VNN - Mong muốn nhận mức lương khởi điểm 2.000 đô la Mỹ/ tháng, nữ sinh Phạm Thị Thanh - sinh viên ngành An toàn thông tin (Học viện Kỹ thuật Mật mã) có đang “ảo tưởng sức mạnh” hay viển vông?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu – Giám đốc phát triển kinh doanh Everest Education, trưởng nhóm Global Shapers TP.HCM, một trong 30 người trẻ lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes Việt Nam cho rằng đây là một vấn đề thú vị. Anh nói, mới ngày hôm qua thôi có vài bạn sinh viên đã trò chuyện với anh về vấn đề này.
“Trước hết, với tôi, không có mơ ước nào là viển vông cả. Rõ ràng, thực tế ở Việt Nam vẫn có những bạn sinh viên học hoàn toàn ở trường Việt Nam, tốt nghiệp ra vẫn được các công ty nước ngoài săn đón, thậm chí là ra nước ngoài làm việc. Với những bạn như vậy thì mức 2.000 đô la Mỹ hoàn toàn là có thể” – anh Lê Đình Hiếu khẳng định.
Anh cho biết, anh không đồng tình với những ý kiến chỉ trích nữ sinh này.
“Có một nhược điểm mà người Việt Nam mình hay mắc phải là chỉ nhìn vào kết quả hơn là đánh giá quá trình. Mà theo tôi, quá trình mới là cái quan trọng. Bạn sinh viên đó nên suy nghĩ theo hướng mình nên làm những gì để đạt được kết quả đó”.
“Rất khó để bạn ấy có thể đạt được mức lương như vậy nếu vào một công ty Nhà nước, nên bạn ấy nên hướng mục tiêu của mình vào chinh phục các công ty nước ngoài. Theo tôi biết thì bạn ấy học ngành An toàn thông tin, nên bạn ấy hoàn toàn có thể cầm đơn tới các công ty Anh, Mỹ, Singapore ở nước ngoài, sang nước ngoài làm việc”.
“Như vậy, khi bạn nhìn theo hướng đó, bạn sẽ đặt ra cho mình câu hỏi làm thế nào để hồ sơ của mình hấp dẫn được các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh kiến thức nền thì mình cần phải có kỹ năng gì? Ngoại ngữ, kỹ năng mềm của mình ra sao? Trong một, hai năm tới, bạn có thể có những trải nghiệm thực tập ở các công ty nước ngoài hay không? Nếu bạn ấy làm được hết những cái đó thì chuyện bạn ấy kiếm được một công ty, thậm chí như Google, Facebook, Amazon, là hoàn toàn có thể” – anh Hiếu, cựu sinh viên ĐH California – Los Angeles khẳng định.
Với tư cách là giám đốc của chương trình tìm kiếm 1.000 sinh viên tài năng nhất Việt Nam do Trung tâm Văn hóa, giáo dục UNESCO tổ chức, anh cho biết kết quả anh nhận được sau vòng 2 “cực kỳ ngạc nhiên”.
“Đề thi được mua từ Anh quốc do các công ty tư vấn tuyển dụng thiết kế. So với mức trung bình của thế giới thì kết quả của Việt Nam vượt trội. Chúng tôi có 4 vòng thi với rất nhiều bài kiểm tra. Ở hai vòng đầu tiên, chúng tôi đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (trí thông minh cảm xúc), trí thông minh số học, trí thông minh ngôn ngữ học, khả năng tiếng Anh. Và tất cả những bài kiểm tra này đều bằng tiếng Anh. Trong số 2.789 đơn hoàn tất bài thi trọn vẹn, có trên 1.600 thí sinh vượt trên điểm trung bình thế giới. Như vậy, rõ ràng là về mặt nền tảng tư duy, các trường đại học Việt Nam làm tốt”.
Tuy nhiên, anh cho rằng sinh viên Việt Nam ra trường còn thiếu 2 yếu tố: sự tự tin và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
“Đôi khi có những bạn mặc cảm khi bước vào vòng cuối cùng toàn thấy du học sinh, thậm chí là người nước ngoài, còn mình chỉ tốt nghiệp một trường Việt Nam. Cái mặc cảm đó là thứ đầu tiên kéo các bạn lại”.
Về thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, anh Hiếu lấy ví dụ về một trường hợp ứng viên đến muộn 1 phút so với giờ hẹn và khi được hỏi “Em đến trễ em biết không?” thì nhận được câu trả lời là “Em trễ có 1 phút thôi mà.
“Bạn ấy không nhận thức được là mình đang sai" - Đình Hiếu nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của một nhà báo, chị Bạch Hoàn chia sẻ quan điểm của mình:
“Câu hỏi của Thanh khiến tôi nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ đời mình. Tôi là con nông dân, nhà nghèo. Thời trẻ, tôi luôn đau đáu làm sao có được một chỗ làm tốt, thu nhập cao để chắt bóp gửi về quê cho bố mẹ. Lương cao, tôi nghĩ rằng đó là ước mơ chân chính của mọi người lao động trên thế giới này, chứ chẳng riêng tôi”.
“Tôi thực sự không thể nào hiểu nổi, tại sao người lớn lại cười cợt ước mơ chính đáng của một bạn trẻ".
Nhà báo Bạch Hoàn cho rằng, bạn trẻ này đã ý thức rõ để có được mức lương 2.000 đô la Mỹ/tháng, bạn ấy phải rèn luyện và lao động xứng đáng. “Thế nên bạn ấy hỏi "phải học tập và làm việc thế nào". Rõ ràng, bạn ấy có ý thức về việc đóng góp cho nhà tuyển dụng. Người lớn hãy chỉ cho bạn ấy thay vì bỉ bai, cười cợt, mắng nhiếc...”
“Nếu tương lai đất nước chỉ toàn những bạn trẻ ước mơ làm quan chức, hoặc chấp nhận thực tại ra trường sẽ làm việc với đồng lương còm cõi 5-7 triệu đồng, họ cứ học tà tà, làm tà tà, không sống nổi thì tìm cách bòn rút, ăn bớt ăn xén... thì mọi thứ sẽ về đâu?
Đất nước cần những người trẻ biết ước mơ và ý thức về sự rèn luyện để đạt được ước mơ. Một thế hệ bạc nhược đã quá đủ rồi”.
Đồng quan điểm với nhà báo Bạch Hoàn và anh Lê Đình Hiếu, ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM cho rằng “ước mơ lương cao là chuyện bình thường của bất kỳ thanh niên nào đang học tập trong môi trường đại học”.
Ông cho rằng, hiện nay mức lương 2.000 đô la Mỹ tập trung ở các vị trí trong các doanh nghiệp nước ngoài, ở cấp quản lý hoặc chuyên viên bậc cao.
“Trong nhà nước cũng có những vị trí có mức lương như thế, nhưng đòi hỏi những người có kinh nghiệm và ở những lĩnh vực hết sức đặc thù, ví dụ như an toàn thông tin là cũng có. Và mức lương này thường dành cho những người đã có kinh nghiệm làm việc từ 8-12 năm.
Mức lương khởi điểm của những sinh viên tốt nghiệp giỏi nhất hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở khoảng 1.300-1.500 đô la Mỹ mỗi tháng.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, phải thực sự giỏi về kiến thức, cả về lập luận và ứng dụng (sự chủ động, đề xuất sáng kiến), cộng với kỹ năng mềm, sự kỷ luật, ngoại ngữ, sinh viên có đề tài nghiên cứu, công trình ứng dụng khi còn là sinh viên là một ưu tiên”.
“Nếu hội tụ đủ những yếu tố đó thì em cứ tự tin là mình sẽ đạt được mức lương đó. Còn nếu chưa đủ thì em phải tiếp tục rèn luyện và tin rằng nếu mình cố gắng hoàn thiện thì mình sẽ đạt được. Thời kỳ hội nhập, những mức lương cao luôn dành cho những người thực sự có tài”.