BBC - Truyền thông Việt Nam, ngoại trừ báo đài Nghệ An, không đưa tin về cuộc tuần hành ở Nghệ An đi nộp đơn kiện Formosa hôm 14/2.
Cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt.
Sự kiện được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Linh mục Thục cáo buộc với BBC về việc nhiều người trong đoàn bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được ⅕ chặng đường.
Tuy vậy, website của Truyền hình Nghệ An đăng liên tiếp ba bài viết như trong ảnh chụp màn hình dưới đây.
"Với thái độ ngoan cố, quyết đạt mục đích cuối cùng, cuối chiều 14/2, Nguyễn Đình Thục cùng một số phần tử cực đoan đã kích động đoàn người đi khiếu kiện tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ," trang này viết.
Hôm 15/2, có tin Tòa Giám Mục yêu cầu đoàn giáo dân Song Ngọc trở về nhà và cử người đại diện đi nộp đơn.
Hôm 15/2, Linh mục Thục nói với BBC: "Tạm thời chúng tôi chưa có quyết định rõ ràng là các bước tiếp theo sẽ như thế nào."
"Thật sự là trước khi quyết định lên đường đến Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện Formosa, tôi đã tận dụng nhiều phương thức như ngoại giao, tham gia điều trần tại Quốc hội Đài Loan hồi tháng 12/2016."
"Tôi không lường được mức độ chính quyền lại hành xử bằng cách ngăn chặn và đánh đập người dân khi họ đi thực hiện quyền chính đáng của công dân."
"Đến giờ, tôi vẫn thấy chính quyền hành xử phi lý quá."
'Tính chính danh của chính quyền'
Khi BBC hỏi phản ứng về việc truyền thông Nghệ An cáo buộc "kích động đoàn người đi khiếu kiện tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ", linh mục đáp: "Tôi cho rằng không mấy người dân tin vào truyền thông của lề Đảng."
"Mặt khác, tiến trình khiếu kiện vụ Formosa của chúng tôi luôn được thực hiện công khai, minh bạch."
"Việc những người trong đoàn bị hành hung cũng được một số nhà hoạt động tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội để mọi người có thể chứng kiến tận mắt những gì đã diễn ra."
"Và điều quan trọng hơn là trong việc này, tôi luôn căn dặn giáo dân của mình luôn hành xử ôn hòa, bất bạo động."
"Tôi nói với họ rằng chúng ta gặp công an chúng ta vẫn phải vui cười với người ta để cho thấy chúng ta không có hận thù gì với họ cả mà chỉ đi đòi quyền lợi chính đáng mà thôi".
Cùng ngày, trả lời BBC, nhà hoạt động Trịnh Anh Tuấn, người đi theo cuộc hành trình hôm 14/2, nói: "Theo những gì tôi quan sát được hôm qua thì việc trấn áp bằng bạo lực đối với người đi khiếu kiện đã làm tính chính danh của nhà cầm quyền trở nên rất xấu."
"Người dân đã có hành động văn minh mà bị đáp lại như vậy thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa, bức xúc của người dân càng dồn nén và hệ lụy sẽ vô cùng lớn."
"Trước đây, Tòa Kỳ Anh từng từ chối hơn 506 người dân nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại với thiếu chứng cứ chứng minh thiệt hại."
"Theo tôi, động thái này cũng không thỏa đáng."
"Người dân Nghệ Anh đã bị ảnh hưởng vì ngư dân tỉnh này không thể ra khơi đánh bắt cá, còn những người khác thì không thể tiêu thụ hải sản trong vùng."
"Khi họ bị thiệt hại, họ có quyền, một quyền rất căn bản, tối thiểu của người dân từ các chế độ xa xưa, từ cổ đại, khi người khác gây thiệt hại cho mình, mình có quyền khởi kiện."
"Một khi chính quyền Việt Nam tìm cách ngăn cản và họ không muốn người dân làm thủ tục tố tụng khởi kiện Formosa là một việc rất là bất thường và điều đó vi phạm điều tối thiểu nhất của pháp luật."
Theo Reuters hôm 14/2, nhà máy thép Formosa đã bồi thường 500 triệu đôla và thừa nhận nhà máy thép gây thảm họa cá chết suốt 200km biển miền Trung nhưng không vươn xa đến tỉnh Nghệ An.