Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Dâng hương ở Văn Miếu: Sao chỉ cúi đầu trước Khổng Tử?

NGUYỄN PHAN KHIÊM

(PLO)- Facebook mấy ngày nay lan truyền hình ảnh bảng chữ “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô…” tại Văn Miếu, Hà Nội. Chữ “cho” ấy rõ là sai rồi nhưng đằng sau đó còn một câu hỏi nữa: Tại sao không dâng hương ở nhà Thái Học, nơi thờ Chu Văn An và ba vị vua có công lao đối với nền văn hiến Việt Nam mà lại cúi đầu dưới tấm hoành phi hoàng đế nhà Thanh ca tụng Khổng Tử?

Dâng hương đâu phải mê tín

Sở GD&ĐT TP Hà Nội thực ra đã không theo “xu thời” thắp hương, khấn vái, xoa đầu rùa mong được phù hộ cho thi cử đỗ đạt. Bằng việc tổ chức cho đoàn học sinh thủ đô dâng hương trong Văn Miếu trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2016-2017, cơ quan quản lý giáo dục còn muốn nhắc nhở học trò về truyền thống hiếu học, truyền thống trọng nhân tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Chính vì coi trọng việc học mà 70 năm sau ngày dời đô về Thăng Long, nhà Lý đã lập Văn Miếu (năm 1070), lập Quốc Tử Giám (năm 1076) mà nay con cháu ví như trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Vì vậy, dẫn đoàn học sinh giỏi vào thăm viếng Văn Miếu và dâng hương có ý nghĩa lắm, không phải là theo trào lưu mê tín dị đoan đang nở rộ.

Nhưng lễ dâng hương này cũng như tấm băng rôn đỏ của nó lại được thực hiện dưới bức hoành phi đề bốn chữ “Vạn thế sư biểu”, với lạc khoản ghi rõ “Khang Hi ngự thư”, tức chữ của Khang Hi ca ngợi Khổng Tử là thầy tiêu biểu của muôn đời...

Ngộ nhận

Quả thật, từ xa xưa Văn Miếu có một phần trang trọng thờ Khổng Tử (551-479 TCN), ông tổ của đạo Nho, nhà sư phạm lỗi lạc của Trung Hoa. Nhưng Văn Miếu còn thờ những học trò xuất sắc của Nho giáo và các nhà khoa bảng của dân tộc Việt, đặc biệt là Chu Văn An (1292-1370). Ông là Tư nghiệp (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám đời vua Trần Minh Tông, trực tiếp dạy các hoàng tử. Năm 1370 ông tạ thế, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.

Sau nhiều lần trùng tu, cải tạo, ngày nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã dựng lại nhà Thái Học trên nền trường xưa với quy mô lớn. Tầng trên nhà Thái Học thờ ba vị vua có công lao lớn với nền văn hiến nước nhà. Tầng dưới thờ duy nhất Chu Văn An với bức hoành phi ca ngợi ông là “Truyền kinh chính học”, nghĩa là truyền dạy kiến thức, uốn nắn việc học.

Vậy nên việc Sở GD&ĐT TP Hà Nội không dâng hương ở nhà Thái Học mà tiếp tục cúi đầu dưới tấm hoành phi mà hoàng đế Trung Hoa ca tụng Khổng Tử là điều đáng băn khoăn.

Nguyên nhân rất có thể là sự ngộ nhận. Bởi trước đây, khi chưa xây dựng mới nhà Thái Học, người ta đặt tạm bức tranh sơn dầu vẽ cụ Chu Văn An ở tòa tiền tế, dưới bức hoành phi “Văn thế sư biểu”. Lâu dần, nhiều người nhầm lẫn cụ Chu Văn An là “Vạn thế sư biểu” mà quên rằng đó là chữ người ta ca tụng Khổng Tử.

Đến nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) có chỗ thờ cụ Chu trang trọng nhất nhưng sự ngộ nhận đó có thể chưa hết. Điều này có thể thấy rõ Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, một trong ba Văn Thánh Miếu của vùng đất Nam Bộ, được dựng từ thế kỷ XIX để đề cao Nho giáo. Ở đấy, trước bàn thờ Khổng Tử, chỗ đứng để hành lễ, gần cửa ra vào, là một cái bàn trải nylon, trên đặt tượng bán thân cụ Chu Văn An. Dưới tượng có bát hương và khung kính đề dòng quốc ngữ “Vạn thế sư biểu Chu Văn An”.

Thờ tự một biểu tượng của nền giáo dục nước nhà, người từng dâng Thất trảm sớ, thẳng thắn đề nghị vua xử trảm những tên gian ninh, như thế thật “kính chẳng bõ phiền”…
***

Sẽ khắc phục dần

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thừa nhận thực tế mà báo nêu. “Hầu hết các sự kiện tương tự đều có số lượng người tham gia lớn, có sự kiện đến cả hàng trăm người, khi đó chỉ có khu Bái đường (nơi thờ Khổng Tử) thuận lợi hơn” - ông lý giải.

Cũng theo ông Kiêu, hiện nay các sự kiện của trung ương, của Hà Nội khi tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì thường thực hiện ở khu Bái đường do rộng rãi. Còn các hoạt động do trung tâm thực hiện đều tổ chức tại khu Thái Học, nơi thờ các vị vua có công sáng lập và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cụ Chu Văn An…

Khu Bái đường chỉ là không gian thực hiện lễ dâng hương, còn nội dung tất cả các lễ dâng hương đều có phần tỏ lòng thành kính và tôn vinh hoàng đế Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và các danh nhân văn hóa của đất nước.

“Đây là nếp quen đã có từ trước, việc thay đổi địa điểm cho tất cả các lễ dâng hương về khu Thái Học cần có sự chuẩn bị đầy đủ và cần có thời gian. Chúng tôi ý thức rất rõ về vấn đề này. Chúng tôi cảm ơn và sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của công chúng, những người quan tâm đến hoạt động của trung tâm để điều chỉnh cho phù hợp hơn” - ông Kiêu nói.

VIỆT THỊNH