LĐO - “Năm 2017, với những căn cứ pháp lý, nguồn lực, tính toán, tôi cho rằng sẽ là năm đột phá” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí về sự kỳ vọng vào năm 2017 kinh tế nước ta sẽ có nhiều đột phá.
PV: Thời gian qua Quốc hội có sự đổi mới rõ nét, nhất là ở kỳ họp đầu nhiệm kỳ. Xin Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích cụ thể hơn vấn đề này?
Ông Phùng Quốc Hiển: Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói là Quốc hội khoá XIV tiếp tục đổi mới, hành động và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Tại sao Quốc hội cần tiếp tục đổi mới? Nó xuất phát tự thân. Bối cảnh quốc tế và trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng không thể đảo ngược đặt ra đòi hỏi Quốc hội phải đổi mới tư duy. Cuộc sống đặt ra muôn vàn vấn đề cần giải quyết và Quốc hội phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu chính đáng của cử tri.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm tiến hành Đại hội Đảng, kiện toàn bộ máy nhưng chúng ta đã đạt nhiều thành tựu khá tích cực.
Nhưng rõ ràng đất nước đứng trước nhiều vấn đề phải tính tới. Đó là tăng trưởng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững. “Điểm nghẽn” nợ xấu, rồi nợ công phải luôn luôn phải cảnh giác. Cùng với đó các hoạt động đầu tư chưa hiệu quả…
Là cơ quan lập pháp, ngay tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 3 luật, và 11 ghị quyết, trong đó có đến 2 luật và 9 nghị quyết liên quan đến kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, về vấn đề tài chính ngân sách, chúng ta xây dựng kế hoạch 5 năm, trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể và có định hướng, tạo hành lang cho toàn bộ các hoạt động tài chính, ngân sách đi theo.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn trước kia chúng ta cứ “nước đến đâu, dầu đến đấy”, cứ đầu tư không biết vốn ở đâu, nhưng lần này phải thay đổi, để không còn chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản. Làm công trình phải chỉ rõ vốn ở đâu, tránh câu chuyện xin – cho và phải làm cho hiệu quả. Quốc hội thể hiện lời nói đi đôi với việc làm cụ thể.
PV: Cử tri băn khoăn nợ công sát trần, kỷ luật lỏng lẻo khiến tình hình ngân sách khó khăn. Ông đánh giá thế nào về thách thức này đối với Chính phủ? Quốc hội phải làm gì để cùng Chính phủ vượt qua?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đất nước đang phát triển nên nhu cầu đầu tư vào cơ ở hạ tầng rất lớn nhưng đầu tư vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển. Trong khi thu của chúng ta lại không đủ cho chi. Chi thường xuyên tăng nhanh chóng dẫn đến câu chuyện muốn chi đầu tư phát triển thì phải đi vay. Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa làm tốt công tác quản lý để đầu tư đúng, hiệu quả, tránh dàn trải.
Từ khi Chính phủ có Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước yêu cầu đầu tư phải có nguồn vốn, rồi đến khi Luật đầu tư công ra đời đã gắn trách nhiệm với việc quyết định đầu tư.
Vừa qua có kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm để không còn chuyện cứ đưa ra quyết định không phù hợp nữa. Chúng ta phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm; tạo nền tài chính có tầm nhìn, có hiệu quả, loại bỏ tư duy hình thức. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu như của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND, không thể nói trách nhiệm chung chung nữa.
PV: Muốn cơ cấu lại nền kinh tế cần nhìn thẳng vào khó khăn, thuận lợi để xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại nếu không khi hội nhập sâu rộng, Việt Nam sẽ thua trên sân nhà, thưa ông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Cơ cấu nền kinh tế cũ của chúng ta chưa hợp lý, chưa bảo đảm phát triển nên phải cơ cấu lại. Yêu cầu là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chỗ dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, dựa vào phát triển theo chiều dọc thì nay phải phát triển có cả rộng, có cả sâu, nhưng sâu là chủ đạo.
Quá trình thực hiện gặp khó khăn trước hết về nguồn lực. Hội nhập là xu thế, doanh nghiệp Việt Nam có thể chấp nhận thua ngay trận đầu nhưng về lâu dài sẽ phải thắng. Vừa qua có rất nhiều cái mới đầu ta thua nhưng sau đó lại vươn lên. Chúng ta không ngại, quan trọng là tạo ra môi trường hết sức thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng.
Có môi trường tốt rồi thì phải có con người thực hiện tốt. Chấn hưng đất nước phải thông qua giáo dục, đào tạo được nguồn lao động có tri thức. Tuy vậy, không thể từ một nông dân ở dưới ruộng leo lên vào nhà máy làm được đâu.
Còn thuận lợi, phải thấy rằng, chúng ta có quá trình thực hiện nền kinh thế thị trường, tạo ra quy mô, sức mạnh của nền kinh tế và kinh nghiệm quản lý. Cơ cấu lại chính là cơ hội sử dụng những cái đã có, đã làm, đã đi để tạo bước phát triển mới, tư duy mới, nhận thức mới.
Thực tiễn là thế, đâu phải mọi thứ đều trải hoa hồng. Hoa hồng còn có gai kia mà! Nhưng rõ ràng, cơ cấu lại là có lợi, khó khăn chỉ là trước mắt.
PV: Trong năm 2017 một loạt luật mới có hiệu lực. Ông đánh giá thế nào về những tác động từ việc triển khai các luật này, nhất là Luật Ngân sách nhà nước?
Ông Phùng Quốc Hiển: Luật Ngân sách nhà nước mới là một bước tiến rất quan trọng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 với những quy định thay đổi rất căn bản. Theo đó, tất cả các khoản thu, chi đều phải có dự toán, tức là không có khoản nào không có dự toán mà được xuất ra.
Trong dự toán thu không có giới hạn, thu đúng luật thì càng nhiều càng tốt, nhưng dự toán chi là giới hạn. Trước đây chi tiêu xong báo cáo, Quốc hội phê chuẩn nhưng bây giờ không như thế. Thứ hai là Ngân sách Trung ương phải giữ vai trò chủ đạo.
Tất cả những khoản chi tiêu đó phải được kế hoạch hóa nên mới có câu chuyện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm theo hình thức cuốn chiếu. Thêm vào đó quản lý nợ công và nợ trung hạn thì cấu thành nên một ngân sách có tầm nhìn, có khung. Thứ ba là bội chi phải theo thông lệ quốc tế.
PV: Có ý kiến cho rằng dường như Quốc hội vẫn có sự ”du di” khi đưa ra các quyết định. Qua các phiên điều hành, thảo luận cho thấy ông luôn thể hiện quan điểm thẳng thắn. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Ông Phùng Quốc Hiển: Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp nên trên ai hết Quốc hội chính là cơ quan phải nêu cao nhất và tuân thủ nhất việc thực thi pháp luật. Cho nên không có khái niệm du di. Chẳng qua là có những cái không đủ thông tin, quyết định điều gì đó chưa thực sự sát tình hình nên mọi người cảm thấy như là có sự chấp nhận.
Quốc hội và Chính phủ chung lưng đấu cật để thực hiện nhiệm vụ chung vì quyền lợi của dân tộc, đất nước, nhưng do sự phân công trách nhiệm nên nhiều khi có ý kiến khác nhau để đi tìm cái tối ưu.
PV: Đầu năm mới, xin Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ dự báo nền kinh tế nước ta năm 2017 và đến năm 2020?
Ông Phùng Quốc Hiển: Điều rất mừng là chúng ta xác định được định hướng, mục tiêu, không như con thuyền đi không biết bến bờ ở đâu. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào.
Chúng ta đã trải qua khó khăn, kinh nghiệm có rồi. Năm 2016, mặc dù kinh tế chưa thực mỹ mãn, nhưng khá tốt. Năm 2017, với những căn cứ pháp lý, nguồn lực, tính toán, tôi cho rằng sẽ là năm đột phá.
Nếu từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt từ 6,5% trở lên thì sẽ đạt cơ cấu lại được nền kinh tế và thay đổi được mô hình tăng trưởng. Bước vào năm 2021, chúng ta sẽ có tâm thế khác. Ngược lại, thì sẽ rất khó khăn.
Dân tộc mình tự quyết định vị thế của mình chứ không ai khác. Tất nhiên, có dựa vào xu thế của thời đại giống như con thuyền đi xuôi dòng nước, có gặp khúc khuỷu, thác ghềnh cũng là đương nhiên. Chúng ta phải dám đối mặt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!