TTO - Nhiều người nhận xét các chương trình hài “mọc lên” ngày càng nhiều nhưng lại ngày càng nhảm, dùng “chiêu” giả gái, giả trai nhàm chán, thô tục. Có phải công chúng đang ngày một... thèm tiếng cười?
Nhiều chương trình chỉ cần lấy dẫn chứng về chỉ số rating (đơn vị dùng để đánh giá sự theo dõi của khán giả), số lượt xem, lượt tương tác trên các kênh truyền thông của chương trình hài để khẳng định lượng người quan tâm các chương trình hài nhảm này vẫn cao ngất ngưởng.
Cái gì hài hước thì sẽ dễ tiếp nhận?
Theo ThS Đặng Thị Kim Chi (khoa quan hệ công chúng và truyền thông ĐH Văn Lang), thị hiếu giải trí của công chúng VN không thay đổi nhiều trong thời gian qua. Việc các show hài bùng nổ là trách nhiệm của nhà đài, các công ty truyền thông. Họ đã chuyển trạng thái cảm xúc của người xem từ “khóc” sang “cười”.
Bà Chi phân tích: “Trước đây có sự bùng nổ các chương trình từ thiện, nói về cái nghèo khổ, cái thương tâm. Khán giả đồng cảm và muốn xem vì chạm đến trái tim họ, cho họ khóc, họ sẻ chia. Nhưng rõ ràng những gì nghiêng về nước mắt thì cần nhiều thời gian hơn để thuyết phục họ, còn tiếng cười thì rất dễ lấy. Công chúng được thỏa mãn trí óc nhanh hơn thông qua tiếng cười nên họ chọn xem các chương trình hài. Chẳng hạn chỉ cần chưa tới 60 giây để gây cười.
Ở một góc độ khác, bà Chi cho biết công chúng hiện nay có thể lựa chọn xem lại bất cứ chương trình nào, bất cứ lúc nào. Với các chương trình dài, nhà sản xuất còn cắt nhỏ và đăng tải lại trên Internet giúp công chúng nhanh chóng tiếp cận sản phẩm mình muốn xem, sự lựa chọn nhiều hơn, công chúng thỏa mãn hơn, lượt xem nhiều hơn, vì vậy doanh thu quảng cáo cũng nhiều hơn. Đó là động lực để các chương trình hài nở rộ.
TS Bùi Chí Trung (khoa báo chí và truyền thông ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Truyền hình có tính giải trí rất cao, do vậy người ta thường có xu hướng chọn xem những thứ làm họ thư thái, giảm stress”.
“Truyền hình hiện nay phát triển ở rất nhiều mảng, không riêng gì các chương trình hài. Tuy nhiên, những lỗi sai phạm, những “hạt sạn” lại rơi nhiều vào các chương trình hài nên công chúng tập trung vào nó nhiều hơn. Các lỗi này lại thường là các sai phạm “chết người”, vượt quá ranh giới chuẩn mực nên bị khán giả phản ứng”, ông Trung nhận định.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết thêm: “Các chương trình hài có loại chỉ chọc cười người xem, có loại để lại thông điệp rõ ràng nhưng nhìn chung là loại nào cũng tạo ra tiếng cười, giúp người xem cảm thấy thoải mái và họ chấp nhận điều đó vì họ cần sự thoải mái sau một ngày, một tuần làm việc mệt mỏi”.
Đừng lấy truyền hình thực tế để biện minh
TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh: “Không thể lấy cớ là truyền hình thực tế để lý giải cho những “hạt sạn” vì chẳng lẽ thực tế có gì là mang hết lên truyền hình. Thực tế phải được hiểu là lấy tinh thần thực tế, hơi thở cuộc sống để mang tính giáo dục, định hướng, giải trí vào sản phẩm truyền hình. Ngược lại, nó không còn là truyền hình. Và kênh truyền hình là cơ quan báo chí phải có định hướng rõ ràng.
Báo chí cạnh tranh với mạng xã hội ở cái gì? Đó là cạnh tranh ở niềm tin của công chúng. Nếu cứ tiếp tục với những show hài nhảm như thế thì chính truyền hình sẽ đánh mất công chúng”.
Dẫn chứng về các chương trình giải trí nổi tiếng ở nước ngoài, ông Trung cho hay nhà sản xuất, diễn viên sử dụng thủ pháp về ngôn ngữ và cách diễn xuất đạt ở trình độ rất cao để tạo ra tiếng cười và không bao giờ sử dụng những câu chữ thô tục. Họ sử dụng rất khéo léo để thể hiện những gì họ mong muốn một cách nghệ thuật.
TS Lý Tùng Hiếu (khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Về bình diện ngôn ngữ, dù có dùng những cách nói chuyện khẩu ngữ dân gian giản dị, thân mật thì người diễn viên cũng không được dùng các từ ngữ bao hàm sắc thái xấu xí hay ý nghĩa khinh miệt, chê bai, châm biếm thô lỗ”.
Theo ông Hiếu, văn hóa giao tiếp trên truyền hình là giao tiếp với công chúng, với cộng đồng. Do đó, dù đang đối thoại trong phim trường thì cũng phải hiểu là sản phẩm truyền hình đó sẽ được phát rộng rãi trong và thậm chí là ngoài nước. “Chúng ta không thể biện minh rằng giao tiếp như thế mới “thực” và tạo cảm giác kích thích gây cười. Hoàn cảnh giao tiếp cộng đồng không cho phép chúng ta dùng những từ ngữ hay hành động không phù hợp với văn hóa truyền thống”, ông Hiếu đánh giá.
ThS Kim Chi cho rằng với công chúng VN, ảnh hưởng của truyền hình là đáng kể. Người xem lấy truyền hình làm chuẩn mực nên nếu trên truyền hình phát những lời lẽ, hành động hơi bất thường là người xem thất vọng.
“Từ những người làm nghề như “kỳ nữ Kim Cương” từng thốt lên: “Những người quản lý không thấy gì trên sóng truyền hình sao!” cho đến những người quan sát, nhận định như chúng tôi, đều thấy các chương trình hài/nhạc nhảm đang giết chết hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp như thế nào. Cần hơn bao giờ hết sự can thiệp, điều chỉnh từ những nhà quản lý. Ít ra là các chương trình đó phải có tính giáo dục và giá trị nghệ thuật cao hơn”, bà Chi bộc bạch.
***
Tạo scandal để thu hút người xem
TS Bùi Chí Trung cho biết bản thân những người sản xuất các chương trình hài cũng bị áp lực cạnh tranh bởi những chương trình cùng loại nên họ bí bách trong việc tìm những chủ đề mới, những nội dung, cách thể hiện mới. Và khi đó, người ta lấy sự dung tục hóa để tạo ra các scandal (vụ bê bối truyền thông) khiến người khác quan tâm hơn tới họ nhiều hơn.