Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Tại sao phải nhận diện kẻ cơ hội?

CaNon D

TTO - Đòi hỏi một bạn trẻ chỉ mới bước vào ngưỡng cửa trưởng thành (tức cái tuổi như người ta vẫn nói chỉ biết ăn, học và chơi) nhận diện kẻ cơ hội hay người chân chính liệu có là điều quá khó?

Khó nhưng chắc cần, bởi thế nhiều người lớn đã chẳng khen hay với nhận xét rằng đề văn mang tính thời sự.

Có lẽ bấy lâu ở cái tuổi ẩm ương, lớn chưa lớn, bé không còn bé, nhận diện những giá trị cuộc sống của các em cũng chỉ mới dừng lại ở chuyện trốn học hay làm bài mà quay cóp là điều không tốt. Hoặc cũng có thể là suy nghĩ kẻ nào hay mách lẻo thầy cô, không biết đứng về phía chúng bạn là điều không tốt. Phân biệt tốt, xấu ở mức giản đơn rạch ròi là thế mà đôi khi còn thỏa hiệp: kiểu che cho bạn quay bài để sau đó chép lại bài bạn… miễn bài không bị điểm kém. Biết xấu đó cũng tặc lưỡi cho qua vì mình hưởng lợi và tự an ủi: miễn không ai biết.

Nhưng nhận diện kẻ cơ hội, biết được người chân chính, điều này ngay cả đến người lớn đôi khi còn phải cảm thán: thời buổi thật giả lẫn lộn, biết đâu mà lần. Hay có người bi quan còn bảo: riết rồi chẳng biết ai Thạch Sanh, ai Lý Thông, hay giờ đã đến mức Thạch Sanh và Lý Thông trộn lẫn.

Huống là các em! Làm sao thì thành kẻ cơ hội? Ra sao là người chân chính?

Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích. Vậy thành tích tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt xấp xỉ 100% vừa rồi có phải là chuyện người lớn đang cơ hội?

Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Nghĩa là nếu năm nay học chưa hiểu bài, kiên nhẫn đợi năm sau học tiếp cho hiểu? Nhưng vậy có kiên nhẫn được không khi các bạn đồng trang đồng lứa mình ở Đồi Ngô được thầy cô giám thị tiếp tay làm bài?

Mà ở TP.HCM, nói chi tận Đồi Ngô cho xa, ngay trong lớp học mình sao tồn tại chuyện bạn đi học thêm thì làm được bài, còn mình không đi học thêm lại làm bài không được. Liệu bạn đi học thêm thì bạn là kẻ cơ hội hay biết tận dụng cơ hội?

Vì thế chuyện có lẽ không chỉ dừng lại ở 600 chữ yêu cầu bình luận câu nói “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” là dễ hay khó… mà là dịp để bất cứ ai dành thời gian nhận diện lại cuộc sống này như thế nào.

Giá thuốc đang bị đẩy cao để móc túi người bệnh, đây có phải là một trò của kẻ cơ hội?

Các doanh nghiệp xả thải ra môi trường, đây có phải là hành vi của kẻ cơ hội?

Trả nhiều tiền hơn thì được ưu tiên khám bệnh trước, đây có phải là chuyện cơ hội?

Cảnh sát giao thông và người vi phạm Luật giao thông thỏa hiệp nhau bằng một một khoản tiền để bỏ qua vi phạm, đây có là chuyện cơ hội?

Và chuyện đâu đó hằng ngày trong cơ quan, xí nghiệp, không hiếm những người bề ngoài gương mẫu “thượng đội hạ đạp” để “trèo cao”, tranh công người khác lập thành tích, soi mói, đâm chọt nhau… cũng chỉ nhằm mục đích có lợi cho mình.

Đời đang nhan nhản những chuyện như thế. Và có phải vì thế đề thi luận người chân chính, kẻ cơ hội được khen hay? Hay khi đã gãi ngay chỗ ngứa, chỉ đúng căn bệnh cuộc sống đang trầm kha mắc phải? Hay được khen hay bởi nó chính là một lời cảnh tỉnh khéo léo về lẽ sống ở đời mà người lớn đã gián tiếp gửi đến các em ngay trước ngưỡng cửa vào đời qua một đề thi?

Không biết các em, ngay trong lúc làm bài thi và khi rời khỏi phòng thi, nghĩ gì về đề thi ấy nhỉ?

Tại sao phải nhận diện?

Vì sao đề văn lại đánh động về việc nhận diện kẻ cơ hội, đó là điều đáng suy nghĩ. Có phải vì ngày càng khó phân biệt giữa kẻ cơ hội và người chân chính? Kẻ cơ hội thì thích làm ít mà lập công nhiều, người chân chính thì thường đi đến thành công không dễ dàng nhưng không mỏi bước.