Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Giấc mơ miền Trung

Quốc Việt

(TBKTSG Xuân) - Tương lai nào cho miền Trung? Cái đòn gánh nhọc nhằn của đất nước chẳng lẽ cứ mãi chỉ là dải đất nghèo khó, bấp bênh?

“Đất là mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức xảy ra với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho cái tổ sống đó, tức là làm cho chính mình”. Từ cách đây 162 năm, thủ lĩnh người da đỏ Xiaton, đã gửi những lời triết lý mộc mạc mà vô cùng sâu sắc đến Tổng thống Mỹ thứ 14, Franklin Pierce. Trong lá thư này, ông nhiều lần “nhỏ máu trái tim” nhắc nhở giá trị đất đai, rừng núi như thể xác và linh hồn không thể tách rời của người dân sinh sống trên nó...

Khát vọng 10 năm trước

Bây giờ đã gần cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những lời sâu sắc của Xiaton vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi ngày lật báo, vào mạng, người ta không khỏi chùng lòng lo âu khi tin tức về thảm họa thiên tai cứ nối nhau xảy ra ở nơi này nơi kia trên khắp thế giới. Ngay miền Trung của đất nước hình chữ S trước biển này, bão lũ đã và đang hoành hành.

Mười năm trước, cũng dịp đầu xuân, người viết bài này may mắn có mặt trong sự kiện khánh thành cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mêkông, nối liền Thái Lan - Lào, ở hai tỉnh Mukdahan và Savannakhet. Khánh thành một cây cầu rất xa Việt Nam, nhưng có mặt cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm lúc ấy bên cạnh công chúa Thái Lan, Thủ tướng Lào, đã nói lên ý nghĩa đặc biệt của nó. Không chỉ hai nước bên bờ cầu được lợi trực tiếp, Việt Nam cũng có thêm điều kiện quan trọng để hiện thực hóa khát vọng miền Trung. Dự án hợp tác phát triển khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây liên quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar - Ấn Độ, nối liền cửa ngõ biển Đông và bờ Ấn Độ Dương, đã không còn bị “lỗi nhịp” ngăn cách bởi sông Mêkông.

Hôm ấy, tôi đi cùng đoàn công ty du lịch, nghe anh bạn bên VYC Travel hào hứng mà cũng vui lây: “Mai này, mỗi ngày du khách của tôi rong chơi ba nước à nghen. Sáng ngồi cà phê biên mậu Lao Bảo, Quảng Trị, trưa ăn xôi lạp Lào, tối mua sắm xứ Thái Lan”.

Viễn cảnh thật tươi sáng. Bởi đâu chỉ du lịch, hành lang kinh tế Đông - Tây này sẽ là huyết mạch quan trọng để lưu thông hàng hóa từ lục địa Đông Nam Á và Ấn Độ với thị trường quốc tế qua hệ thống cảng biển ở miền Trung của Việt Nam. Ngược lại, doanh nhân trong nước, đặc biệt là khu vực miền Trung, có thêm con đường nhanh, rẻ để thâm nhập vào thị trường khổng lồ phía Tây dải Trường Sơn.

Mười năm đã trôi qua. Khoảng thời gian chớp mắt theo dòng chảy miên viễn của tạo hóa, nhưng cũng không quá ngắn ngủi với những hoạch định, kỳ vọng kinh tế. Miền Trung đã có một số đổi thay, Đà Nẵng đang dần thành hình đô thị trù phú đáng sống, Nha Trang mạnh thêm trên vị thế du lịch biển... Nhưng để nói khát vọng phát triển miền Trung thành hiện thực thì vẫn còn bao vấn đề ngổn ngang, bao bài toán nan giải đang chờ đáp án. Hành lang kinh tế Đông - Tây, tôi có nhiều dịp trở lại, vẫn buồn vắng, chưa thể nhộn nhịp như dự tính ban đầu. Các cảng biển miền Trung vẫn trầm lắng, không đạt số lượng hàng hóa thông quan và lợi nhuận dịch vụ mong đợi.

Tôi còn nhớ có một nhà khoa học đã âm thầm đóng góp rất nhiều trí tuệ cho hệ thống cảng biển này ngay từ lúc mới khởi động nghiên cứu, là Tiến sĩ hải dương học Trương Đình Hiển. Từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại vị, Tiến sĩ Hiển đã khảo sát thực địa, viết dự án khoa học xây dựng các cảng Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội để mở thêm cửa, rút ngắn thêm đường miền Trung với thị trường thế giới. Những lần gặp nhau, nhà khoa học quê Quảng Nam hay tâm sự với tôi: “Phát triển cái đòn gánh nghèo khó miền Trung là trăn trở của các đời lãnh đạo đất nước. Những dự án đại công nghiệp, khu kinh tế, nhà máy này nọ đều xuất phát từ trăn trở đó. Một số dự án đã cho kết quả. Một số thì không được như mong đợi. Tuy nhiên, thực tế miền Trung vẫn đang phải đối diện với vấn đề lớn nhất là có phát triển bền vững được hay không. Địa hình dải duyên hải này cực kỳ khắc nghiệt trước thiên tai, lại thêm bàn tay tác động tiêu cực của con người. Nếu miền Trung không đầu tư cho môi trường sống bền vững, thì tất cả các toan tính, đầu tư kinh tế trước mắt đều đổ sông đổ bể...”.

Nỗi lo hôm nay

Cách đây hơn mươi năm, người viết bài này gặp gỡ Giáo sư Lâm Công Định, nhà lâm học nổi tiếng thực hiện thành công việc trồng rừng trên cát bay để giảm thiểu tình trạng sa mạc hóa và làm bức tường xanh cản bớt sức tàn phá của bão biển miền Trung. Tại một hội nghị lâm nghiệp ở Bình Thuận, vị giáo sư cống hiến cả đời cho những cánh rừng cũng nặng ưu tư, cảnh báo như Tiến sĩ Hiển: “Với thực trạng bàn tay con người làm trọc hóa rừng xanh tàn bạo thế này, chắc chắn miền Trung sẽ ngày càng đối diện với thiên tai và gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn. Người dân ở dải đất nghèo khó chưa kịp chắt chiu được một, thì bão lũ đã tàn phá đến ba. Nhọc nhằn gầy dựng mươi năm, bão lũ cuốn trôi một ngày, thử hỏi phát triển bền vững làm sao được?”.

Vừa tâm sự, vị giáo sư già vừa giở cho tôi xem hàng loạt hình ảnh rừng xanh chảy máu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... do chính ông đi thực địa chụp lại. Chỉ vào những tấm ảnh đồi núi trọc lóc, trơ trọi đất đỏ bầm như màu máu khô, Giáo sư Định cay đắng: “Mới khoảng 20 năm trước ở những nơi đó, tôi đi khảo sát còn lạc trong rừng rậm, thế mà giờ chỉ loanh quanh một lát đã bị say nắng vì chẳng còn mấy tán cây che đầu. Dân cư sinh sống ở duyên hải miền Trung phía dưới phải gánh chịu lũ lụt, hậu quả nặng nề và sẽ ngày càng nặng nề hơn, làm sao mà tránh khỏi!”.

Giáo sự Định trình bày rất đơn giản, dễ hiểu địa hình tổng thể khu vực: nhìn trên bản đồ sẽ thấy rất rõ chỗ dân ở như cái máng xối, núi rừng bên trên là mái nhà. Khi mái nhà này không còn rừng để hút, giữ nước và cản dòng chảy nữa thì nó sẽ dội thẳng xuống cái máng xối dân ở. Lần nào có dịp gặp gỡ lãnh đạo ngành lâm nghiệp và các tỉnh miền Trung, ông đều ý kiến phải quyết liệt giữ bằng được mái nhà xanh trên cao cho miền Trung, nếu không dù có đổ tiền đầu tư đến mấy, tốn công sức cỡ nào cũng chẳng thể có tương lai phát triển bền vững cho dải đất bị kẹp giữa núi rừng và biển cả. Ai cũng lắng nghe, nhưng thực tế rừng xanh vẫn bị tàn phá và ngày càng bị tàn phá nhiều hơn.

Đặc biệt, hậu quả của việc mất rừng không chỉ là lũ lớn mà còn là lũ bất ngờ, làm mức độ thiệt hại càng thêm khủng khiếp. Người viết bài này đã nhiều lần chứng kiến cảnh người chồng không kịp đưa vợ đi bệnh viện sinh chạy lũ, vì nước dâng nhanh quá. Thậm chí, chuồng bò ở cách đường cao vài trăm mét cũng không kịp dẫn bò lên trước lũ. Người ta chỉ có cách đu ngọn cây hoặc trổ mái nhà để thoát thân. Đành nhìn tài sản chắt chiu có được trôi theo lũ...

Hãy cứu lấy mái nhà xanh trước tiên

Có lẽ, không cần phải nói nhiều về nguyên nhân tại sao nữa, mà hãy bàn phải làm gì để giảm thiểu thảm họa này. Như chính các chuyên gia lâm nghiệp, môi trường khẳng định: Chắc chắn không có giải pháp nào toàn diện và bền vững hơn việc phải nỗ lực phủ xanh lại mái nhà Trường Sơn để cứu dải miền Trung trước bão lũ. Trồng rừng hút nước, giữ nước, cản nước. Trồng rừng để bảo vệ người dân. Đó là tiền đề không thể thiếu cho bất cứ toan tính đầu tư kinh tế nào nhằm nâng cao đời sống người dân. Chúng ta đã tham dự và cũng tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu, mối đe dọa toàn cầu. Vâng, tất cả đều cần thiết, nhưng cái rất cần thiết trước tiên phải hành động ngay là hãy cứu lấy chính mái nhà xanh của mình trước đã, nơi mình đang ngày ngày hít thở, nhọc nhằn sinh tồn và chắc chắn sẽ còn tiếp tục in dấu chân con cháu nhiều đời sau.

Nhân loại đã đủ trải nghiệm lịch sử để hiểu sự vô cùng cần thiết của cân bằng tự nhiên, mà tạo hóa đã tạo ra rồi con người rắp tâm phá vỡ. Cho tới nay, hậu quả của việc phá rừng đã quá rõ ràng, tốc độ phá rừng vẫn nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ trồng rừng. Chương trình trồng 5 triệu héc ta rừng quy mô nhất từ trước đến nay đã tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, kéo dài suốt bao năm vẫn chưa cho kết quả cuối cùng.

Có lẽ sẽ có ý kiến này nọ về việc trồng rừng quá mênh mông, xa vời, bao giờ mới được thụ hưởng, ngân sách lại đang khó khăn, còn bao nhiêu việc khẩn cấp trước mắt cần tập trung đầu tư. Xin thưa rằng có thể thời gian là lâu, tiền bạc là bài toán khó, nhưng chúng ta không thể không quyết tâm hành động vì tương lai của chính chúng ta và con cháu mai này. Các tính toán môi trường đã chỉ rằng việc trồng lại rừng (phải đúng nghĩa là rừng, chứ không phải cây công nghiệp hay chỉ đơn thuần rừng trồng một loại cây để lấy nguyên liệu) sau 10 năm sẽ cho lợi ích môi trường ban đầu, sau 50 năm sẽ cho giá trị sinh thái như cánh rừng tự nhiên. Thời gian này có thể là dài với những toan tính cục bộ, thiệt lợi trước mắt, nhưng chắc chắn không hề dài trước sự còn mất môi trường sống bền vững của hàng triệu đồng bào miền Trung. Chỉ vài cơn bão lũ như vừa rồi ở Bắc Trung bộ, sự thiệt hại đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Khi cuộc sống đồng bào ở nơi ấy ngày càng khốn đốn, chắc chắn họ sẽ phải tha phương cầu thực ở hai đầu đòn gánh, đặc biệt là TPHCM, và kéo theo bao hệ quả kinh tế - xã hội nặng nề khó lường.

Mùa xuân, mùa đổi mới và hy vọng. Ngóng về miền Trung, xót xa trước thảm cảnh bão lũ chồng lên bão lũ, xin hãy nhìn xa hơn, hãy nghĩ về tương lai bền vững cho đồng bào mình. Nơi ấy rất cần sự cảm thông, nghĩa cử sẻ chia, nhưng cần hơn một chiến lược quốc gia hành động quyết liệt vì mái nhà xanh của tương lai.