NLĐO - Bộ Tư pháp “tuýt còi” Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị bãi bỏ ngay quy định về lộ trình cấp đổi giấy phép lái xe. Trong khi đó, do hiểu nhầm về thời hạn, người dân cả nước ùn ùn đi làm bằng lái mới
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 30-11, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, xác nhận cục vừa có kết luận việc kiểm tra Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.
Không có cơ sở pháp lý
Văn bản kết luận trên do ông Đồng Ngọc Ba ký ngày 29-11 với nội dung “tuýt còi” liên quan tới điều 57 của Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET. Cụ thể, điều 57 - Thông tư 58 quy định lộ trình chuyển đổi GPLX ô tô và GPLX hạng A4 bằng giấy bìa sang vật liệu PET trước ngày 31-12-2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.
“Qua rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành, cục khẳng định quy định này của Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp” - ông Ba khẳng định.
Theo phân tích của ông Ba, quy định bắt buộc phải chuyển GPLX giấy sang vật liệu PET không phù hợp với pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, GPLX là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới. Về pháp lý, trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có GPLX phải được pháp luật bảo đảm.
Trong văn bản vừa gửi tới Bộ GTVT, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn cho rằng việc chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu PET có tác động rất lớn đến người dân và xã hội nên cần phải được khảo sát, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các tác động về kinh tế - xã hội để có chính sách phù hợp. Trường hợp thật sự cần thiết thì cũng chỉ nên khuyến khích và phải có cơ chế hỗ trợ thủ tục, chi phí chuyển đổi cho người dân.
Vì vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ GTVT bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại điều 57 - Thông tư 58, đồng thời rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).
Quá tải vì nhầm lẫn
Khoan nói đến quy định lộ trình cấp đổi GPLX bị “tuýt còi” như nêu trên, thời gian qua, do có sự nhầm lẫn trong thông tin, người dân cứ nghĩ ngày 31-12-2016 là hạn chót đổi GPLX mới nên ùn ùn đi đăng ký.
Chiều 30-11, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Sở GTVT Hà Nội, hàng trăm người đến đây làm thủ tục đổi GPLX. Ông Nhự Văn Tuấn (trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết đã đến đây từ rất sớm để đăng ký đổi GPLX nhưng đến chiều vẫn chưa tới lượt. “Nghĩ cuối năm nay hết hạn đổi bằng chứ nếu không thì tôi đã chẳng đợi” - ông Tuấn than vãn.
TP HCM có 7 điểm đổi GPLX và trong những ngày qua, tất cả đều quá tải. Tại Trung tâm Dạy nghề Bách Việt (quận 10), sáng 30-11, đông nghịt người đến lấy số thứ tự; đến 16 giờ vẫn còn cả trăm người ngồi chờ, dù đã hết số. Lượng người đến các điểm đổi GPLX số 3 (quận 9), Trường Cao đẳng GTVT TP HCM (quận 12)… cũng tăng đột biến. Theo ông Võ Trọng Nhân, Trưởng Phòng Quản lý và Sát hạch cấp đổi GPLX thuộc Sở GTVT TP HCM, trước đây, mỗi ngày đơn vị chỉ tiếp nhận khoảng 2.300-2.500 hồ sơ thì nay tăng lên 3.000-3.200 hồ sơ, trong đó 80% là xe máy.
Tại Đà Nẵng, lượng người đổ xô đến bộ phận một cửa của Sở GTVT, đặt tại Trung tâm Hành chính TP, để đổi GPLX cũng đông nghẹt, với mỗi ngày từ 450 đến 500 lượt.
Ở các tỉnh, thành ĐBSCL cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Dựa, Phó Phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, cho hay vì hiểu nhầm hạn cuối đăng ký vào ngày 31-12-2016 nên những ngày qua, người dân đến làm thủ tục tăng đột biến. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã cấp đổi GPLX cho 125.698 xe 2 bánh (chưa chuyển đổi 243.209 xe) và 10.359 ô ô (còn lại 743 xe). Cũng do việc người dân kéo nhau đi đổi bằng lái, từ tháng 7-2013 đến ngày 31-10-2016, tỉnh Kiên Giang đã cấp đổi GPLX được 142.859 mô tô (còn lại 444.000 xe) và 24.673 ô tô (còn lại 22.665 xe).
Trước áp lực quá lớn từ việc người dân đi cấp đổi GPLX mô tô, dựa theo lộ trình quy định tại Thông tư 58, Sở GTVT TP Cần Thơ ra thông báo từ hôm nay (1-12) sẽ tạm ngưng đổi GPLX mô tô trong thời hạn 1 tháng để ưu tiên chuyển đổi GPLX ô tô các loại và GPLX hạng A4. Dù vậy, thông báo này cũng trở nên… thừa khi Bộ Tư pháp ra văn bản “tuýt còi” Thông tư 58.
***
“Sửa sai” bằng cách bỏ thi lý thuyết
Liên quan đến thông tin Bộ Tư pháp “tuýt còi” Thông tư 58, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT, cho biết việc ban hành Thông tư 58 trước đó đã được lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và “tất nhiên Bộ Tư pháp đồng ý thì thông tư này mới được ban hành”.
Theo ông Huyện, Thông tư 58 không quy định việc xử phạt mà qua đó khuyến khích người dân đổi GPLX khi hết hạn để đồng bộ với hệ thống quản lý, chống việc làm bằng giả. Dù vậy, ông Huyện nói: “Chúng tôi cũng đang sửa đổi Thông tư 58, trong đó bãi bỏ quy định phải thi lại lý thuyết đối với người có GPLX chưa chuyển đổi. Thông tư sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 12-2016”.