Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Chẳng có thánh thần nào giúp đổi đời 'tốc hành'

Đoàn Đại Dương


TNO - TP.HCM chẳng có nơi nào tổ chức phát ấn để bạn có thể mong đổi đời từ người lượm ve chai “hô biến” thành CEO chỉ trong 365 ngày. Chẳng có thánh thần nào giúp bạn đổi đời “tốc hành” như vậy được. 

Mỗi năm cả nước Việt Nam làm được 3 đồng thì riêng TP.HCM chiếm 1 đồng. Mấy chục năm rồi mà tỉ lệ này vẫn giữ nguyên, chẳng có địa phương nào đuổi kịp TP.HCM. Chỉ tính riêng tổng doanh thu hằng năm của riêng P.Bến Thành hoặc Bến Nghé thuộc Q.1 thôi, đã cao hơn tổng doanh thu của một số tỉnh miền núi. Thế mới biết Sài Gòn lợi hại thế nào!.

Người Sài Gòn năng động, chí thú làm ăn, điều này khỏi bàn cãi. Ngay từ mùng 4 tết đã có nhiều hàng quán khai trương, đến mùng 6 đã đồng loạt kinh doanh ì xèo, phố xá đông người qua lại, coi như hết tết. Về đời sống tâm linh, người Sài Gòn đi chùa rằm tháng Giêng là coi như xong, khác hẳn với nhiều địa phương, hình như vẫn còn giữ phong cách “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. 

Tháng giêng, người miền Trung nếu có đến cố đô Huế hoặc chùa Thiên Mụ thì cũng với tâm thái bình thản tự tại, chẳng mong ai phát ấn cho mình (vì chẳng có ấn đâu mà phát). Tháng giêng, những người làm ăn, buôn bán, kinh doanh hành hương đến vài ngôi chùa nổi tiếng ở miền Nam cầu lộc, mua may bán đắt, làm ăn phát tài với những bước chân thong dong, thanh thản, không ồn ào, xô đẩy. Tháng giêng, người Sài Gòn viếng chùa, đốt nén nhang thành kính, tìm giây phút thanh thản nơi cửa thiền, cầu mong những người thân trong gia đình khỏe mạnh, yêu thương nhau…với một thần thái ung dung, tự tin vốn có, chẳng màng gì đến những tờ ấn, những cây lộc khiến thiên hạ chen lấn, xô đẩy, cướp cho bằng được hòng mang lại cơ hội thăng quan tiến chức hay tiền, đô la tuôn vào nhà mình như thác đổ. Nhìn chung, tháng giêng của người miền Nam và người Sài Gòn nói riêng có phần tao nhã hơn nhiều, không hề diễn ra cảnh…"tao mày".

"Tao nhã" và "tao mày" là hai tính cách từ nền tảng giáo dục mà ra. Hai tính cách ấy sẽ cho người trong nước lẫn người nước ngoài biết bạn là người có đáng tin không. Nếu bạn có phong cách tao nhã, đang sống trong một môi trường đáng tin cậy, họ sẽ tiếp xúc, làm ăn với bạn và có thể an tâm với đồng tiền mình bỏ ra đầu tư hoặc thường xuyên đi du lịch đến đó. Ngược lại, nếu đó là “vùng đất dữ” thì chẳng ai muốn bỏ tiền ra hợp tác làm ăn với bạn nhằm tránh rủi ro. Một vùng đất mà tạo cho người ta sự sợ hãi thì ngay cả chuyện đi du lịch đến đó còn không dám, chứ nói gì đến chuyện đầu tư làm ăn. Một vùng đất mà du khách không muốn đến lần thứ hai thì người bản xứ phải coi lại cách cư xử và hãy tự vấn lòng mình: Sống kiểu gì khiến thiên hạ “một đi không trở lại”?

Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên rất hiểu mình đang sống trong môi trường như thế nào. Thích nhất là tấm lòng nhân ái của người Sài Gòn, điều mà báo chí đã nói nhiều. Người Sài Gòn tạo ra đồng tiền số 1 Việt Nam và làm từ thiện cũng nhất thiên hạ. Khi miền Trung, miền Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long gặp thiên tai (và cả nhân tai), người Sài Gòn luôn tiên phong trong công tác cứu trợ. Giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn, đối với người Sài Gòn hình như là bổn phận, là nghĩa tình, bất vụ lợi.

Còn một yếu tố nữa giúp Sài Gòn có thiện cảm trong con mắt đồng bào cả nước lẫn người nước ngoài, đó là yếu tố “hợp chủng quốc”. Tình cờ tôi biết được trong danh sách khoảng 60 cán bộ chủ chốt của một cơ quan nhà nước nọ, đóng trên địa bàn TP.HCM, chỉ duy nhất có 1 người quê quán Sài Gòn (có cha mẹ là người Sài Gòn, theo cách khai quê quán trong lý lịch cán bộ-công nhân viên chức) mặc dù đa số người của cơ quan ấy nói giọng miền Nam.

Điều đó cho thấy Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất dung nạp dân tứ xứ đổ về. Bất kể bạn nói giọng miền nào, từ đâu tới, Sài Gòn luôn rộng cửa đón vào để mưu sinh, miễn là làm ăn chân chính, đừng có kiểu buôn ma túy, cờ bạc, cướp giật, mánh mung hoặc cho vay nặng lãi…Cho dù bạn là CEO có thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng hay một công nhân lương ba cọc ba đồng như ở TP.HCM thì âu đó cũng là lẽ thường tình. TP.HCM chẳng có nơi nào tổ chức phát ấn để bạn có thể mong đổi đời từ người lượm ve chai “hô biến” thành CEO chỉ trong 365 ngày. Chẳng có thánh thần nào giúp bạn đổi đời “tốc hành” như vậy được. Trong kinh doanh, đôi khi có nói thách nhưng về đại thể, người Sài Gòn luôn tính đúng giá bất kể bạn là người trong nước hay du khách nước ngoài.

Trở lại vấn đề tâm linh, bạn sẽ không bao giờ thấy người Sài Gòn chen lấn, đè đầu cưỡi cổ để cố cướp lộc ở những nơi thiêng liêng hoặc chốn cửa thiền, vì điều đó hoàn toàn xa lạ với phong cách sống của họ.