Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Giáo dục liêm chính: Rất hay nhưng chớ để rơi vào hình thức!

Lê Nguyễn Duy Hậu

VNN - Sẽ rất đáng tiếc, thậm chí phản tác dụng nếu những chương trình giáo dục này rơi vào tình cảnh hình thức, không thực chất, và người học tham gia một cách bắt buộc, thiếu động lực.

Một trong những nội dung hoàn toàn mới của Dự thảo Luật PCTN lần này là nghĩa vụ giáo dục lòng liêm chính của Nhà nước (Điều 27). Theo đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phải tổ chức xây dựng nội dung giáo dục lòng liêm chính vào chương trình giảng dạy, với đối tượng là học sinh, sinh viên, và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu của chương trình là để “xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hoá chống tham nhũng” cho các đối tượng thụ hưởng.

Không chỉ các quốc gia mà cả doanh nghiệp lớn

Giáo dục lòng liêm chính từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới xem như một trụ cột trong chính sách phòng, chống tham nhũng. Trung Quốc từ năm 2007 đã lên kế hoạch về chương trình này trong nhà trường và từ năm 2008 thì triển khai chính thức. Đây được xem là bước đi để Trung Quốc đáp ứng được các yêu cầu trong Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp quốc (UNCAC). Tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có chương trình đào tạo lòng liêm chính bắt buộc cho cán bộ, viên chức của họ.

Không chỉ có các quốc gia, trong mô hình phát triển kinh doanh của mình, các doanh nghiệp quốc tế đều có chương trình đào tạo cho nhân viên về liêm chính và chống tham nhũng. Đây được xem là một phần trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến chống tham nhũng. Ví dụ, theo Đạo luật phòng chống các hành vi tham nhũng nước ngoài của Mỹ (FCPA), các DN Mỹ trước khi muốn kí hợp đồng làm ăn với DN nước ngoài cần yêu cầu đối tác tổ chức các khoá học về liêm chính và chống tham nhũng cho nhân viên.

Tuy chưa có dẫn chứng cụ thể về hiệu quả của việc phòng, chống tham nhũng thông qua giáo dục liêm chính, nhưng đây đã được xem là một chuẩn mực quốc tế, không chỉ LHQ mà cả các DN lớn thừa nhận và áp dụng. Việc Việt Nam đưa giáo dục liêm chính vào dự thảo Luật PCTN có thể xem là một bước hội nhập quan trọng.

Bổ ích nhưng đừng để rơi vào hình thức

Theo dự thảo hiện nay, các cơ sở đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng sẽ có trách nhiệm chính trong việc cung cấp những khoá học liêm chính. Trừ một số ngoại lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thanh tra Chính phủ sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc giáo dục liêm chính, đào tạo giáo viên và xây dựng giáo trình.

Những quy định như vậy là rất tiến bộ, nhưng cần làm rõ nhiều điểm. Thứ nhất, việc đưa trách nhiệm giáo dục liêm chính về các cơ sở đào tạo là phù hợp. Nhưng bên cạnh đó, dự thảo không quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện, hoặc bắt buộc gửi cán bộ, công chức của mình đến các cơ sở này để đào tạo. Việc đào tạo sẽ tổ chức hàng năm, định kỳ, hay một lần trong suốt quá trình làm việc cũng chưa được làm rõ. Điều này có thể gây khó khăn và bất cập trên thực tế triển khai.

Kinh nghiệm các quốc gia khác cho thấy việc giáo dục liêm chính được thực hiện hàng năm và mang tính bắt buộc cho toàn thể cán bộ, công chức. Còn trong môi trường doanh nghiệp, việc này cũng được tổ chức đều đặn, định kỳ.

Thứ hai, nội dung của giáo dục liêm chính hiện nay đang được giao về cho Bộ LĐTBXH phối hợp với Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, thiết nghĩ việc xây dựng bộ giáo trình và chương trình cụ thể thì các cơ quan Nhà nước cần tham vấn nhiều hơn nữa các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Trên thế giới hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp các khoá học về liêm chính và chống tham nhũng nhằm mục tiêu minh bạch hoá các thể chế. Chẳng hạn, Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International) tiến hành định kỳ các khoá học liêm chính dưới tên gọi Trường Liêm chính (School of Integrity) cho cả thanh niên lẫn cán bộ các quốc gia đối tác. Đây chính là một nguồn dữ liệu, kinh nghiệm phong phú giúp cho việc xây dựng bộ giáo trình ở Việt Nam nhanh chóng và sát chuẩn mực hơn.

Cùng với chương trình đưa giáo dục nhân quyền vào hệ thống trường học, việc đưa giáo dục liêm chính vào các cấp học có thể được xem là bước đi rất mạnh mẽ của Việt Nam nhằm hướng tới một chính quyền thực sự kiến tạo và minh bạch. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng, nhưng vì thế cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc. Sẽ rất đáng tiếc, thậm chí phản tác dụng nếu những chương trình giáo dục này rơi vào tình cảnh hình thức, không thực chất, và người học tham gia một cách bắt buộc, thiếu động lực.

Thiết nghĩ kiến tạo liêm chính là công việc của toàn xã hội chứ không chỉ riêng một bộ ngành nào, và cần sự chung tay của rất nhiều bên. Đây là một chương trình tham vọng, bổ ích và hy vọng chúng ta sẽ thấy hình hài của nó trong một tương lai gần.