Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Nghề Luật sư: ‘Cú Penalty thường đau nhưng rất sướng!’

Nhã Thanh

MTG - Theo luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty luật Nay và Mai (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành nghề Luật sư cũng giống như chơi đá bóng, mỗi khi được hưởng quả Penalty thường đau nhưng rất sướng! Chỉ mong được hưởng nhiều quả 11m nhưng không ai bị chấn thương.

Trong ngày 10.10 – ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, dù rất bận rộn với hồ sơ vụ án bên những trang luật… nhưng luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) vẫn dành chút thời gian chia sẻ cùng báo điện tử Một Thế Giới về những vui buồn trong nghề.

Mở đầu cuộc trò chuyện, luật sư Hiển nói vui: “Hành nghề Luật sư cũng giống như chơi đá bóng, mỗi khi được hưởng quả Penalty thường đau nhưng rất sướng!”. Dù đây chỉ là câu nói vui của một người mang trên vai sức nặng đi tìm công lý nhưng trong đó đã ẩn chứa nhiều vui buồn, nhiều thách thức mà các luật sư đang ngày ngày phải đối mặt.

Chính thức vào nghề từ năm 2011, trải qua 5 năm gắn bó bên những hồ sơ vụ án, “làm bạn” với các phiên tòa xét xử, với những cuốn sách luật, là người “trút bầu tâm sự” của nhiều mảnh đời, cũng giống như bao luật sư đồng nghiệp khác, luật sư Lê Hồng Hiển đã tham gia bảo vệ, bào chữa trong rất nhiều vụ án, từ dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại… cho đến hôn nhân gia đình, đất đai tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Trên quãng đường bảo vệ công lý, dù cho rằng mỗi một vụ án đều để lại cho mình những kỷ niệm và cảm xúc khác nhau nhưng vị luật sư trẻ vẫn nhớ nhất là một vụ án tranh chấp đất đai ở Hải Dương. Theo luật sư, điều đáng nói không phải ở giá trị tranh chấp trên 30 tỉ đồng, hay ở nội dung diễn biến của vụ án này mà ở hoàn cảnh, lý do dẫn dắt anh gặp thân chủ của mình là bà Vũ Thị H.

“Khi đó, bà H vì bị vướng vào các tranh chấp pháp lý dẫn đến nguy cơ mất trắng ngôi nhà trị giá trên 30 tỉ đồng nên đã suy sụp dẫn đến suy nghĩ tiêu cực khiến bà H tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc ngủ tự tử. May mắn khi được người nhà kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu nên bà đã qua khỏi. Tình cờ biết được sự việc này qua một người bạn nhờ giúp đỡ, tôi đã quyết định gặp bà H để tìm hiểu vụ việc và cùng thân chủ đi tìm công lý.

Trải qua 3 phiên toà (hai phiên toà sơ thẩm và một phiên phúc thẩm) gay cấn và căng thẳng, cuối cùng bà H đã đòi lại được ngôi nhà của mình mà cả đời hai vợ chồng bà mới vất vả có được”, luật sư Hiển kể lại.

Tuy nhiên, gánh nặng trên vai mỗi luật sư chưa bao giờ nguôi khi họ thường xuyên gặp những khó khăn, áp lực vô hình trong nghề. Nếu nói về những khó khăn, vất vả trên con đường đi tìm và bảo vệ công lý cho những khách hàng, thân chủ của mình, chắc chắn không thể tránh khỏi những “rào cản” từ nhiều phía, trong đó có cả những khó khăn do chính thân chủ mà các luật sư đang bảo vệ “tạo ra”.

Giải thích cho điều này, Giám đốc Công ty luật Nay và Mai cho biết thông thường trong các vụ án hoặc trong các vụ việc tranh chấp về pháp lý, khi khách hàng tiếp xúc và trao đổi với luật sư thường có tâm lý chỉ kể và chỉ cung cấp cho người bào chữa những tình tiết, hồ sơ, tài liệu có lợi cho mình mà không kể những chi tiết bất lợi của mình cho luật sư. Có nhiều trường hợp, khách hàng nghĩ một tình tiết, tài liệu nào đó là bất lợi nhưng thực ra nó lại có lợi cho khách hàng.

“Trong khi đó, để luật sư có thể tư vấn và đưa ra phương án bảo vệ, bào chữa tốt nhất cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật buộc luật sư cần phải thu thập và biết được các thông tin liên quan đến vụ án một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất. Muốn vậy, khi tiếp xúc và trao đổi với khách hàng, đòi hỏi luật sư cần phải có kỹ năng và tạo được sự tin tưởng, an tâm của khách hàng”, vị luật sư nhấn mạnh.

Nhìn bề ngoài, đặc biệt là mỗi lần các luật sư xuất hiện tại tòa án, nơi pháp đình hay khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, báo chí, thường rất chỉn chu, quần áo là lượt nhưng đằng sau sự chỉn chu đó là những rủi ro về tính mạng, sức khoẻ luôn rình rập và bị đe doạ khi tham gia bào chữa, bảo vệ trong các vụ án nhạy cảm, phức tạp.

Vẫn biết rằng mỗi công việc hoặc ngành nghề đều đòi hỏi những tố chất nhất định để có thể đạt được thành công. Với nghề luật sư cũng không phải ngoại lệ.

Theo luật sư Hiển, ngoài hiểu biết rộng, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình hành nghề của mỗi luật sư. Bởi, đối với mỗi vụ án hay vụ việc cần luật sư tư vấn giải quyết và bảo vệ quyền lợi thì không chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật mà còn liên quan đến các mối quan hệ xã hội khác nhau, liên quan đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Do đó, trong bối cảnh xã hội hiện nay, nếu luật sư không đáp ứng được các tố chất trên thì người dân sẽ mất niềm tin vào công lý, qua đó mất niềm tin ở những người hành nghề luật sư cũng như vượt qua cám dỗ vật chất, những rủi ro trong quá trình làm nghề.

Vẫn giữ nét hóm hỉnh từ buổi đầu trò chuyện, luật sư Hiển cũng gửi lời chúc tới tất cả những đồng nghiệp bằng một câu nói vui: “Chúc các đồng nghiệp của tôi được hưởng nhiều quả 11m nhưng không ai bị chấn thương!”.