Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Một thày ba trò, câu chuyện cổ tích giáo dục

Phạm Ngọc Tiến

VNN - Trong suốt thời gian ở gian nhà của thày Phán tôi luôn nghe tiếng phát thanh liên tục từ một chiếc đài điện cỡ nhỏ. Rồi tôi cũng hiểu vì sao. Thày bật đài liên tục để lúc nào cũng có tiếng người ở bên. Nhất là lại tiếng Kinh để nhớ, để không quên tiếng nói cộng đồng.

Đợt cuối năm 2016 trong một chuyến đi cùng nhóm Giỏ Thị đến với hơn ngàn học sinh 3 cấp của xã Đức Hạnh, Bảo Lâm, Cao Bằng tặng áo ấm, khăn, ủng và đồ dùng học tập, tôi đã rất ngạc nhiên vì một trường hợp đặc biệt chưa từng gặp dù đã nhiều năm nay tôi đi vùng cao không ít lần trong khuôn khổ chương trình Cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Đó là hình ảnh một thày giáo trạc ngũ tuần dẫn 3 học sinh nữ lít nhít khoảng 6,7 tuổi từ trên núi xuống nhận quà. Hành trình xuống núi của 4 thày trò từ đỉnh Lũng Pịa tạo cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ để lần trở lại Đức Hạnh này, tôi và nhóm bạn bè đã làm cuộc vượt núi đến với điểm trường có thể nói rất hi hữu này.

Đức Hạnh là xã duy nhất của huyện Bảo Lâm có đường biên giáp ranh với Trung Quốc. Trên đỉnh Lũng Pịa, một ngọn núi cao có một bản dân chừng hơn chục hộ người Mông nằm rải rác. Từ đây ra đường biên không xa. Chẳng rõ ngọn núi cao bao nhiêu nhưng chúng tôi phải leo khá vất vả hơn hai tiếng đồng hồ trong đó có những đoạn dốc dựng đứng để đến đích. Đồng bào người Mông thích chọn những đỉnh cao trên núi để định cư.

Một nếp nhà hai gian bằng gỗ xinh xẻo là điểm trường Lũng Pịa. Một gian dùng làm lớp học có đủ bảng gỗ, bàn ghế dành cho 3 nữ sinh (2 lớp 1 và 1 lớp 2). Gian còn lại là bếp và chỗ ngủ, nơi làm việc của thày giáo. Thời tiết khá lạnh, bếp lửa bập bùng, chủ khách quây quần ấm cúng. Cùng đi với chúng tôi là đoàn giáo viên của trường. Đa số lần đầu tiên đặt chân đến điểm trường này. Như nhiều thày cô giáo vùng cao khác, cái sự xa nhà gần như là điều kiện bắt buộc nhưng ở vào hoàn cảnh thày Phán có một sự gì đó thật khác thường.

Thày giáo Nông Văn Phán sinh năm 1970, dân tộc Tày có vợ và hai con ở Trùng Khánh cách Lũng Pịa hơn 3 trăm cây số. Thày cắm bản Lũng Pịa từ năm 2007. Đã chục năm trôi đi, một mình thày trong căn nhà gỗ rét buốt mùa đông, nắng lửa mùa hè và thiếu nước trầm trọng. Ở ngay sát lớp học có một khe đá nhỏ chứa được chừng chục khối nước. Đó là nơi chứa nước mưa và là nguồn nước của cả bản dân Lũng Pịa.

Cố tưởng tượng nhưng tôi không thể hình dung với ngần ấy con người thì mọi sinh hoạt đều chắt ra từ ngần kia nước và phải phụ thuộc vào thời tiết thì họ sống thế nào. Đấy là chưa kể còn chăn nuôi và trồng trọt. Và nữa, thày Phán với nếp sống không giống người Mông thày sẽ ra sao với sự thiếu nước này. Thày Phán cười hiền lành giải thích, chỉ cần đủ nước ăn uống thôi còn thì mỗi tuần thày đều cuốc bộ xuống điểm trường cụm Chẻ Lỳ ở chân núi để tắm táp, giặt giũ. Mỗi lần quay lên chỉ mang quần áo đủ dùng cho một tuần. Định kỳ ấy còn có lịch tháng 1 lần họp hội đồng ở trường.

Còn may ở Lũng Pịa có sóng điện thoại dù chập chờn lúc có lúc không. Trong căn nhà gỗ ấy có ánh sáng của đèn compact bởi sự quan tâm của cộng đồng nên điểm trường có điện mặt trời.

Trong suốt thời gian ở gian nhà của thày Phán tôi luôn nghe tiếng phát thanh liên tục từ một chiếc đài điện cỡ nhỏ. Rồi tôi cũng hiểu vì sao tiếng phát thanh suốt 24/24 này đã là một thói quen của thày Phán. Thày bật đài liên tục để lúc nào cũng có tiếng người ở bên. Nhất là lại tiếng Kinh để nhớ để không quên tiếng nói cộng đồng. Đã tiếp xúc tôi biết cụm dân cư người Mông ở đây hạn chế nhiều mặt, không tiếp xúc với công nghệ, không xe máy, không điện đến tiếng Kinh cũng hạn chế. Trẻ em ở Lũng Pịa chỉ học đến lớp 2 là dừng. Từ lớp 3 nếu em nào có nhu cầu thì xuống học nội trú ở điểm trường cụm Chẻ Lỳ. Thày Phán buồn buồn bảo từ hồi tôi lên đây cắm bản học sinh của tôi không em nào xuống núi học tiếp. Nghĩa là văn hóa của dân cư nơi đây dừng ở học vấn lớp 2.

Thày giáo Triệu Quốc Bằng, hiệu trưởng PTCS Đức Hạnh cho biết ở đây không phát triển thêm lớp được vì có quá ít học sinh. Ngay cả lớp cắm bản 1 và 2 này cũng có ý kiến chuyển xuống núi để các em được hưởng chế độ theo nghị định 116/2016 của chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh vùng cao đặc biệt khó khăn học nội trú. Tôi biết nhà trường đã rất cố gắng nhưng có lẽ do người dân ngại cho con đi học xa. Phải công nhận ngành giáo dục miền núi còn rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng điểm trường Lũng Pịa này đã phải chi phí hàng trăm triệu cho cả thày lẫn trò mỗi niên học.

Là nơi giáp ranh biên giới nên điểm trường Lũng Pịa mới được tồn tại. Tôi nghĩ thày Phán không chỉ là thày giáo cắm bản mà còn trong nhiều ý nghĩa khác với một điểm vùng biên. Càng thêm mến phục khi được biết thày tự nguyện ở lại cắm bản không luân chuyển. Lý do đơn giản chỉ là thày đã thông thạo và quen thuộc mảnh đất Lũng Pịa này. Nhiều thế hệ học trò đã được thày dạy dỗ. Vẫn chỉ là mỗi năm vài ba học sinh như một câu chuyện cổ tích.

Trước khi về tôi hỏi thày Phán vậy khi nào thày về với vợ con. Năm 2 lần là dịp tết và nghỉ hè. Rồi thày cười cười, tôi có con giai rồi nhà văn ạ, các cháu đã trưởng thành. Xuống núi, nhìn bóng thày côi cút bên ngôi nhà gỗ dựa vào vách núi tự nhiên tôi nghĩ đến người phụ nữ là vợ thày ở Trùng Khánh. Bao năm nay, mỗi năm 2 lần bên hiên nhà có lẽ chị cũng dựa vách mong đợi bóng chồng về./.