Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Đà Nẵng: Thái quá của truyền thông

Thụy Bất Nhi

TCB - Những ngày này, dư luận tại Đà Nẵng râm ran các ý kiến quanh vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, người ta có thể nhận thấy, thành phố này không chỉ có vấn đề Sơn Trà, và dư luận nóng là do giới truyền thông say sưa với những thông tin khai thác thái quá.

Bản thân người viết bài này đã phải đối mặt không ít câu hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè, rằng tại sao không quan tâm thông tin về Sơn Trà. Song dường như ít người đặt vấn đề, phải chăng dư luận cần nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề nóng ở Đà Nẵng, vì cạnh Sơn Trà, thành phố này còn bao chuyện bận lòng.

Sự thật phải thấy, Đà Nẵng đang trên đà phát triển, và trong một thời gian rất ngắn, tốc độ đô thị hóa, thị dân hóa ở đây quá nhanh, đã khiến nhiều lỗ hổng về công tác quản lý, giám sát xuất hiện. Có không ít vấn đề từng được nêu lên trong các hội nghị, kỳ họp của chính quyền địa phương, đề cập đến hiện trạng sản xuất, kinh doanh thương mại, thu hút đầu tư, an sinh xã hội, cải thiện môi trường, tăng cường hiệu quả giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, trật tự trị an… và luôn nhận được những quan tâm nóng của dư luận. Với vị thế một đô thị tăng tốc bền vững và dẫn đầu, Đà Nẵng trở thành tâm điểm thông tin miền Trung, được báo giới đặt dấu chấm than cho mọi vấn đề.

Đây là lý do khiến nhiều người cho rằng, cần có một cơ chế giám sát thông tin, quản lý truyền thông tốt hơn ở Đà Nẵng. Nếu chính quyền không sớm có động thái chấn chỉnh, định hướng luồng truyền thông tích cực, chắc chắn những dấu hiệu “ô nhiễm thông tin” sẽ lan tỏa với Đà Nẵng và qua đó, làm sai lệch nhiều giá trị thành quả mà 20 năm qua, thành phố này đã vun đắp. Bên cạnh những vấn đề tích cực mà báo chí khai thác, thời gian qua, nhiều câu chuyện tiêu cực ở Đà Nẵng đã được tô đậm, một cách thái quá.

Đơn cử hơn một năm trước, vụ việc con tàu du lịch Thảo Vân bị sự cố, vấn đề du lịch trên sông Hàn bỗng nổi cộm, với hàng trăm bài báo, bản tin được tung ra. Một quan chức cấp bộ từng nhìn nhận, trong cùng thời điểm, tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng có sự cố tai nạn đường thủy, nhưng Đà Nẵng lại là điểm nóng thu hút dữ dội thông tin. Sau hơn 1 năm, khi nhìn lại, ai cũng thấy đây là sự thái quá của truyền thông, chẳng qua là thái quá tích cực nên không có vấn đề cần hay không cần giám sát được đặt ra.

Những tháng qua, tiếp tục Đà Nẵng đối mặt câu hỏi Sơn Trà. Một cách thiếu cơ sở khoa học, các ý kiến đề xuất nên kiểm soát lại hiện trạng quy hoạch tại đây liên tục được đưa ra. Kể cả khi lãnh đạo chính quyền đã đối thoại chính thức, khẳng định sự quan tâm quy hoạch đã có từ lâu, và hiện tại địa phương đang rốt ráo rà soát, tiến hành các bước thẩm tra quy hoạch, chưa thể có thông tin đánh giá vấn đề, thì dư luận vẫn tiếp tục nóng với các kiến nghị, tâm thư… Rõ ràng giới truyền thông đang quan tâm sâu sắc câu chuyện Sơn Trà ở khía cạnh khai thác thông tin, thu hút bạn đọc, hơn là chung tay cùng chính quyền tìm kiếm được giải pháp xử lý vấn đề.

Một lãnh đạo địa phương đã phải đặt câu hỏi cùng Tạp chí biển, trong các bản tin, bài viết mà giới truyền thông báo chí đang tổ chức, có bao nhiêu bài thật sự có góc nhìn khoa học, số liệu điều tra xác đáng, thông tin hữu ích hỗ trợ địa phương xử lý vấn đề? Hay quan điểm “câu view” là động lực quan trọng để các bản tin được lên khuôn nhanh hơn? “Ngay với lập luận dư luận lo sợ Sơn Trà bị băm nát, bị tàn phá, đã có tổ chức khoa học, cơ quan quản lý nào đưa ra con số diện tích thực tế bị xâm hại tại Sơn Trà, những người đưa thông tin có chắc chắn là phần diện tích thuộc một dự án nào đó là đủ phá hoại toàn bộ môi trường cảnh quan sinh thái ở khu vực Sơn Trà? Trong khi nhà quản lý cho biết mật độ xây dựng cho phép chỉ khoảng 2,75% diện tích chung và con số này cũng chỉ đang nằm trên giấy, thì dư luận vẫn khăng khăng Sơn Trà đã bị tàn phá, không cần một số liệu điều tra thật nào, thái độ đó có nên không?”. Lãnh đạo này đặt ngược vấn đề như vậy.

Phải thấy rằng, bên cạnh Sơn Trà cũng như những thông tin nóng về các sự vụ tại cầu Thuận Phước hay Quảng trường 2/9, Đà Nẵng đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Từ những tuyến xe buýt đang chạy bù lỗ, đến câu hỏi bãi giữ xe công cộng nào đang tiến hành; từ kết quả thi cử vào trường chuyên Lê Quý Đôn cho đến câu chuyện các sinh viên Sư phạm sau khi ra trường sẽ như thế nào; từ hiện trạng khu công nghiệp Thọ Quang đối mặt nạn ô nhiễm nước tù ở cảng cá, cho đến bối cảnh chung hoạt động đầu tư sản xuất trên địa bàn có vấn đề… rồi nạn khai thác đá ở núi Phước Tường, khai thác đất ở Hòa Xuân, tất cả đều là những câu hỏi lớn, cần nhận được sự quan tâm chung của dư luận và sự giải đáp rành rẽ, khoa học, chính xác hơn từ các tổ chức nghiên cứu, khoa học, tham mưu trong xã hội. Cho nên, những biểu hiện thái quá của báo chí truyền thông về câu chuyện Sơn Trà, đến mức lấn át hơn 50% thời lượng buổi gặp gỡ báo chí mà lãnh đạo Đà Nẵng đã tiến hành, thật sự nên được điều chỉnh lại.

Thành phố biển Đà Nẵng, vì thế cần được nhìn ở nhiều lăng kính hơn, thay vì chỉ có một lăng kính thái quá tại Sơn Trà!