(TBKTSG Xuân) - Có hai nhóm người không có mặt trên mạng xã hội. Những người chủ động không tham gia để sống đời của mình. Nhóm thứ hai là những người bị rớt lại...
Như một cái cây
“Sáng nay tớ mới bị đuổi. Tớ đi xe đạp đến một cửa hàng trên đường Lê Thái Tổ”, bạn tôi bắt đầu kể... Phố trung tâm Hà Nội, không cho để xe trên vỉa hè, nên tớ loay hoay mãi mới để xe đạp ép sát bên cửa tiệm. Cô bé bán hàng có lẽ thấy khách đi xe đạp, ăn mặc cũng bình thường vào nên khi tớ vừa đẩy cửa kính bước vào đã nhắc đi, nhắc lại: “Chị ơi giá cả ở đây đắt lắm”. Thực ra tớ định mua hộp phấn tặng sinh nhật cô bạn vì cô ấy chuyên dùng hiệu này. Bực mình quá nên mới “giảng giải”: “Em bán hàng mà nhìn người chỉ qua vẻ bề ngoài như thế là đuổi khách đi. Chị sẽ không mua ở đây...”.
Cô giải thích: trước kia nếu khó chịu về thái độ phục vụ thì mình bỏ đi không mua. Nhưng sau này mình thay đổi. Nếu ai cũng nghĩ như thế về biết bao điều lệch lạc mình gặp hàng ngày thì chẳng có gì thay đổi hoặc sẽ rất rất lâu mới có sự thay đổi xảy ra.
Nguồn cơn có lẽ từ cái xe đạp. Gần một năm nay, cô bạn tôi chuyển sang đi lại bằng xe đạp mặc dù với vị trí giám đốc marketing, cô được công ty trả tiền taxi hàng tháng để đi làm. Cả đống hàng hiệu Gucci, Dior mua ở nước ngoài cất trong góc tủ, cô mặc mỗi quần suông với áo thun, khi cần gặp khách thì thêm chiếc vest đen. “Nhà tớ chuyển sang ăn gạo xát dối thay vì gạo trắng, gần như không còn ăn thịt, cả tuần có khi còn một bữa vì có trẻ con”, bạn tôi kể. Đồ đạc trong căn hộ cao cấp cô... tối giản, cho bớt người nghèo, để cho thoáng, đỡ lau chùi. Bóng đèn trang trí cũng tháo bớt. “Khi rà soát lại trong nhà mới biết nhà mình có tổng cộng hơn 100 cái bóng đèn các loại, sợ chưa?”, cô nói.
Nhà cô không còn dùng ti vi, nhưng có đầy sách. Các con chỉ được chơi iPad một tiếng vào thứ Bảy và Chủ nhật nếu cả tuần ngoan. Rảnh thì cả nhà đi dạo bộ ngoài trời, đi nhà sách, không ngồi xem phim hay lướt web. Nếu như trước đây cô đưa hình đi chơi, đi ăn liên tục trên Facebook thì giờ đây mất dạng luôn. Cả hai vợ chồng đóng Facebook. Cô chụp hình gửi Viber cho tôi xem, bữa cơm của gia đình với thu nhập hai vợ chồng gần 200 triệu/tháng chỉ có cơm gạo lứt ăn với canh rau và nấm kho đậu phụ. Cô còn khoe mình tự trồng rau trong chậu ngoài ban công.
Cô tâm sự: “Tớ tìm hiểu và chuyển sang sống xanh vì muốn các con sau này sẽ sống như thế. Thầy Thích Nhất Hạnh nói đúng đấy, giảm bớt ăn thịt đi cậu sẽ thấy người mình nhẹ hẳn, không hay cáu giận với mọi người xung quanh và mọi thứ đều trở nên hòa hợp hơn. Cậu thử đi, thực ra con người mình cần ít lắm. Từ xưa tới nay cứ lao theo tiêu dùng, ăn, mặc các kiểu là do bị ngấm đòn quảng cáo, tiếp thị. Rồi mỗi ngày mất vài tiếng lên mạng mà quên chăm sóc các mối quan hệ thực quanh mình. Thông minh là ăn, ở sạch sẽ, vừa đủ, khiêm nhường với vạn vật, mọi người và các nguồn lực thiên nhiên ban tặng cậu ạ. Nên tớ học và thay đổi”.
Không chỉ cô bạn giám đốc marketing của tôi đâu.
Tôi được biết những người khác nữa, đa số chưa già, mới 25-30-40 tuổi đã không dùng mạng xã hội, gần như không đọc báo hàng ngày trừ những tin tức thiết thực liên quan đến công việc và không xem ti vi. Sống đơn giản, dùng ít điện nước hơn, mở cửa sổ thay vì bật điều hòa, nấu ít thức ăn hơn và vì thế cũng không phải đổ thức ăn thừa đi, đi xe đạp, đi xe “chân” nhiều hơn đi xe hơi, đọc sách và dành thời gian thực sự để có mặt bên người thân.
Những điều nhỏ nhặt để sống xanh không mới, bạn có thể học ở cuốn sách Sống xanh của Ngô Thị Giáng Uyên. Sách nói về những việc nhỏ nhưng thay đổi lớn tư duy và cuộc sống của ta như: hạn chế in, nếu phải in thì in hai mặt, tắm nhanh, tắt vòi nước khi đánh răng, rút phích cắm ra khỏi nguồn điện hoặc tắt nguồn thiết bị điện tử khi không dùng, không ăn động thực vật quý hiếm, tận dụng nước mưa, mua hàng ở những cửa hàng vì cộng đồng, tạo điều kiện cho người khuyết tật...
Sống xanh là sống như một cái cây. Giản dị, chừng mực, hài hòa với thiên nhiên, trân trọng những giá trị tinh thần, bớt lệ thuộc về vật chất, không bon chen danh lợi và chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ.
“Không ai buồn và cô đơn vì ít biết chuyện thiên hạ hơn cả. Cậu nhìn xem, cái cây chỉ hít đủ khí trời, con thú trong rừng cũng chỉ bắt mồi đủ ăn chứ không tham lam theo đuổi quá nhiều thứ hơn mức cần thiết như con người. Sống như một cái cây là thuận theo tự nhiên và nhờ thuận theo tự nhiên mà mọi thứ đều ổn thỏa”, bạn tôi viết e-mail như thế.
Ngô Thị Giáng Uyên gọi sống xanh là sống một “La Dolce Vita”, là biết tận hưởng cuộc sống, biết yêu quý những gì mình có.
Bạn của người già
Ngoài một nhóm người trẻ chủ động rời xa mạng xã hội hay các trào lưu của số đông để sống thực sự với cuộc đời của mình như trên, còn một nhóm người bị bỏ lại. Chẳng thiếu gì đâu, nếu bạn để ý xung quanh mình.
Ông năm nay đã 84 tuổi, thông thái và nhạy cảm. Bà mất đã lâu. Ba đứa con đều có gia đình riêng ở ba thành phố. Ông sống một mình trong một căn nhà 30 mét vuông trong con ngõ cũng nhỏ. Ngày ông gọi điện “bố ốm quá mày ạ”, bạn tôi chạy về, mình ông nằm trên cái sofa sờn rách trong căn nhà đến ánh sáng cũng thiếu vì ông chỉ cho lắp một bóng đèn nhỏ. Các con nhiều lần muốn đập nhà đi xây lại, đòi thay đồ đạc khác nhưng ông không chịu. Đem nồi cơm điện, lò vi sóng về ông bỏ xó đấy. Yến, thuốc bổ, thực phẩm chức năng ông dùng một chút lấy lệ rồi để hết hạn dưới gầm bàn. Con gái ở lại trông bố, 10 giờ tối nghe tiếng mèo kêu. Ông già đang bệnh nhỏm dậy lấy cơm với cá đem ra sau bếp cho nó. “Mèo ở đâu đấy bố?”. “À, con mèo này bạn tao, nó đói về đòi ăn”. “Ơ, thế bố nuôi mèo hoang à?”. “Ừ, trước có hai con, một con chắc bị bắt giết thịt rồi, còn con này”.
Bạn của bố cô không chỉ có con mèo. Sáng hôm sau ông lại nhỏm dậy đi lấy cơm để vào góc bếp rồi gọi: “Ra đây, ra đây, Cậu ơi!”. Thì ra là một chú cóc tía. “Tao gọi nó là ông Cậu, cậu ông giời mà. Nó ở đây mấy tháng rồi, bắt muỗi đấy chứ không phải chơi không đâu”, ông nói.
Trên sân thượng căn nhà cũ có mấy chậu cảnh ông tự trồng. “Toàn cây quý hiếm đấy, mày tưới hàng ngày cho bố”, ông dặn trước khi đi vào bệnh viện. “Gốc mai trắng, gốc si, không phải tự nhiên mà có dáng như vậy đâu. Người ta trả giá cao mà bố không bán đấy. Nó là bạn mình. Bán nó đi mình ăn được mấy bữa nào?”, ông giải thích.
Bạn tôi trào nước mắt. Bao năm bố mình sống như vậy, ngoài những chuyến thăm chóng vánh của con cháu thì người thân của bố là một con mèo, một con cóc và mấy chậu cây. Không phải bố chị không có bạn, rất nhiều bạn cựu chiến binh. Nhiều năm trà thuốc, đọc thơ đánh đàn mandolin với nhau, nhưng mấy năm qua không còn ai cả. Ông lần lượt đi đám tang các bạn cựu chiến binh của mình ở tỉnh này tỉnh kia, hay ngay trong thành phố.
Bạn bảo: “Bố về ở với chúng con, có sẵn phòng cho bố. Con cháu tiện chăm sóc. Giờ bệnh thế này, đêm hôm ai biết là đâu”. Ông không chịu: “Tao chỉ ở đây. Chúng mày bận không đến thì cũng không sao. Tao chẳng sợ chết thì chúng mày sợ gì”.
Một đồng nghiệp của tôi sống cùng cha mẹ chồng chia sẻ lo lắng về cái sự một mình tương tự. Ông 70 tuổi, một phòng riêng với cái ti vi mở từ lúc mới ngủ dậy tới nửa đêm. Lần đi ra ngoài duy nhất trong tuần của ông là ra chợ mua thức ăn, chủ yếu là thịt, rồi về cất tủ lạnh, tự nấu ăn cho riêng mình. Ông xem ti vi, chơi cờ một mình, chơi cả hai phe, chơi chán thì ngủ một mình, không ai được can thiệp vào không gian đó trừ thằng cháu đích tôn học lớp 3. Bà thì ăn cơm với con, cháu; giúp con, cháu việc nhà. Bạn của ông là cái ti vi. Bạn của bà là cái bếp. Hai ông bà hai cuộc sống riêng tách biệt mặc dù gia đình sống trong căn nhà lớn có tới bảy người.
Có bao nhiêu người già đang ở một mình trong những căn nhà ta đi qua mỗi ngày? Chỉ số ít tham gia các câu lạc bộ giải trí, đi du lịch hay đơn giản là dạo phố. Hầu hết họ ở đâu trong thế giới hôm nay? Họ ở trong thế giới của họ! Không ăn nhập gì với thế giới của con, cháu, nơi chúng giành nhau iPad hay điện thoại, chơi game, đi ăn gà rán hay lao vào các cuộc làm ăn liên miên.
Họ là những người bên lề dòng chảy chính, lặng lẽ sống rồi cũng lặng lẽ chìm khuất một ngày nào...