Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Câu “thần chú” ám ảnh và “Hà Nội không vội là… chết!”

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Câu “thần chú” đầy ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” bắt đầu từ một lời nhắc nhở về an toàn giao thông. Nói đến giao thông Hà Nội thì nỗi kinh hoàng nhất là nạn kẹt xe và phóng nhanh, vượt ẩu. Người ta sẵn sàng trèo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, như muốn đè nghiến lên nhau mà di chuyển.

Thế rồi, có một bác tài (không biết có là hội viên một hội văn chương, nghệ thuật nào đó không) bỗng dưng hứng chí, viết vào xe mình dòng chữ: “Hà Nội không vội được đâu” để nhắc nhở mọi người. Sau đó, người nọ học người kia, nhiều xe ô tô gắn vào đằng sau và dòng chữ này trở thành quen thuộc.

Thế rồi không hiểu sao, nó len lỏi vào đời sống xã hội và biến thành lời phê phán sự trì trệ trong không ít công việc của TP Hà Nội.

Cách đây hơn 1 năm (ngày 15/1/2015), trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 19 Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, ông Phạm Quang Nghị khi đó là Bí thư Thành ủy đã đưa ra những phân tích khá thú vị:

“Muốn làm được việc cần phải có các điều kiện về con người, kinh phí, kinh nghiệm… Tuy nhiên, ở Hà Nội cái quan trọng nhất phải nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tại sao người ta hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, vì muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ…”. Ông Nghị nói.

Thế nhưng chua chát thay, từ lời nhắc nhở biến thành lời phê phán và giờ đây, nó lại tiếp tục “biến hóa” để trở thành câu “thần chú”, thành “tấm bùa” để bao biện cho sự trì trệ của Thủ đô Hà Nội.

Nói một cách khác, nó “thấm” vào một số cán bộ công chức Thủ đô như một “bảo bối” để biện minh cho sự kém cỏi và không loại trừ, cả sự tha hóa.

Và thế là Hà Nội văn minh, Hà Nội thanh lịch vì cái sự “không vội được đâu” đó mà bẩn thỉu và lộn xộn.

Bẩn thỉu nơi chợ búa. Bẩn thỉu nơi đường phố và có cả những công sở “bẩn thỉu” vì ở đó có những “công chức trăm triệu”.

Lộn xộn trong giao thông. Lộn xộn trong hành xử. Lộn xộn trong xây dựng…

Xin nhắc lại một vụ việc khá tiêu biểu cho sự trì trệ mà báo Dân trí đã và đang tiếp tục theo đuổi. Đó là vụ nhà 146 Quán Thánh.

Việc một người dân xây dựng nhà trái phép, làm tắc đường thoát nước khiến hàng chục hộ ở đây phải sống cùng nước thải phải mất nhiều năm, với hết đơn này, từ nọ mới được cơ quan chức năng “ngó ngàng” đến.

Rồi họp lên, họp xuống. Rồi lãnh đạo thành phố cũng phải vào cuộc, kết luận…

Thế nhưng hình như vẫn chưa “lay chuyển” được quyết tâm bảo vệ… sai trái của lãnh đạo phường Quán Thánh và của lãnh đạo quận Ba Đình.

Đã có lúc họ định dùng 500 triệu đồng từ ngân sách để làm đường ống khác nhằm “khỏa lấp” đi sự sai trái của mình.

Trước sự đấu tranh của người dân và báo chí, sự việc không trôi thì họ đánh bài… chầy theo phương châm “Hà Nội không vội được đâu”.

Muốn Hà Nội thay đổi, muốn Hà Nội năng động, muốn Hà Nội phát triển thì có lẽ việc đầu tiên là phải hóa giải câu “thần chú” này.

Tại Hội nghị giao ban đầu năm 2016 giữa thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các sở ngành, quận huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã kêu lên đầy lo ngại:

“Chúng ta phải biết xấu hổ khi để Thủ đô bẩn, không văn minh. Chúng ta tặc lưỡi: Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu. Thế là chết!”.

Những ngày qua, sau thành công của Đại hội Đảng, đã thấy sự chuyển động mạnh mẽ từ các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Nếu Hà Nội không thay đổi, không chuyển biến sẽ bị các địa phương khác qua mặt (ngay thời điểm này, đã có không ít vấn đề mà Hà Nội thua kém). Nếu Hà Nội tụt hậu sẽ là nỗi đau không chỉ của người Hà Nội.

Hãy hành động bằng ý chí mới: “Hà Nội không vội là chết!” bởi nếu cứ bám mãi vào câu “thần chú” “Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu” thì chắc chắn “là chết!”như lời của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải.