Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Âm nhạc thay đổi cuộc đời

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

(TBKTSG) - Lennar Acosta có khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo do những trận ẩu đả bằng dao, đến Los Chorros năm 12 tuổi, khi nơi này vẫn còn là trung tâm tạm giữ thanh thiếu niên phạm tội. “Tôi đã từng sống trên đường phố. Thiếu thốn và đói khát... rồi tôi đã phạm tội. Vì vậy, tôi đã bị đưa vào đây - không phải để được bảo vệ, mà để trừng phạt”, anh nói.

Khi trung tâm được El Sistema tiếp nhận và trở thành một núcleo (hạt nhân), Lennar đã ở lại. Ban đầu, nơi này không có nhạc cụ và rất ít giáo viên. “Các giáo viên không dám tới đây, bởi chúng tôi là những tội phạm. Nhưng Maestro Abreu đã đưa các thành viên của dàn nhạc trẻ Simón Bolívar đến và dạy cho chúng tôi. Rồi nhạc cụ được đưa đến. Tôi chưa bao giờ mơ tới việc chơi một nhạc cụ. Tôi đã không thể tin được khi họ đặt vào tay mình một cây kèn clarinet”, Lennar bồi hồi.

Trong năm đầu tiên chơi clarinet, Lennar đã diễn thử cho dàn nhạc Simón Bolívar và được chấp nhận. Anh tiếp tục học chơi clarinet, và sau đó, trong một sự kiện mang tính bước ngoặt, Sistema cấp cho anh một suất học bổng tới Đức để tìm hiểu nghệ thuật chế tác đàn ống. Anh đã dành một năm ở Bonn để học việc với những người chế tác đàn ống trong xưởng của họ. Khi trở về Caracas với những kỹ năng mới, Lennar lập tức vào việc, anh giúp chế tác và lắp đặt cây đàn ống trong tòa nhà mới của Sistema. “Và rồi một ngày cách đây vài năm Maestro Abreu gọi cho tôi. Ông nói: “Cậu phải đảm nhận việc điều hành núcleo Los Chorros, nơi cậu lớn lên. Giờ đây, đó là trách nhiệm của cậu”. Tôi đã rất ngạc nhiên và không biết phải thực hiện điều đó bằng cách nào. Tôi không nghĩ mình có thể làm giám đốc nghệ thuật. Nhưng ông khẳng định: “Có, có chứ, chắc chắn cậu sẽ làm được. Họ cần cậu”. Sau đó, tôi nhận được một vài video hướng dẫn và bắt đầu học chỉ huy dàn nhạc”, anh nhớ lại.

Khi Lennar trở về Los Chorros làm giám đốc, nơi đây đã có 300 học viên, và hiện nay là 1.100... “Âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời tôi. Hoàn toàn”, Lennar khẳng định. Đó cũng là mẫu số chung của rất nhiều câu chuyện về Sistema.

El Sistema là một chương trình giáo dục âm nhạc công lập ở Venezuela, ban đầu được gọi là Hành động xã hội vì âm nhạc do nhạc sĩ - nhà kinh tế dầu khí José Antonio Abreu sáng lập vào năm 1975 với niềm tin tưởng rằng: “Nếu anh đặt vào tay một đứa trẻ nghèo một cây violon, nó sẽ không cầm một khẩu súng lên”. Sự thật rõ ràng và đơn giản đó là trọng tâm của El Sistema. Khi được cầm một nhạc cụ, đứa trẻ sẽ có cảm giác được giao cho một vật có giá trị. Một đứa trẻ được dạy chơi nhạc bằng tình yêu thương sẽ thấy mình có khả năng, có giá trị, và được trao quyền để dạy cho những trẻ khác. Và một đứa trẻ được chơi trong dàn nhạc cùng bạn bè sẽ cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng, trong đó sự tôn trọng lẫn nhau không tách rời việc tạo nên cái đẹp.

Vào thời đại mà nhạc cổ điển được mặc định dành cho tầng lớp thượng lưu và người châu Âu, Abreu đã ấp ủ một ý định không tưởng về việc thành lập một dàn nhạc trẻ chỉ có người Venezuela. Từ 11 nghệ sĩ trẻ đến buổi diễn tập đầu tiên diễn ra trong một garage bỏ hoang, hệ thống đã phát triển thành một mạng lưới rộng lớn gần 300 núcleo và mỗi núcleo nuôi lớn vài dàn nhạc trẻ trên toàn quốc. Với dân số chỉ 28 triệu người, Venezuela có khoảng 370.000 trẻ em và thanh thiếu niên đang tham gia El Sistema. El Sistema quản lý hơn 150 dàn nhạc thanh niên và 70 dàn nhạc thiếu niên tham dự miễn phí các trường âm nhạc trong hệ thống của mình trên khắp đất nước. Số trẻ em theo học tại Sistema sống trong nghèo đói ước tính chiếm từ 70-90%. Các em không những được miễn phí học mà còn được cấp nhạc cụ thậm chí cả thẻ xe buýt đến lớp. Venezuela có tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 26%, nhưng với những học viên Sistema, tỷ lệ này giảm xuống còn 6,9%. Học viên của Sistema có thành tích học tập tốt hơn và ít vấn đề về hành vi hơn so với những người không tham gia Sistema.

Theo FESNOJIV, tổ chức chính phủ điều hành El Sistema, tổng ngân sách cho năm 2010 là khoảng 120 triệu đô la Mỹ. Phần lớn khoản tiền đó đến từ chính phủ liên bang; các nguồn khác bao gồm tiền quyên góp cá nhân và lãi ngân hàng.

Theo bà Tricia Tunstall - nhạc sĩ và là giáo viên dạy nhạc, tác giả cuốn sách Changing Lives (*) - nước Mỹ và các nơi khác trên thế giới, có nhiều điều để học hỏi từ mô hình của Venezuela. Còn nói như ông Clive Gillinson, Giám đốc điều hành - Giám đốc nghệ thuật Carnegie Hall: “Đây là một cuốn sách phải đọc dành cho bất cứ ai muốn làm thế giới tốt đẹp hơn mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu”.