Dân Trí - Qua thanh tra, phát hiện những sai phạm mà theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá “tài sản nhà nước bị thất thoát kinh khủng”, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước...
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của ngành thanh tra chiều qua (10/7), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá, hiện ngành thanh tra chưa có quyền năng để làm tốt những vấn đề liên quan đến tham nhũng.
“Khi phát hiện ra những dấu hiệu bất minh, thấy có tham nhũng nhưng không ai cho làm vì không có quyết định thì không làm được”- ông Hạnh nêu rõ.
Ngành thanh tra mới chỉ làm được vấn đề liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kê khai tài sản nhưng thực tế những vấn đề này còn nhiều bất cập.
"Muốn làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng ngay từ đầu thì cần phải công khai minh bạch các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương cho người dân nắm được. Nhưng thực tế hiện nay có nơi còn dấu diếm, không bao giờ công khai cho dân biết để kiểm tra thì sao tốt được”- ông Hạnh nhấn mạnh.
Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những việc đã làm được, công tác thanh tra còn những hạn chế, một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý…
Ông Hạnh nêu ví dụ về việc Thủ tướng chỉ đạo thanh tra quản lý đất đai tại 5 địa phương nhưng đến nay Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra được một vài địa phương. Tuy nhiên qua những sai phạm đã được phát hiện, xử lý, ông Nguyễn Đức Hạnh đánh giá: “Tài sản nhà nước bị thất thoát kinh khủng”. Trong đó thất thoát tài sản nổi bật ở lĩnh vực đất đai, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2017.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo, tiêu cực, tham nhũng còn chưa được đẩy lùi, vi phạm lãng phí vẫn còn phổ biến.
“Nhìn nhận khách quan, chúng ta vẫn còn mặt chưa thực sự đáp ứng của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tiến độ thực hiện thanh tra còn chậm, chất lượng thanh tra hạn chế, số việc chuyển cơ quan điều tra còn ít”- Phó Thủ tưởng khẳng định.
Đánh giá tình hình vi phạm pháp luật diễn ra nhiều ngành nhiều cấp, vi phạm tham nhũng còn nghiêm trọng, Phó Thủ tướng khẳng định việc đó đòi hỏi có sự nỗ lực quyết tâm cao hơn nữa của ngành thanh tra.
Phó Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, ngành thanh tra cần phải bám sát vấn đề dư luận quan tâm và bức xúc. Đặc biệt, thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính,ngân hàng, đầu tư và các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
“Xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật tiếp công dân, để dư luận khiếu kiện keo dài. Thanh tra phải làm rõ các nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp giải quyết triệt để, về tình hình khiếu nại bức xúc”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
***
Phát hiện sai phạm hơn 29.500 tỷ đồng
6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 3.850 cuộc thanh tra hành chính và 136.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện vi phạm hơn 29.500 tỷ đồng, gần 5.000 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính với 724 tập thể, 22 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng.
Về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Nhiều bộ, ngành, địa phương có số người đã kê khai đạt tỷ lệ 100%. Có 77 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.
Một trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó, 3 người vi phạm phát hiện từ kỳ trước.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian trên, ngành thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.