bão số 12 áp sát địa bàn miền Trung đúng vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC. Mưa to, gió lớn quật ngã ngổn ngang nhiều biển hiệu, pano; hàng ngàn tấn rác tấp vào các tuyến đường ven biển. Ngay lúc đó, Chủ tịch UBND thành phố có thư kêu gọi người dân toàn thành phố chung tay, góp sức cho việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC.

Và chỉ sau 1 ngày đêm, người dân cùng các lực lượng xung kích tỏa đi khắp nơi, dọn dẹp phố phường sạch đẹp. Có những mẹ, những chị mới 5h sáng đã đội mưa ra bờ biển dọn rác, dựng lại cờ phướn. Trong những ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, mỗi khi có đoàn đại biểu đi qua, lực lượng cảnh sát giao thông chặn đường phân luồng. Nhiều lúc, người tham gia giao thông phải đứng chờ dưới mưa cả nửa giờ đồng hồ; nhiều người phải đi vòng hướng khác. Thế nhưng, người dân Đà Nẵng vẫn vui vẻ nhường đường, vẫy tay chào đón các đoàn xe chở đại biểu đi qua. Những hành động thầm lặng như vậy đã góp phần mang lại thành công lớn cho APEC 2017.

Ông Phạm Quý, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đúc kết, trong các kỳ Đại hội, Đảng bộ Thành phố luôn ghi vào Nghị quyết về nguyên nhân thắng lợi có bài học từ “lòng dân”. Theo ông Quý, để tạo được sức mạnh lòng dân thì từng công chức, viên chức từng cán bộ tổ dân phố, ban công tác mặt trận đến thành phố đều một lòng lo việc chung, bỏ qua e dè, hiềm khích để hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị mình.
“Cán bộ công chức hết lòng hết sức, không kể ngày đêm cho sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó có vai trò của hệ thống dân vận Mặt trận các cấp. Vai trò của các Đoàn thể, hội đặc thù được phát huy tích cực, hướng về cơ sở, quan tâm đến lợi ích thiết thực của hội đoàn viên, đặc biệt là đã phối hợp triển khai rất nhiều chương trình, cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” – ông Phạm Quý cho hay.

Bây giờ, mỗi cán bộ, người dân nơi đây càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và giữ vững hình ảnh một đô thị văn minh, yên bình. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thừa nhận, năm 2017 là một năm đầy biến động về công tác cán bộ, xử lý những vấn đề nội bộ. Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng nhìn lại kết quả thực hiện trong năm 2017 càng thấy rõ quyết tâm và ý chí vượt khó hướng đến cái chung của đảng bộ và người dân thành phố này. 

Năm 2017, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lần thứ 9 dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ số cải cách hành chính.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng biết vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2016. Đáng chú ý, thu ngân sách tăng hơn 12%, khách du lịch tăng hơn 1 triệu lượt người. Đà Nẵng ngày càng khẳng định thương hiệu của một thành phố sự kiện. Ông Trương Quang Nghĩa khẳng định, Đà Nẵng biết phát huy tốt bài học “lòng dân”, đặc biệt là những lúc khó khăn.

“Chúng ta phải nhận thức sâu sắc và phát huy bài học lòng dân. Những hình ảnh về người dân Đà Nẵng từ anh tài xế taxi đến chị tiểu thương, cán bộ viên chức, công nhân lao động, từ người già đến trẻ đều trở thành những đại sứ văn hóa. Nét đẹp của người dân Đà Nẵng rất đáng được trân trọng và nhân lên nhiều hơn nữa, thể hiện một Đà Nẵng văn hóa, văn minh, thân thiện hiếu khách với các bạn bè trong nước và quốc tế” – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết.

Những ngày đầu năm 2018, cán bộ và người dân Đà Nẵng cùng nhau kỷ niệm 21 năm ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi người đều nhắc nhau nhớ về bài học “lòng dân”. Bài học này đã và đang được các thế hệ công dân thành phố bên bờ Sông Hàn phát huy, tỏa sáng trong gian khó. Những “cơn bão lòng” năm 2017 cũng sẽ tan, người Đà Nẵng thêm một lần thấm thía với câu hát “Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu” Và chính họ, “có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến”…/.