Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Soul-searching ở Hồng Kông

Thanh Hương

(TBKTSG) - Tôi để ý đến từ này cách đây nhiều năm, khi nghe một người bạn Mỹ nói anh đã trải qua một thời gian dài soul-searching một cách đau đớn trước khi quyết định ly hôn.

Nó có nghĩa là sự tự vấn để hiểu được mình là ai, mình muốn gì, có thật đó là điều mình muốn không... Nghĩa là một cuộc tìm kiếm và đối diện với bản ngã sâu kín và chân thực nhất, anh giải thích khi tôi hỏi về từ soul-searching lúc đó.

Khi đến Hồng Kông đầu tháng 12-2016, tôi cứ nghĩ điều mô tả đúng nhất về đặc khu này vào lúc này, là soul-searching.

Hồng Kông có gì đó thật đặc biệt. Hình ảnh và cung cách từng đoàn người tuôn ra không ngớt từ các ga tàu điện ngầm, rầm rập hối hả chuyển sang chuyến tàu khác hay đón xe buýt trên đường phố ở những giờ cao điểm... chẳng khác gì ở Manhattan hay London. Thế nhưng nhìn kỹ, nghe kỹ, cách người ta trò chuyện, buôn bán, ứng xử, rất khó phân biệt đâu là “kiểu Âu”, đâu là “kiểu Á”. Nó giống như lời mô tả về điện ảnh Hồng Kông được viết trên đại lộ Ngôi sao (nơi có bức tượng Lý Tiểu Long trong một thế võ thật sống động), là “một sự hòa trộn thật tự nhiên và độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây”. Nhưng Hồng Kông cũng đang có gì đó hoang mang và tổn thương đằng sau vẻ ngoài bình thản và bận rộn đó.

Không khó để nhận ra những đoàn khách người Trung Quốc trên phố và các điểm du lịch bởi gu ăn mặc, cung cách họ hơi khác người Hồng Kông. Và cũng không khó để nhận thấy nhiều người Hồng Kông kín đáo lưu ý đến họ dù vẫn làm ra vẻ thản nhiên.

Khách du lịch từ Trung Quốc qua Hồng Kông tăng vọt từ năm 2010-2014 đồng thời với nhiều cuộc biểu tình phản đối của người Hồng Kông, vì ứng xử của họ “không phù hợp và ảnh hưởng xấu với văn hóa nơi công cộng của Hồng Kông”. Hình ảnh một người mẹ Trung Quốc cho đứa con nhỏ của mình đi tiểu ngay trên đường phố Hồng Kông dấy lên một cuộc tranh cãi và bất bình lớn trên mạng xã hội. Các đoàn khách Trung Quốc cũng có tiếng là ồn ào, chen lấn, xả rác và không chịu xếp hàng.

Tin tức và thông điệp của những cuộc biểu tình đã có ngay tác động: du khách Trung Quốc đến Hồng Kông, nhất là khách đoàn, giảm từ 25-30% trong hai năm 2015-2016. Doanh thu các cửa hàng bán lẻ, hàng lưu niệm mà khách Trung Quốc hay mua như mỹ phẩm, nữ trang, thuốc, hàng điện tử, sữa công thức... sụt giảm mạnh. Thế là lại có một làn sóng khác phản đối... những người phản đối du khách Trung Quốc. Rằng sự kỳ thị đã làm Hồng Kông bớt thân thiện và ảnh hưởng tới doanh thu ngành du lịch và kinh tế Hồng Kông... Cứ thế những cuộc biểu tình - chống và chống - biểu tình - chống du khách Trung Quốc cứ diễn ra luẩn quẩn bên trong Hồng Kông mãi không có hồi kết.

Từ mới được nói đến nhiều năm gần đây là “lục địa hóa” (mainlandization), nỗi lo ngại lớn kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, và được duy trì thể chế “một quốc gia, hai chế độ” trong 50 năm nữa. Làn sóng nhập cư của người Trung Quốc khiến giá nhà và đất Hồng Kông tăng quá nóng, kinh doanh và khởi nghiệp ngày càng khó khăn hơn, cách biệt giàu - nghèo gia tăng mạnh làm bộc lộ nhiều vấn đề xã hội hơn.

Claire, cô bạn đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho tôi biết với hầu hết người Hồng Kông đi làm bây giờ, phần lớn tiền lương là để... trả tiền thuê nhà, vì giá thuê rất đắt còn việc mua nhà ở Hồng Kông giờ khó như lên trời. Người dân rất trông đợi chính quyền can thiệp trước nguy cơ bị nhấn chìm trong làn sóng “lục địa hóa”.

Hồng Kông đang tổn thương trong cuộc tìm kiếm bản sắc của mình, mà những xung đột chính từ trong lòng mình cũng dữ dội không kém áp lực từ “lục địa”. Cũng như chuyện du khách Trung Quốc, những người đòi “dân chủ, tự trị” bị phía các đảng, nhóm đòi “ổn định” buộc tội “phá hoại kinh tế”.

Tại hội nghị quốc tế về việc lồng ghép hoạt động cộng đồng vào học tập bậc đại học mà tôi tham dự ở Hồng Kông, trong khi các đồng nghiệp ở đại học Mỹ thoải mái nói về “cuộc khủng hoảng văn hóa chính trị” của nước Mỹ sau cuộc bầu cử của họ và đó là lý do hoạt động cộng đồng, các giá trị nhân bản cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, các đồng nghiệp Hồng Kông tỏ ra thận trọng hơn. Một giáo sư đại học Hồng Kông nói với tôi trong giờ giải lao: “Ồ Việt Nam, các bạn có thể học tập sự phát triển của Trung Quốc...”, một lúc sau, tôi lại nghe ông nói với một giảng viên người Myanmar: “Ồ Myanmar, các bạn có thể học tập Trung Quốc...”. Có thể dễ dàng biết những ai theo quan điểm “ổn định” ở Hồng Kông, bởi dường như họ luôn tìm cách nào đó bày tỏ rằng họ không chống đối gì Trung Quốc cả. Tuy vậy, sự “cố gắng” đó càng tăng lên cảm giác về sự tổn thương và nhạy cảm trong đời sống chính trị và xã hội của Hồng Kông lúc này.

Buổi sáng Chủ nhật, tôi lên tàu điện ngầm đến khu Central, thầm nghĩ biết đâu lại có thể quan sát một cuộc biểu tình vốn hay diễn ra vào những ngày Chủ nhật ở đây. Không có cuộc biểu tình nào, nhưng có một đám đông phần lớn là phụ nữ, người Philippines ngồi tụ tập ngay dưới khu sảnh rất lớn của tòa trụ sở chính HSBC. Có cái gì đó kỳ lạ và không ăn nhập lắm giữa đám đông này và khung cảnh sang trọng ở khu phố tài chính khiến tôi tò mò lại gần.

Claire kể với tôi vắn tắt rằng, phần lớn họ là những người Philippines sang đây làm giúp việc, họ có một ngày nghỉ nhưng không biết đi đâu vì ở đâu cũng đắt đỏ nên ra đây ngồi chơi. HSBC ban đầu không cho phép nhưng sau đó đã có một phiên tòa phân xử rằng khu sảnh của HSBC vào ngày nghỉ là nơi công cộng nên họ có thể tụ tập. Người Philippines nhập cư rất tự hào về “chiến thắng” này và từ đó họ tụ tập ở đây mỗi ngày Chủ nhật như một quy ước. Claire nói nhiều người Hồng Kông cho rằng đó là dấu hiệu một xã hội dân chủ và văn minh, nhưng nhiều người cũng khó chịu với hình ảnh đó, và cho rằng chính phủ nên tìm cách giải quyết nó, chứ khu trung tâm tài chính mà người ta cứ lót giấy ngồi ăn uống trông thật chẳng ra thể thống gì.

Người Hồng Kông, tóm lại, đang chọn những giá trị gì? Vừa nghĩ ngợi miên man, tôi vừa bước đi theo thanh âm tiếng chuông nhà thờ vừa an bình vừa giục giã quanh đó. Khuôn viên nhà thờ St. John’s Cathedral buổi sáng Chủ nhật có các nữ tu, thầy tế và cả cha xứ đang tất bật bày biện các gian hàng của một hội chợ hỗ trợ những người nhập cư, với khẩu hiệu “Give care to our care givers” (Phục vụ những người phục vụ chúng ta). Tôi đoán họ nhắm đến những phụ nữ Philippines đang sơn móng tay chân cho nhau ở dưới tòa nhà HSBC kia. Các gian hàng bao gồm nơi tư vấn, nơi giúp trang điểm làm mặt, nơi hướng dẫn sử dụng máy tính, nơi giúp viết các đơn xin việc làm... thật là ân cần và tử tế.

Người Hồng Kông đang có khủng hoảng bản sắc phải không? Tôi hỏi Claire. Cô không trả lời thẳng câu hỏi đó, mà kể, cha mẹ cô là người Trung Quốc nhập cư, và cô không thích cách người Hồng Kông kỳ thị người Trung Quốc. Vì thế, trước đây khi ai hỏi là người ở đâu cô thường trả lời mình từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. “Tôi đã từ chối bản sắc Hồng Kông của mình như thế”, Claire nói. Chỉ đến khi cô sang Anh một thời gian, mới nhận ra Hồng Kông là nơi mình sinh ra và lớn lên, là nơi cho mình một bản sắc, bản ngã riêng không giống một nơi nào khác như thế nào. Tôi gật gù, ừ hợp lý quá, khi mình đi xa, mình sẽ phải xác định văn hóa của những nơi xa lạ đó. Cũng như cái google map này, muốn xác định một nơi nào khác, trước hết mình phải định vị mình đã.

Mà không chỉ có Hồng Kông, tôi ngờ rằng cả thế giới dường như cũng tự chất vấn mình trong một cuộc soul-searching tương tự, rằng chúng ta đang ở đâu và đang đi về đâu, đang thực sự muốn gì và chọn lựa điều gì vậy?