Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Đừng bắt học sinh nộp lon bia nữa!

Nguyễn Thế Thịnh

TNO - Ra tết, vợ chồng người em ở khu phố Cẩm Sa, P.Điện Năm Bắc, thị xã Điện Bàn, (Quảng Nam) sang nhà hàng xóm xin lon bia cho con để mai nộp cho trường.

Hỏi ra mới hay, đầu tháng mỗi học sinh nộp 30 lon bia, cuối tháng nộp 3 kg giấy báo.

Nhà có 3 đứa đang đi học.

Hỏi, làm sao xin đủ trăm lon bia và chục ký giấy? Phụ huynh bảo xin được bao nhiêu thì xin, còn lại ra vựa chai bao mua lại.

Hỏi, vậy sao không nộp tiền, khỏi đi mua?

Trả lời, nhà trường bảo làm thế để giáo dục ý thức cho học sinh.

Tôi tưởng chuyện này có từ thời con tôi đi học, nay đã bỏ rồi, ai dè nó vẫn tồn tại, không chỉ ở Quảng Nam mà rất nhiều nơi khác nữa.
Thời con tôi học tiểu học rồi THCS, tôi đã thấy chuyện này không phù hợp, nhiều lần muốn đi họp phụ huynh để ý kiến, nhưng bà xã biết tính tôi nên không cho đi vì… ngại.

Nhưng "phong trào kế hoạch nhỏ" chai bao này tồn tại trong nhà trường lâu như thế, đôi khi tự nghĩ, nó phải có cái lý của nó.
Nhưng xin hỏi thật: Cái lý nằm ở đâu?

Dù cố tỉnh táo để nghĩ nhưng nghĩ mãi không ra.

Ở nước ta, người ta vẫn uống bia, thậm chí uống rất nhiều bia, nhưng hầu hết là uống ở quán xá, ở quán thì không thể bỏ túi lon bia mang về.

Nếu tính mỗi nhà có hai con đi học thì làm sao có 60 lon bia, nhất là ở nông thôn, để nộp?

Mỗi gia đình mỗi ngày phải đặt bao nhiêu tờ báo để cuối tháng có 6 kg?

Vậy “phong trào kế hoạch nhỏ” này nó có thực sự giáo dục được học sinh không?

Mang câu hỏi này hỏi nhiều người có con trong độ tuổi đi học, đa phần đều than phiền, cho rằng đây là một “gánh nặng” của gia đình. Vì con họ không thể đi lượm lon bia và giấy báo như lượm ve chai. Đi xin cũng không có mà xin. Rồi hầu hết các em ngại không xin, nhờ bố mẹ làm thay. Việc giáo dục đã không có từ đây.

Bố mẹ xin không được thì tự đi hoặc cho con tiền ra vựa chai bao (đồng nát) để mua về đi nộp cho đủ. Sự dối trá sinh ra từ đây.

Tôi hiểu, “phong trào kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục, trước hết, cho học sinh ý thức được việc tái chế phế liệu, bảo vệ môi trường; tiết kiệm hay gây quỹ từ rác để giúp đỡ bạn nghèo là khâu thứ yếu. Nhưng bây giờ có nhiều nơi, thấy việc nộp lon bia và giấy báo không còn khả thi nên chuyển sang nộp tiền, như vậy mục đích của phong trào đã biến tướng, không còn ý nghĩa ban đầu.

Cần phải nói rằng, “phong trào kế hoạch nhỏ” và một ý tưởng tốt, nhưng phong trào nào cũng có thời điểm của nó, phong trào nào khi thấy không còn phù hợp thì nên thay thế bằng phong trào khác. Ví dụ, bây giờ không ai làm “hũ gạo tiết kiệm” để bớt một bữa một nhúm gạo nữa, cũng không ai duy trì “phong trào học sinh tăng gia sản xuất để tự túc lương thực” vì nó không còn phù hợp.

Vậy thì, khi đã thấy “kế hoạch nhỏ” chai bao gây khó, làm phát sinh sự dối trá cho học sinh và phụ huynh thì nên thay thế nó đi.

Cần phải nói thêm, một xã hội phát triển là xã hội có trình độ phân công lao động chuyên nghiệp cao. Nhà trường có nhiệm vụ truyền tải kiến thức và kỹ năng sống cho con trẻ. Nếu trẻ nhỏ nhận ra bản chất của công việc thì sẽ mất hết lòng tin, sự kính trọng đối với nhà trường, thầy cô vì quy trình thu gom của nhà trường cũng thương mại hóa không khác gì bà ve chai cả.

Cá nhân tôi thấy ngành giáo dục và hội đồng đội nhà trường đã cạn ý tưởng, vì thế mới duy trì phong trào chai bao này.

Hãy dạy bọn trẻ nghĩ lớn để thành công, đừng dạy chúng đi xin và dối trá.

Còn nếu muốn dạy chuyện nhỏ thì hãy nghĩ ra chuyện khác phù hợp hơn. Ví dụ, dạy học sinh giúp ba mẹ phân loại rác ở trong nhà trước khi đưa ra xe rác, điều mà cả người lớn cũng chưa ý thức được. Như vậy nó thiết thực hơn.