Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Ngẫm mà tiếc!

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

(TBKTSG) - Chuyện con hải cẩu chết tức tưởi ở biển Tuy Phong (Bình Thuận) tưởng đã qua nhưng tôi vẫn bị ám ảnh, không chỉ vì nghĩ mà thương cho con hải cẩu, mà còn vì thấy tiếc cho ngành du lịch. Chợt thấy cần phải góp ý cho các nhà hoạt động du lịch thêm một lần... rút kinh nghiệm!

Con hải cẩu đáng thương được coi là đi lạc, tưởng đã đến được một vùng đất bình yên, bởi nó đã gặp và nô đùa vô tư, thân thiết với người dân địa phương và cả trẻ con. Thế nhưng tai họa đã ập xuống đời nó. Nó chết, bọn trẻ con buồn, đến nay vẫn có mấy “người bạn” cũ ghé thăm và đốt nhang trên mộ nó, để rồi người ta nhớ lại từ khi nó đến, bãi biển Đồi Dương nhộn nhịp hẳn lên, nhất là vào lúc xế chiều. Hễ có người xuất hiện là nó lân la làm trò, tắm và chơi với ngư dân. Hôm nào không thấy nó ghé, ngư dân chạy xe gắn máy dọc bãi biển gọi, nó bơi theo xe về vì mọi người đang đợi.

Nguyễn Minh Phụng, một thanh niên bán bánh kẹo dạo ở Phan Rí Cửa, nói: “Nó đã quen mặt em. Em chỉ cần vỗ tay là nó lao vào bờ múa may, quay cuồng cho người tắm biển xem. Từ ngày nó chết, em bán bánh ế lắm vì bãi biển vắng hẳn người đi tắm”. Ông Nguyễn Mùa, người dân địa phương, kể: “Chiều nào tôi cũng ra biển tắm và trông coi nó. Có những người thích tấn công, chọc ghẹo thay vì yêu thương nó. Nếu chính quyền quan tâm mà tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ con hải cẩu này thì nó đã không chết thảm...”.

Sau khi nó chết, chính quyền huyện đã chỉ đạo điều tra và tuyên truyền hải cẩu là loài động vật biển quý hiếm, thân thiện, nếu bà con gặp loài vật này thì phải bảo vệ. Việc điều tra không biết tới đâu. Còn việc tuyên truyền, sao cứ “mất bò mới lo làm chuồng”?

Hải cẩu là động vật vùng biển ôn đới, khi nó chọn biển nhiệt đới để an cư, đó là điềm lành. Tôi biết có mấy công ty lữ hành ở TPHCM nghe tin, đã chuẩn bị khảo sát. Có doanh nghiệp còn nói sẵn sàng bỏ mấy trăm triệu đồng để giành quyền chăm sóc và “nhờ” nó tiếp thị du lịch. Rồi du khách cả nước sẽ đổ về Phan Rí Cửa tắm biển, chụp hình và đùa chơi với hải cẩu ôn đới. Biết đâu khi có dịp, nó lại rủ rê thêm bè bạn đến “nhập cư” thì tha hồ mà tổ chức các dịch vụ đi kèm, chẳng mấy chốc mà thu hồi vốn và lời to! Ấy vậy mà chỉ chậm chân một chút, “đại sứ du lịch” đã bị hành quyết, họ chỉ biết đấm ngực trách mình và tiếc hùi hụi.

Thương hải cẩu bao nhiêu thì tiếc cho du lịch bấy nhiêu. Nếu chính quyền và lãnh đạo ngành du lịch Bình Thuận mà sâu sát và nhạy bén hơn thì có thể con hải cẩu đã giúp cho du lịch Bình Thuận có thêm sản phẩm mới, độc đáo, không “đụng hàng”.

Chuyện nhỏ nhưng là thời cơ vàng đã bị bỏ lỡ. Tiếc thay!