(TBKTSG) - “Singapore đã có hơn 170.000 xe hơi tư nhân và mỗi tháng có hơn 1.000 xe mới được đăng ký, tỷ lệ tăng từ 8-10% hàng năm. Chúng ta không thể theo đó mà hàng năm xây thêm 8-10% cầu đường. Một trong những giải pháp đó là hạn chế người dân sở hữu xe tư nhân và tăng phí đăng ký xe hơi, thuế đường và phí đậu xe. Người dân phải cảm thấy đi xe buýt hay taxi tiện lợi hơn khi vào trung tâm thành phố. Dĩ nhiên, giao thông công cộng phải được cải thiện và xe buýt phải sạch sẽ và chạy theo lịch trình đều đặn”. Đó là chia sẻ của Thủ tướng Lý Quang Diệu trong một bài phát biểu với người dân Singapore vào cuối năm 1972 khi kinh tế Singapore đã bước vào giai đoạn phát triển toàn dụng. Ông cho rằng sự tiến bộ và thịnh vượng cũng sẽ kéo theo những hệ lụy không hay cho môi trường đô thị như kẹt xe và ô nhiễm không khí. Ông nói: “Tất cả mọi người đều muốn môi trường sống dễ chịu hơn. Có nhiều điều con người có thể hưởng riêng, nhưng không khí và nước uống trong lành thì không thể dành riêng cho ai đó. Phải có một bộ chuyên về vấn đề này... Nếu bắt đầu từ bây giờ, trong vòng 10 năm nữa chúng ta sẽ có một Singapore sạch sẽ, yên tĩnh và dễ chịu hơn, và người dân có sức khỏe được đào tạo và giáo dục tốt hơn với khả năng biết thưởng thức thẩm mỹ, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật và văn chương”. Với quan điểm đó, năm 1972, Lý Quang Diệu đã cho ra đời Bộ Môi trường (BMT).
Liệu pháp hàng rong
BMT của Singapore khi mới ra đời có nhiều chức năng nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất của bộ này là giải tỏa tình trạng bán hàng rong trên vỉa hè. Nói cho công bằng, đó chẳng phải là sáng kiến gì mới của ông Lý mà đã là quan tâm của chính quyền thực dân Anh trước đó vài thập kỷ. Năm 1931, một Ủy ban Tư vấn về tình trạng người bán hàng rong (Hawkers Advisory Committee) đã được thành lập và đặt ra các chỉ tiêu về số lượng hay địa điểm người bán hàng rong được phép hoạt động. Việc tiến hành các biện pháp của chính quyền thực dân dĩ nhiên đã tạo nên sự bất bình và chống đối của người bán hàng rong với lực lượng cảnh sát. Trong những năm 1950, hai phần ba người bán hàng rong không có giấy phép nhưng vẫn sinh sống được nhờ hối lộ cảnh sát hay trả tiền nuôi băng nhóm bảo kê.
Nhưng “di sản” mà người Anh để lại cho chính quyền Lý Quang Diệu có lẽ là khái niệm Hawkers Centre (tạm dịch là Trung tâm Hàng rong - TTHR) với việc tập trung người bán hàng rong vào một chỗ để dễ quản lý mà cụ thể là hai TTHR được hình thành trong khoảng thời gian từ 1931-1950. Với đầu óc thực dụng, chính quyền thực dân Anh đã nhìn nhận vai trò cung cấp thức ăn giá rẻ cho người dân Singapore và năm 1950 một Ủy ban Điều trần về người bán hàng rong (Hawker Inquiry Commission) được thành lập đã chấm dứt việc cảnh sát trấn áp và càn quét người bán hàng rong mà thay vào đó là tạo điều kiện kinh doanh cho người bán hàng rong với tiền thuê giá rẻ. Năm 1954, một doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng một TTHR trên đường Serangoon Road (gần khu Tiểu Ấn Độ) và cho người bán hàng rong thuê lại. Tuy nhiên, việc xây dựng các TTHR này chậm chạp, cung không đủ cầu khiến cho tình trạng bán hàng rong không giấy phép vẫn tràn lan không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 1968, ba năm sau khi “bị” độc lập vì phải chia tay với Liên minh Malaysia, chính phủ mới cầm quyền của vị Thủ tướng họ Lý đã xem hàng rong là nguồn thu nhập tiềm năng cho người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao đồng thời là một dịch vụ phân phối hàng hóa lương thực thực phẩm hiệu quả. Người bán hàng rong cũng là một lực lượng có ảnh hưởng về mặt chính trị, nhất là cộng đồng người Hoa có thu nhập thấp và đó chính là lý do mà chính quyền phải hết sức cân nhắc trong mọi động thái để tránh xung đột.
Hành lang pháp lý
Từ năm 1968-1969, Chính phủ Singapore đã bắt đầu tiến hành việc đăng ký cho người bán hàng rong và số liệu thống kê đã ghi nhận hơn 31.000 giấy phép trong đó có 9.000 trường hợp kinh doanh bất hợp pháp trước đây. Tất cả những ai có giấy phép đều được bán hàng rong và được tham gia vào chương trình “tái định cư” trong các TTHR và trong lúc chờ đợi các TTHR mới được xây, chính quyền đã tạm thời điều chuyển người bán hàng rong ngoài đường phố vào các khu vực yên tĩnh hay bãi đậu xe.
Liệu pháp hàng rong được tạo đà sinh khí mới qua thông điệp của đích thân Thủ tướng Lý với người dân Singapore và sự ra đời của BMT như đã trình bày trong phần đầu bài viết này. Năm 1973, một đợt đăng ký mới được thực hiện cho toàn đảo quốc, có thêm khoảng 7.000 giấy phép mới ra đời và đây cũng là lần cuối cùng Singapore thực hiện việc cấp phép cho người bán hàng rong. Sau khi thực hiện những động thái hành chính đưa người bán hàng rong vào các TTHR, Chính phủ Singapore mới thành lập một đội đặc nhiệm (Special Squad) để phục vụ cho lực lượng Thanh tra Y tế công cộng (Public Health Inspectors) phối hợp diệt trừ những trường hợp bán hàng rong bất hợp pháp. Người bán hàng rong khi được “tái định cư” được học những khóa đào tạo căn bản về vệ sinh môi trường. Song song với các biện pháp cưỡng chế, chính quyền đảm bảo rằng tất cả TTHR đều phải có chỗ cho người bán hàng rong. Các cơ quan như Cục Quy hoạch đô thị (URA) hay Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) trong quá trình quy hoạch và xây dựng căn hộ cao cấp hay nhà ở tập thể phải có không gian cho TTHR hay khu ăn uống ngoài trời.
Nhờ quyết tâm đó chỉ trong vòng năm năm (1974-1979), Singapore đã “sở hữu” 54 TTHR, bằng phân nửa con số thống kê vào năm 2014. Và tính đến năm 1986, theo các nhà quan sát, Chính phủ Singapore đã hoàn thành sứ mệnh tái định cư người bán hàng rong và đạt được những mục tiêu xã hội và môi trường như Thủ tướng Lý đã nói cách đó hơn 10 năm. Theo Giáo sư Simon Tay, người từng giữ chức Chủ tịch Cục Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) và hiện là Chủ tịch Học viện Nghiên cứu Quốc tế Singapore, “TTHR là một thước đo bình đẳng xã hội tuyệt vời (great social leveller) tại Singapore, nơi mà con người từ những sắc tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau có thể giao lưu, người giàu và người nghèo đều phải xếp hàng để có được món ăn mà mình ưa thích. Đó là những biểu tượng của đất nước chúng ta, những không gian mà chúng ta nhớ đến khi xa nhà [...]. TTHR cũng cho du khách đến Singapore một trải nghiệm độc đáo, ngày càng được công nhận là một điểm đến ẩm thực”.
Bài học nào cho Việt Nam?
Tầm nhìn đô thị và liệu pháp hàng rong nói trên của Singapore đáng cho lãnh đạo những thành phố lớn của ta như Hà Nội hay TPHCM học hỏi và áp dụng theo những bước đi và thời điểm phù hợp. Tiếc thay, đã có ai đó vội vội vàng vàng dùng “thương hiệu” Singapore để biện hộ cho những biện pháp cưỡng chế giải tỏa vỉa hè hay hàng rong làm nhốn nháo dân tình, xao động nhân tâm ở trung tâm TPHCM trong thời gian gần đây. Trên nhật báo The Straits Times, Tiến sĩ David Koh, một nhà nghiên cứu người Singapore chuyên về Việt Nam nói sõi tiếng Việt và có vợ là người Hà Nội đã bày tỏ quan điểm của mình về việc sử dụng mô hình Singapore áp dụng vào bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội ở Việt Nam. Ông cho rằng ở trung tâm TPHCM và Hà Nội không có đủ mặt bằng cho việc xây khu ăn uống hay TTHR như ở Singapore thì không có cách chi giải tỏa vỉa hè có người bán hàng rong. Theo ông Koh, vấn đề đặt ra là phải giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu an sinh của người dân và đòi hỏi kỷ cương của luật pháp và trật tự quản lý đô thị. Lời thật mất lòng, ông Koh nói: “Đây là tình hình đặc thù ở Việt Nam, nơi mà những quyết định về chính sách không được suy nghĩ thông suốt, có thể chỉ thực thi một phần, và không cho những giải pháp dài hạn”.
Nhưng hình ảnh tươm tất sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp của một thành phố lớn nhất Việt Nam dưới con mắt của du khách nước ngoài và việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một đòi hỏi chính đáng. Do vậy mà mặc dù chưa tâm phục khẩu phục, người dân thành phố có thể thông cảm với một số việc đang diễn ra. Những ồn ào tranh cãi về biện pháp cưỡng chế giải tỏa vỉa hè hàng rong rồi cũng qua đi, người Sài Gòn bắt đầu cảm thấy vui hơn khi xuất hiện những phố hàng rong vệ sinh tươm tất phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân và trải nghiệm phương xa cho du khách trong và ngoài nước.
So sánh nào rồi cũng sẽ dẫn đến chỗ khập khiễng nhưng con người có quyền hy vọng và mơ ước để cuộc sống này thú vị và ý nghĩa hơn. Phải chi trước khi tiến hành những biện pháp cưỡng chế, những người có trách nhiệm nên chuẩn bị trước những thông điệp chia sẻ tầm nhìn đô thị với cư dân thông qua các buổi đối thoại dân chủ thẳng thắn và giải thích cho người dân về định hướng quy hoạch và phát triển. Những nỗ lực mang tính giáo dục này sẽ giúp chính quyền và người dân ở cùng một phía với tinh thần tham gia hợp tác và nếu theo đúng “quy trình”, việc thi hành cưỡng chế phải là bước cuối cùng mà ngôn ngữ kiếm hiệp giang hồ gọi là “hạ sách”!