Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Cần 2 năm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương

Tuyết Nhung

MTG - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong năm 2017-2018 dự kiến sẽ giải quyết dứt điểm, triệt để các dự án nghìn tỉ thua lỗ của Bộ.

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa qua là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Ban chỉ đạo của Chính phủ cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác là đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai. 

Bàn về thời gian và phương hướng xử lý các dự án này, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết dự kiến trong giai đoạn 2017-2018, Bộ sẽ giải quyết dứt điểm, triệt để các dự án nghìn tỉ thua lỗ này. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục, kiên quyết làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ này từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc phê duyệt dự án.

"Xử lý trách nhiệm không chỉ dừng ở cá nhân, đây cũng là bài học hoàn thiện thể chế chính sách, quản trị của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Những vấn đề lớn liên quan đến kinh tế ngành, quản trị tài sản nhà nước, chính sách cán bộ, công tác quản lý nhà nước của các cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói thêm về các dự án thua lỗ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các dự án này đã diễn ra hoạt động trong một thời gian dài, trước khi giao về cho Bộ Công Thương chủ quản. Pháp lý lúc đó còn sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, cụ thể là giao trách nhiệm cho chủ đầu tư còn bộ ngành chỉ có trách nhiệm góp ý. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định đã trình bày rõ ràng, rành mạch sự lãng phí của các dự án này. Từ đó xác định giải pháp thu hồi lại tài sản của nhà nước. Đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp để dự án được tiếp tục khai thác phù hợp với xu thế chung.

Trong khi đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 20.12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ: "Tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này". 

Về phương án xử lý các dự án, nhà máy, Phó Thủ tướng cho rằng song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị. Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản... theo quy định của pháp luật.

“Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng không nên đổ tiền thêm vào các dự án thua lỗ, đắp chiếu này nữa. Phải xử lý nhanh gọn, dứt điểm, không để kéo dài từ năm này sang năm khác.

"Trong các dự án thua lỗ này, mỗi dự án đều ở một tình trạng khác nhau, nên sẽ có những phương hướng giải quyết khác nhau. Song, tôi cho rằng cần xem xét, đánh giá dài hạn xem dự án nào có triển vọng mang lại lợi nhuận thì bán lại cho tư nhân, còn dự án nào thua lỗ nặng mà không còn triển vọng gì nữa thì nên cho phá sản", GS Mại nhận định.