Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Cái chết của cụ bà Y Býu và nỗi khiếp bão của tộc người Arem

Minh Phong

(Dân Việt) Cụ bà Y Býu, người A Rem (xã Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đã qua đời khi con cháu đưa đi tránh bão. Dân bản nói cụ chết vì quá sợ bão chứ không phải tật bệnh gì...

Với người A Rem sâu trong núi Kẻ Bàng của đại ngàn Trường Sơn, bão tố là một khái niệm trong ký ức và nó không mạnh mẽ vì nơi họ ở giáp Lào, bão lên đến đã giảm cấp, biến thành áp thấp nhiệt đới.

Nhưng cơn bão số 10 năm nay lại giáng xuống đầu họ vô số trận cuồng phong siêu mạnh khiến tộc người nhỏ bé với dân số chỉ 400 người khiếp đảm mà cái chết của cụ Býu là một sự việc đau lòng.

Vượt đường 20 Quyết Thắng với vô số cây cổ thụ đổ sập phong tỏa toàn tuyến, đi từ rạng sáng phải tới đầu giờ chiều qua (17.9), chúng tôi mới chạm vào đất bản của người A Rem và trở về rạng sáng nay.

Câu chuyện về bà Býu qua ánh mắt của già làng Đinh Lầu thật buồn khổ: “Ở đây chết vì bệnh tật thì có nhưng chết vì bão như bà Y Býu là chết khiếp vì gió đập quá mạnh là hiếm có. Con cháu đưa bà ấy đến trạm y tế xã trú bão, ngồi một hồi, gió nổi mạnh lên, cây cối quanh rừng vừa rít vừa đập, con nít sợ tiếng bão ầm ầm, người lớn sợ nhà cửa bay tốc mái, gạo cơm ẩm mốc không có cái ăn sau bão. Ai cũng sợ dù ngồi trong trạm y tế, tiếng bão dập như tiếng bom rú, bà Y Býu chịu không thấu cái sợ bão mà qua đời”.

Sau bão, ở A Rem có người sợ đến mức muốn chạy trốn vào hang như ông Đinh A Lầu, Đinh Đầu.

Trong căn nhà sàn tốc hết mái, cái bếp cô quạnh, ông Lầu có 11 đứa con đã dắt díu nhau đi trú nhà dân bản kể: “Mình sợ đến mức muốn dắt con cái vào hang, may nhờ cán bộ xã, ông Bí thư Nguyễn Chí Sỹ động viên ở lại chứ không khiếp lắm”. 

Cụ Đinh Đầu có 5 đứa con cũng chung nỗi sợ chết khiếp giữa tâm bão, dấm dẳn mấy lần lên xã trình bày vì ám ảnh bà Y Býu, muốn vào hang. Cũng may, cán bộ khuyên giải, đất đai này là của bản làng, bão qua rồi phải ở lại cho con cháu yên tâm học chữ, cụ Đầu mới vơi bớt cái sợ trong ánh mắt thất thần. 

Ông Nguyễn Chí Sỹ lật sổ thống kê thiệt hại rồi nói: “Báo cáo ba nhà báo, ba anh là người bên ngoài đầu tiên vào được với anh em A Rem sau cơn bão số 10 này. Chưa bao giờ bão gây thiệt hại lớn như thế, có 25 nhà tốc mái hoàn toàn. Đồng bào chúng tôi đang rất cần 1.295m2 tôn, 500kg đinh, 1.000 que đòn tay, ván thưng vách để làm lại nhà cho các hộ dân bị thiệt hại”.

Chúng tôi đi một vòng quanh bản mới thấy, bão đập mạnh vào cuộc sống người A Rem vốn khó khăn giữa núi rừng nay lại càng khó khăn hơn.

Được phát hiện với cuộc sống sơ khai như người tiền sử, cư trú trong hang động và săn bắt hái lượm để tồn tại giữa núi rừng, để động viên người Arem rời hang dựng bản là công lao rất lớn của bộ đội biên phòng, nhưng bão số 10 đã "vò nát" tộc người anh em nhỏ bé, những căn nhà sàn xiêu vẹo, mái nhà bị đánh tả tơi. 

Mấy năm gần đây người A Rem trồng được 35ha lúa rẫy ngậm sữa chắc mẩy, cứ đến mùa thu hoạch là thiên tai ập đến. 

Mấy năm trước mưa lũ vùi sức lao động, còn năm nay gió bão đập sạch hạt lúa rơi sạch xuống đất.

Bão ngớt, Chủ tịch xã Đinh Lầu ra nhìn 1.000m2 lúa rẫy của mình rồi khóc tu tu.

Ông kể: “Lúa mình làm ra bằng công sức lao động mình quý, bão đánh sạch mình buồn mình khóc, không biết con cái mình lấy gì mà ăn. Mình khóc vì thương cái dân bản của mình cũng trắng tay như mình. Lúa rẫy này nếu thu hoạch được, cả bản có cái ăn hơn 3 tháng, chừ thì cái bụng mất cái ăn 3 tháng”. 

Chuyện trò với Đinh Lầu cũng biết, không chỉ ông khóc mà dân bản cũng khóc vì gió bão cướp sạch ngọn lúa công sức làm lụng vất vả.

Chị Y Ne, Y Huân, Y Le…thăm rẫy xong khóc đến ngất, Bí thư xã phải huy động thanh niên dìu về.

Dân trong bản nói, người ta cứ nghĩ anh em A Rem hay ỷ lại, lười lao động nhưng không phải vậy, ở đây thật sự chăm bón nương rẫy cho có thêm cái ăn, nhưng thiên tai 4 năm nay chưa bao giờ tha bà con khiến cái đói nghèo cứ đeo đẵng dằng dai.

Giữa cái ảm đạm thiệt hại, một hình ảnh vượt rừng lên bản của các thầy cô giáo như làm ấm áp bọn trẻ A Rem sau bão. 

Đường lên bản còn cực kỳ khó khăn, phải chui qua cây rừng ngã đổ để vào xã, thầy cô giáo cắm bản vẫn đưa tập vở lên tặng chúng, vẫn quyết tâm mở lại trường vào ngày hôm nay.

Trên đường đi ra, từng tốp giáo viên ở lại trực chống bão đang về xuôi gặp những đoàn giáo viên từ xuôi lên họ rộn ràng hỏi thăm nhau, hỏi thăm đồng bào, hỏi thăm học sinh, phụ giúp khiêng xe qua bùn lầy, cùng nhau vượt cây rừng đổ ngã thấy học trò ở đây không cô đơn, ở giữa rừng chúng vẫn được đến trường.

Sau bão, không chỉ A Rem khó khăn mà đi nơi nào ở các huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa…cũng tan hoang, nơi nào cũng đối mặt với thiếu nước, mất điện diện rộng, mái nhà bị bão càn, nhà sập chưa thể dựng lại bởi thiệt hại diễn ra trên diện rộng.

Ai cũng nhận định, đây là cơn bão quá dị thường, nó vào từ 3h sáng đến 18h chiều mới ngớt, thời gian quần thảo quá lâu khiến ai cũng bất lực đứng nhìn, bất lực thấy thiệt hại, bất lực nhìn gia tài nhà cửa bị đập bay từng mảnh vỡ vụn.

Dưới bóng Đèo Ngang, cụ bà Lê Thị Năm (thôn Nam Lãnh, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) ngồi dưới mấy bức tường của căn nhà mất hết mái kể: “Mệ có cái nhà dưới lợp ngói bão cũng thổi bay, cái nhà chính, tường còn kiên cố nhưng mái bị mất sạch, cơn bão quá khủng khiếp, đời mệ chưa từng thấy”. 

Vào sâu ở xã Quảng Châu cạnh đó, người nghèo khó thiệt hại quá lớn. Có lẽ bà Đặng Thị Khuê là điển hình của bão vùi sạch gia tài không để lại bất cứ cái gì.

Bà Khuê đang nhặt tìm cái vung nồi bị bức tường căn lều 12m2 đổ nát vùi sâu, thấy người lạ vào thì khúm núm không dám nói. 

Hỏi chuyện bà mới kể: “Bão vào tui chạy trốn qua nhà hàng xóm, khi về nhà sập, cái giường là chỗ nằm duy nhất cũng bị bão dày vò gãy luôn. Căn nhà này xóm làng từ thiện làm cho chục năm rồi, ai cũng khó khăn nên góp chút làm nhà cho tui vì tui nghèo tận đáy”.

Năm nay bão quá lớn khiến mái nhà bị thổi bay, một vài góc tường sập hẳn, cái chum gạo của bà Khuê bị đánh vỡ tan tành chỉ còn lại chưa tới một nửa, gạo vương vãi dưới nền ướt sạch. 

Mót tìm mãi bà Khuê kiếm được bức hình ướt sũng chụp cô con gái, dùng tay lau đi mới thấy rõ khuôn hình. 

Bà nói: “Giờ bữa ăn cũng nhờ hàng xóm, không còn cái gì trong nhà nấu nướng được nữa". Vừa nói bà vừa xếp lại mấy cái bao lạc vừa nhìn lên mái nhà trống hoác, nắng sau bão oi bức mà chả có cách nào che chắn.

Vậy đấy, bão vào, bão đi, đâu đâu cũng thấy cửa nhà tang thương, tới đâu cũng thấy mất mát gia sản, ghé vào góc làng nào cũng thấy khuôn mặt người dân bơ phờ, tan tác...