Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Bao giờ người nông dân hết cô đơn?

Kỳ Duyên

MTG - Người Việt chỉ sản xuất, nuôi trồng cái mà mình có, không nắm được cái xã hội cần. Hoặc sự thăm dò thị trường đôi khi mong manh đến nỗi chỉ cần có tin đồn từ các thương lái “lạ” đầy mưu sâu kế hiểm tung ra, người Việt lập tức rơi vào “ma trận” của tình yêu như trái phá, con tim mù lòa!

Có thể nói, làm kinh tế theo kiểu phong trào là một đặc tính của người Việt nói chung, không riêng gì người nông dân. Hàng chục năm trước đây, ngay cả chính thành thị cũng có hội chứng này, khi nhà nhà nuôi chó Nhật, nuôi cá trê phi… Tính phong trào mạnh đến nỗi, chỉ cần nắm bắt được một mặt hàng, hay một lĩnh vực nào đó có thể kiếm ra tiền, lập tức cả xã hội sôi sùng sục dồn toàn bộ sức lực, tiềm lực của mình không cho chúng nó thoát!

Ta nhất định thắng, dưa nhất định thua

Cũng vì thế, mà năm nào cũng vậy, hầu như trong xã hội luôn diễn ra các vụ “giải cứu” các loại nông sản của nhà nông có nguy cơ vỡ trận. Năm trước giải cứu vải thiều. Rồi giải cứu thanh long. Năm nay giải cứu chuối Đồng Nai. Trước đó, giải cứu dưa hấu, ớt Bồng Sơn (Quảng Ngãi). Giải cứu là hoạt động và hình ảnh đẹp của một cộng đồng xã hội mua giúp các mặt hàng của người nông dân, để họ vượt qua cơn nguy khốn: trồng hoa trái xong không biết tiêu thụ - đầu ra - ở đâu? Với hy vọng “nhà nhà mua dưa, người người mua dưa, ta nhất định thắng, dưa nhất định… thua”.

Nhưng phải thừa nhận một điều, các cuộc giải cứu liên tục kiểu đó, dù có tinh thần cộng đồng “xung phong” đến mấy thì sức mua và sức ăn của con người đều có hạn. Thế nên, giải cứu thì giải cứu, vỡ trận vẫn vỡ trận. Nhiều nơi, dưa, chuối ế chỏng ế chơ, và trâu bò, các loại động vật 4 chân cũng được huy động vào cuộc giải cứu. Vừa buồn cười vừa muốn khóc.

Dư luận xã hội chưa quên vụ sữa bò đổ trắng ngoài đồng, đổ trắng đường làng năm nào. Người nông dân đau khổ phải làm một công việc phí phạm bất dắc dĩ thành quả lao động, sức lao động của mình và chấp nhận thua lỗ, bởi không có nơi tiêu thụ. Trong khi nhiều lớp học vùng sâu, vùng xa, các em bé mầm non, tiểu học rất cần được uống sữa ngày ngày để có chút dinh dưỡng, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển trí não và chiều cao. Thật xót xa.

Bản chất của “nền kinh tế phong trào” và hiện tượng giải cứu, vỡ trận nằm ở đâu?

Hay chính là nằm ở tư duy và thói quen làm kinh tế từ ngàn xưa của người Việt còn rất tiểu nông, đầy cảm tính, dù nước Việt đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường? Người Việt chỉ sản xuất, nuôi trồng cái mà mình có, không nắm được cái xã hội cần. Hoặc sự thăm dò thị trường đôi khi mong manh đến nỗi chỉ cần có tin đồn từ các thương lái “lạ” đầy mưu sâu kế hiểm tung ra, người Việt lập tức rơi vào “ma trận” của tình yêu như trái phá, con tim mù lòa!

Hay chính là nằm ở sự thờ ơ, sống chết mặc… anh của chính quyền cơ sở, của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các hiệp hội, khiến người nông dân luôn cô đơn trong chính nghề nghiệp của mình?

Ngay cả hiện tượng giải cứu, tình thì đáng khen nhưng về lý, hoàn toàn mang tính tình thế, bởi thiếu hẳn một chiến lược đầu ra dài hơi và chủ động, phù hợp quy luật kinh tế thị trường.

5 nhà và hiện tượng tích tụ ruộng đất?

Chính vì thế, có một thông tin mới, tích cực, rất đáng chú ý. Đó là Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Thái Bình vừa tổ chức vào ngày 8.4 mới đây. Lần đầu tiên, một hội nghị bàn cách giải bài toán nông nghiệp nhưng có các doanh nghiệp tham gia, mà theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường (Infonet, ngày 9.4)

Đây không phải vấn đề gì quá mới mẻ. Thực tiễn phát triển nông nghiệp ở nhiều quốc gia văn minh cho thấy, chỉ khi sản phẩm nông nghiệp biến thành hàng hóa với giá trị cao thông qua quá trình các doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất chế biến, tinh chế, khi đó giá trị nông sản mới tương xứng với sự đầu tư của người nông dân.

Để thành công, tại hội thảo người đứng đầu CP cho rằng, cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng nhà doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam.

Mặt khác, về phía Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung xây dựng thể chế, pháp luật, cải cách hành chính tốt hơn trong phạm vi quốc gia. Đây cũng chính là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế quan tâm khi đặt câu hỏi về nội hàm “Chính phủ kiến tạo” là thế nào? Theo ông Trương Đình Tuyển, để làm tốt chức năng kiến tạo, Nhà nước cần xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người dân phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình, thay vì mô thức Nhà nước làm thay người dân.

Còn theo Giáo sư người Mỹ Chalmers Ashby Johnson, được coi là người đầu tiên đưa ra khái niệm về “Nhà nước kiến tạo phát triển”, thì đó là Nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các chủ thể kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh bình đẳng (TBKTSG, ngày 9.4). Như vậy, dù có cách định nghĩa khác nhau, thì nội hàm “Chính phủ kiến tạo” vẫn mang một mô thức chung - đó là thể chế phù hợp, chính sách mang tính định hướng, tạo điều kiện để các chủ thể kinh tế phát huy tiềm năng.

Nhưng đó là lý thuyết. Còn thực tiễn rồi đây có cây đời mãi xanh tươi không? Câu trả lời còn bỏ ngỏ…

Một điểm lớn đáng chú ý nhất tại hội thảo này, tỉnh Thái Bình cho biết đã mở ra cơ chế mới về mở rộng hạn điền theo hướng chính quyền đứng ra ký hợp đồng với người dân rồi cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên. Bằng cơ chế này, đến nay Thái Bình đã vận động tích tụ trên 5.000 ha đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kinh tế trang trại, tạo đột phá cho sự ra đời của thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp gắn với việc bảo đảm lợi ích ổn định của người nông dân.

Khẳng định tích tụ ruộng đất và mở rộng hạn điền là xu thế tất yếu, là bước tiến mới trong quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nông thôn, nhưng trả lời người viết bài này, Tiến sĩ Tô Văn Trường cho rằng, chính quyền địa phương không nên đứng ra thuê đất của dân rồi lại cho doanh nghiệp thuê lại. Vì về khía cạnh quản trị quốc gia là sai luật (chính quyền không phải là thể nhân) để ký hợp đồng (bằng tiền ngân sách).

Nếu doanh nghiệp phá sản, chính quyền có lấy ngân sách đền bù cho dân không? Đây là việc phải do doanh nghiệp tự thương thảo với người nông dân theo cơ chế thị trường, tức là gặp nhau giữa “cung và cầu”. Khi có hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, chính quyền đứng ra làm chứng, có con dấu xác nhận tính pháp lý để dân yên tâm. Cần nhấn mạnh rằng Nhà nước chỉ nên là người tạo ra các luật chơi, chứ không nên tham gia cuộc chơi.

Rõ ràng, tích tụ ruộng đất, việc đưa doanh nghiệp vào tham gia quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nông thôn còn cần rất nhiều sự tham gia “giải cứu” về mặt cơ sở lý luận, căn cứ pháp luật và cách tổ chức - của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế - xã hội.

Cái mới manh nha, nhưng sức nặng thách thức… ngàn cân.