Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Đi bộ...

Huy Nam

(TBKTSG) - Được nâng lên thành môn thể thao thời thượng, đi vào sách vở như một liệu pháp y khoa, ngày nay nhắc đến đi bộ là nhắc đến sự vận động cơ thể. Đi bộ vì sức khỏe như vậy đã ngấm sâu vào suy nghĩ mọi người, làm ta quên mất đi bộ là một phương thức giao thông cơ bản.

Lâu nay phương tiện giao thông thường được hiểu là tàu xe. Ở thành phố phổ biến là xe máy, xe hơi, xe buýt và tàu điện. Cũng vậy, hạ tầng giao thông được nói đến là đường bộ và đường sắt. Việc đi lại khó khăn tại các thành phố lớn nhiều lần đã được đặt lên bàn mổ với các tranh luận nảy lửa: bắt tội chiếc xe gắn máy, đổ lỗi chiếc xe hơi, hết kêu thiếu đường lại hiến kế đừng mở thêm đường, người bảo “giãn ra” kẻ đòi “nén lại”... Việc đi tìm giải pháp do vậy như đi vẽ tranh lập thể. Kết quả là ùn tắc đã giảm còn... ùn ứ.

Điều đặc biệt, trong các tranh luận kịch liệt có phần đối kháng ấy, hầu như không ai đá động gì tới phương thức đi bộ, ít khi nghe nhắc tới cái lề đường hay hè phố, vốn là cấu phần thiết thực, thiết yếu và tự nhiên trong giao thông đô thị. Cũng chưa có ai nghĩ nguyên nhân kẹt xe, kẹt đường thực ra còn là vì người ta không đi bộ và do “thiếu” cái vỉa hè. Không đi bộ và thiếu cái vỉa hè, đường sá sẽ tiếp tục bị nguyền rủa và xe cộ vẫn cứ là tội đồ.

Đi chừng cây số cũng xe hơi, vài trăm mét đã gắn máy. Cứ ngồi xe “ơi ới gói mì” thì lập tức “chờ chút có ngay”. Quá tiện thì “ngu” gì đi bộ. Trật tự đô thị cứ thế bị thói quen tùy tiện phá vỡ. Hè phố bị chia cắt, rộn kẻ mua người bán, loạn chỗ uống ăn, ngổn ngang hai bánh. Thật đáng trách nhưng đáng tiếc: Trong khi ta có “năm bảy đầu quản” thì lại thiếu “một đầu làm”. Được buông lỏng thì dại gì không tranh thủ... Vậy là mặt tiền chường ra, phương xa kéo về. Đã vậy, do bị xem là phụ, chất lượng xây dựng cái vỉa hè dễ bị qua loa cho có. Mấy ông điện nước cũng chẳng vừa gì, cạm bẫy không giăng trên đầu thì cài dưới đất, đẩy người đi bộ xuống đường.

Nước Úc đất rộng người thưa, đường sá đồi dốc, nhưng học sinh có nhà trong tầm hai cây số sẽ được khuyên nên đi bộ đến trường. Cho dù xe hơi đã như cái chân đi, không vì thế mà xe buýt ở họ kém tấp nập. Ngẫm lại ở mình, ta cổ xúy đi buýt nhưng nếu tôi và con cháu mình hưởng ứng “buýt” thì làm cách nào đến trạm? Xuống đường luồn lách ư? Không dám. Thế là, bên cạnh cái nhược chất lượng, sự bất tiện bất an đi bộ làm ta không thể buýt. Đi bộ là để kết nối với tàu xe, không đi bộ được thì buýt sẽ ế và xe máy lên ngôi. Đường trên cao nay có chăng là bước lùi giao thông đô thị, đặc biệt ở nội đô? Việc giải quyết ô nhiễm, bức hại cảnh quan, nỗ lực hạn chế xe riêng và chỗ đậu sẽ là vấn đề. Đường bộ trên cao là giải pháp thực dụng chẳng đặng đừng mà thế giới rất rất cân nhắc và thường là họ nói không như Âu Mỹ.

Suy cho cùng, việc khiếm dụng phương thức đi bộ và hạ tầng đi bộ là nguyên nhân sâu xa của nhiều bế tắc trong nỗ lực cải thiện giao thông. Đây là chỗ khuyết cần nhận diện tận tường thì giải pháp mới căn cơ, đặc biệt là trong việc phát triển tàu xe công cộng. Mặt khác, việc người dân không đi bộ, không thể đi bộ, lười đi bộ, là thực tế cần được điều chỉnh. Tình trạng bám víu hè phố làm xấu mặt đô thị không thể cứ tồn tại. Xe chạy đã có đường, mua bán có chỗ, việc ngồi xe mua sắm, ăn vạ chỗ để xe không thể cứ thông cảm. Sự nghiêm minh sẽ cần, để tôi và chúng ta tự điều chỉnh, để trật tự và nề nếp mọc lên. Việc trả lại cho dân đường thông hè thoáng để đi bộ sao không là cách mà lại sáng kiến “mở cửa trường, mượn sân cơ quan” nghe chi lạ!

Nhiều khách lần đầu đến Việt Nam, bên cạnh sự sợ hãi khi ra đường, họ còn phàn nàn về sự không nề nếp, thiếu kỷ luật ở mình. Lề đường và vạch đi bộ kể như vô dụng. Ai cũng biết xấu hổ mà không sửa. Tình trạng coi thường, tước bỏ quyền đi bộ hay thậm chí bắt nạt người đi bộ là có thật. Tôi đã chứng kiến cảnh một phụ nữ chặn xe làm dữ bác tài khi bà bị thúc còi giữa vạch đi bộ. Chuyện này xảy ra ở Thảo Điền và của một bà Tây. Tôi kể chơi vậy thôi, chứ ai bắt chước bà ta thì coi chừng... Ngược lại là tại Macau, lần nọ tôi sượng đến “đứng hình” và ngớ người ra, do mình chưa có ý định qua đường mà đã đứng trước vạch đi bộ làm cả dòng xe dừng lại... Không ngờ người Macau lại lịch sự vậy. Ở các nước phát triển điều này đã là tập tính, họ phản xạ tự nhiên không cần xưng tụng văn minh. Dưới lòng đường đã vậy thì không cần nói ra ta cũng có thể hình dung trên vỉa hè họ chăm chút thế nào.

Ngoài sự kiên định kiên trì di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ sở mua sắm đông đúc ra ngoại đô, hoạt động kinh doanh nội đô cũng cần điều kiện có chỗ để xe cho khách, nhất là về ăn uống. Đây là quy định được nhiều nước áp dụng (như Úc và Tây Âu). Kỷ cương, kỷ luật và trật tự nghiêm minh sẽ hướng việc kinh doanh vào nề nếp, ăn uống có nơi mua bán có chỗ, không bạ đâu đáp đó, mỗi chút mỗi ngồi xe. Lúc này thói quen đi bộ sẽ được tái lập, phương tiện cá nhân sẽ giảm, diện tích mặt đường sẽ tăng và tàu xe công cộng sẽ có cơ phát triển. Một đô thị văn minh và đáng sống sẽ cần bắt đầu từ cái lề đường vậy...

Mọi việc lại đều thuộc chức năng và đang nằm trong tay giới quản lý đô thị. Vấn đề là sự quyết đoán, hành động triệt để và toàn diện. Bệnh đã trầm kha thì đừng mong nó sẽ “tự giác” hết mà cần can thiệp liều cao.