(TBKTSG Online) – Đến năm 2020, số lượng quần thể các loài cá, chim, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát có thể suy giảm tới 2/3 so với 5 thập niên trước và trái đất đang đối diện với một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.
Đây là thông tin được đưa ra trong thông cáo báo chí của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) vào ngày 31-10 nhân sự kiện tổ chức này đưa ra Báo cáo Hành tinh sống của WWF năm 2016.
Theo ông Stuart Chapman, Trưởng đại diện WWF khu vực sông Mê-kông (WWF-Greater Mekong), trên toàn cầu, các loài hoang dã đang biến mất ở mức báo động, và tại tiểu vùng sông Mê kông mở rộng, cho thấy xu hướng này ngày một tăng...
Một trong những nguyên nhân là do nạn săn bắt động vật hoang dã và buôn lậu gỗ trái phép…
Tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng hai loài động vật mang tính biểu tượng như cá heo Irrawaddy và hổ đang đứng trước nguy cơ biến mất ngoài tự nhiên. Còn tại Việt Nam, tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng; hổ, sao la đang ở bên bờ tuyệt chủng. Khu vực tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm các nước như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Báo cáo Hành tinh sống 2016 với tên gọi "Rủi ro và khả năng phục hồi trong kỷ nguyên mới" là ấn phẩm thứ 11 trong bộ những ấn phẩm tiêu biểu của WWF phát hành 2 năm một lần. Báo cáo đã nghiên cứu hơn 14.000 quần thể của hơn 3.700 loài động vật có xương sống từ năm 1970 đến năm 2012.
Nhóm tác giả của báo cáo, dựa trên các số liệu có sẵn trong những năm gần đây, chỉ ra rằng các loài hoang dã đã suy giảm 58% trong giai đoạn 1970 - 2012 . Một số loài cụ thể như voi đã giảm 38% về số lượng, ếch giảm 81%, cá đã giảm 36% trong giai đoạn 1970-2012.
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai, trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.