TP - Mới thành lập được hơn 1 năm, chưa một ngày kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, doanh thu 0 đồng, nhưng Công ty CP Thương mại Du lịch Phù Sa Đỏ lại được UBND tỉnh Quảng Bình ưu ái cấp gần 50 ha đất và mặt nước, khu vực suối Nước Moọc, sông Chày, hang Tối, nơi được ví như mỏ vàng của Phong Nha - Kẻ Bàng để làm dự án du lịch hơn 300 tỷ đồng.
Đang kinh doanh có lãi lại bị thu hồi
Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương cho phép Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng (TTDLPNKB), thuộc Ban quản lí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư hạ tầng du lịch tại khu vực suối Nước Moọc, sông Chày, hang Tối.
Theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc TTDLPNKB, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh Quảng Bình, trung tâm đã huy động cán bộ, viên chức góp cổ phần khoảng 6 tỷ đồng, lần lượt đầu tư hạ tầng du lịch như: cầu đi bộ, chòi ăn uống, nghỉ ngơi ở suối Nước Moọc; hệ thống Zipline, thuyền kayak trên sông Chày - hang Tối; nhà hàng mang tên Sơn Đoòng, nằm trong khu vực bến thuyền tham quan động Phong Nha – Tiên Sơn.
Sau gần 3 năm hoạt động, các sản phẩm du lịch do cán bộ, viên chức của TTDLPNKB góp cổ phần kinh doanh rất hiệu quả, là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ở điểm du lịch sông Chày – hang Tối, năm 2014 có 15.000 khách, năm 2015: 34.000 khách, năm 2016: gần 50.000 khách; suối Nước Moọc, năm 2015:20.000 khách, năm 2016: 25.000 khách. Những điểm du lịch này, bình quân mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỷ đồng, đời sống, thu nhập của hơn 100 cán bộ, viên chức của TTDLPNKB tăng rõ rệt.
Năm 2016, tỉnh Quảng Bình có chủ trương cổ phần hóa TTDLPNKB. Khi đề án cổ phần hóa chưa được phê duyệt, ngày 3/4/2017, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 1130/QĐ-UBND đồng ý chủ trương cho Công ty CP Thương mại du lịch Phù Sa Đỏ đầu tư du lịch dựa trên nguyên trạng các hạng mục mà cán bộ, viên chức của Trung tâm góp vốn đầu tư, kinh doanh tại Sông Chày-hang Tối và suối Nước Moọc.
Việc UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương cho Công ty Phù Sa Đỏ đầu tư chồng lên các điểm du lịch mà cán bộ, viên chức TTDLPNKB đầu tư góp vốn khiến nhiều người bất bình. “Trong đề án góp vốn cho phép thu hồi vốn trong vòng 10 năm, nhưng chúng tôi mới kinh doanh được 3 năm thì đã bị thu hồi. Các quyết định liên quan đến việc thu hồi này của UBND tỉnh Quảng Bình không hề nhắc đến số phận của những công trình du lịch mà chúng tôi gây dựng nên. Cuộc sống chúng tôi tới đây sẽ ra sao?Ai sẽ đền bù phần vốn góp của chúng tôi? Công ty Phù Sa Đỏ có đủ năng lực tiếp nhận chúng tôi hay không?” – một cán bộ TTDLPNKB cho hay.
Khi được hỏi quan điểm về việc thu hồi các điểm du lịch do cán bộ, viên chức của trung tâm góp vốn đầu tư, ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc TTDLPNKB nói: “Tôi là đảng viên, cán bộ của Nhà nước thì phải chấp hành các chủ trương, quyết định của UBND tỉnh đưa ra”. Ông Lợi cho biết thêm, với tư cách là giám đốc trung tâm, ông sẽ đại diện cho người lao động đàm phán với Công ty Phù Sa Đỏ, làm sao có lợi nhất cho người lao động.
Cấp phép nhanh bất thường!?
Theo hồ sơ lưu tại Sở Kế hạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, Công ty CP Thương mại và Du lịch Phù Sa Đỏ thành lập ngày 15/9/2016, địa chỉ tại 11 đường Linh Giang, phường Hải Thành, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Ba cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Quang Hải, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới (Quảng Bình), bà Võ Thị Lý, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình); và bà Mai Thị Lý, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Theo hồ sơ lưu tại Cục Thuế Quảng Bình, kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Phù Sa Đỏ chỉ nộp được 25 triệu đồng tiền thuế môn bài và thuế đất, còn các khoản thuế khác đều 0 đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng thành lập, ngày 25/10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Khu phức hợp Du lịch sinh thái và Vui chơi thể thao dưới nước, vốn đầu tư 39 tỷ đồng, diện tích 12 ha gần Sông Chày - Hang Tối. Tiếp đó, ngày 3/4/2017, ông Nguyễn Hữu Hoài tiếp tục ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống Zipline đa phương thức dài nhất thế giới và tổ hợp các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, diện tích 35 ha, chồng lên các điểm du lịch của cán bộ, viên chức TTDLPNKB góp vốn đầu tư ở suối Nước Moọc, sông Chày – hang Tối.
Theo một số doanh nhân từng đầu tư dự án trên đất Quảng Bình, các quyết định nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là nhanh đến bất thường. Với một nhà đầu tư có vốn và kinh nghiệm, để thực hiện một dự án quy mô 50 ha đất, nhanh nhất cũng phải mất 1 năm mới ra được cái quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, còn không cũng phải mất vài ba năm mới hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Trong lúc đó, các doanh nghiệp du lịch mạnh trên đất Quảng Bình cho rằng, khu vực suối nước Moọc và sông Chày – hang Tối là niềm mơ ước của họ nhưng không thể đụng vào. Việc một công ty không có kinh nghiệm, không có năng lực như Phù Sa Đỏ được ưu ái cấp phép đầu tư tại đây là điều hết sức bất thường. “Nếu tỉnh thấy TTDLPNKB chưa khai thác hết tiềm năng của những điểm du lịch nói trên, tại sao không đưa ra đấu thầu quyền kinh doanh ở đây. Phương án đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, có lợi cho ngành du lịch Quảng Bình và minh bạch cho lãnh đạo. Còn âm thầm cấp phép kiểu này, dư luận có quyền nghi ngờ Công ty Phù Sa Đỏ là “sân sau” của ai đó!?” – một nhà đầu tư bình luận.