Dân Trí - Chiều thứ 7 tuần trước cả nhà đi dạo. Trên đường đi gặp một người đàn ông lạ, ông bảo: “ở gần khu công nghiệp có tai nạn, nam thanh niên to cao trắng trẻo lắm, từ sáng giờ chưa thấy ai đến nhận, đến mà xem đi”. Chợt nghĩ, một người vừa chết một cách thảm thương như thế, có gì hay mà xui người ta đi xem.
Lúc đấy lòng chỉ thoáng mong, mong rằng chàng trai ấy chưa có vợ con, để không có thêm một góa phụ khổ đau, để không có thêm những đứa trẻ thiếu hơi ấm của cha suốt quãng đời thơ dại.
Đời người, suy cho cùng là dài hay ngắn? Ngày vui thì thấy ngắn, ngày buồn thì thấy dài lê thê. Người ta bảo “chết là hết” nhưng có hết với người ra đi, còn những mất mát đớn đau, những khoảng trống thật khó để lấp đầy trong trái tim của những ở lại.
Có những cuộc gặp gỡ, phải đến khi vĩnh viễn chia xa mới biết đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Có những yêu thương chưa kịp tỏ bày, có những lỗi lầm chưa kịp tha thứ. Chỉ trong một khoảnh khắc bất trắc bất ngờ của số phận, cơ hội gặp lại một người đã là điều không thể nào chạm tới.
Thỉnh thoảng vào những lúc rãnh rỗi tôi có xem một vài bộ phim ngôn tình. Ngôn tình, yêu thì yêu đến không tiếc cả sinh mệnh, thù thì thấu đến tận tủy tận xương, người thì bao dung tựa biển hồ, người thì hẹp hòi đến mức không thở được. Những mối tình đẹp thường lại rất bi ai, trong hạnh phúc đã ẩn giấu những mầm đau khổ. Người xấu thì nhẫn tâm tranh đoạt bằng mọi thủ đoạn hiểm sâu. Người tốt thì bị dồn đến đường cùng của bế tắc và tuyệt vọng. Nhưng kết cục, điều đẹp tươi sẽ trở lại, và người ta vẫn sống để hi vọng, để yêu. Bởi đi qua những thăng trầm bão giông vì bạc tiền danh vọng, người ta sẽ nhận ra dù có nắm cả thiên hạ trong tay mà đến khi mệt mỏi không có một bờ vai để dựa vào, khi cô đơn không có một bàn tay để nắm, thì coi như vẫn là kẻ bất hạnh. “Cái gì có thể mua được bằng tiền đều rẻ”, ngẫm cho cùng cũng không sai.
Chồng tôi bảo: "Em còn thiếu niên đâu mà còn tin vào những chuyện ngôn tình, còn khóc vì những cảnh yêu đương rồi chia li sến sẩm đó". Cũng phải, ngôn tình chỉ thích hợp với những chàng trai cô gái còn ngây thơ lãng mạn, còn tin rằng mình có thể chết vì yêu. Những kẻ đã có vài ba tổn thương mất mát như tôi, đã vấp váp sấp ngửa giữa đời như tôi làm gì còn tin rằng sẽ có những nam thần, soái ca yêu mình, dám vì mình mà không tiếc cả sinh mệnh. Tôi thích ngôn tình vì những nhân vật chính diện luôn bị dồn ép đến đường cùng nhưng họ vẫn bật lên để sống, để chống lại cái gọi là số phận. Họ chấp nhận đi đến tận cùng bóng tối để tìm ra ánh sáng cho cuộc đời mình.
Nhiều người bảo nhân quả không có thật. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào luật nhân quả, chỉ là nó đến chậm nên nhất thời người ta tưởng không có. Mỗi người sinh ra đâu phải chỉ sống cho mỗi cuộc đời mình, còn tương lai, còn cháu con mình nữa chứ. Ông bà từng bảo “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, tôi ngẫm lại bao hoàn cảnh ở đời thấy rất đúng, đó chẳng phải là luật nhân quả hay sao?
Có người nói vui: Đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời. Ấy thế nhưng có ai muốn thoát khỏi bể khổ đó đâu, dù là vì lý do gì đi nữa. Cuộc sống dù thế nào vẫn đáng quý, quý đến nỗi người ta phải giành giật từng ngày, dẫu phải chịu bao đớn đau khổ ải. Dẫu có lúc đã ở nơi tận cùng tuyệt vọng muốn buông xuôi, chỉ cần một tia hi vọng lóe lên, chỉ cần một bàn tay chìa ra cho ta nắm, thì ta lại sẵn sàng để sống, để đối mặt với thực tại, bởi sống chính là chiến đấu.
Em gái tôi từng hỏi: "Chị thấy chị có hạnh phúc không?". Hạnh phúc thực ra là cảm nhận riêng của mỗi người, không có một định nghĩa nào làm chuẩn cả. Có người lấy danh vọng làm vui, có người coi tiền là lẽ sống, có người chỉ cần bên cạnh người mình yêu thương, có người chỉ cần có cơm no áo lành là được. Hạnh phúc cũng như khuôn mặt mỗi người, muôn hình vạn trạng lắm. Lòng người thì nhỏ hẹp mà sự ham muốn thì không có điểm dừng. Chỉ cần “biết đủ” thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, không “biết đủ” thì thấy mình luôn thiếu.