Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Mẹo tuyển dụng

Trung Nhân

(TBKTSG) - Ngồi cà phê với một anh bạn Việt kiều về nước làm đại diện phân phối một nhãn hàng của Mỹ, anh kể:

Khi phỏng vấn tuyển dụng người vô làm cho văn phòng đại diện của hãng, anh nói với ứng viên: “Hồ sơ của các em đã có đủ văn bằng chứng chỉ, trình độ và kinh nghiệm này nọ, nhất là trình độ tiếng Anh. Tôi chỉ hỏi các em về tiếng Việt, bởi lẽ vô đây làm thì các em sẽ tiếp xúc hàng ngày với khách hàng chính là người Việt. Rằng khi nộp hồ sơ xin việc, hẳn em nào cũng có một mục đích. Các em hãy cho tôi biết, mục đích với mục tiêu khác nhau như thế nào? Kết quả là... không một em nào trả lời được”.

Tui nghĩ trong bụng, cứ đem câu hỏi tưởng chừng đơn giản này ra mà tái tuyển dụng nhiều người lớn mang danh vị “có chữ” nhan nhản hiện giờ, chắc gì có ai trả lời xuôi và chuẩn? Ngay cả khi cho mở tra từ điển cũng không mấy ai dễ lập tức so sánh phân biệt được rõ ràng nghĩa của hai mục từ. Nói một cách đơn giản, mục tiêu là ngắn hạn, là trước mắt, còn mục đích là chuyện lâu dài. Mục tiêu như cái mốc của từng chặng ngắn trên cả chặng dài tiến đến mục đích. Cho nên để đạt một mục đích, phải đặt ra và phấn đấu lần lượt giành cho được nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như từ quận 7 muốn ra sân bay Tân Sơn Nhất phải đi qua quận 4, quận 1, quận 3 rồi quận Tân Bình vậy. Lầm lẫn giữa mục tiêu với mục đích, có khi sẽ chẳng khác gì tình trạng “tham bát bỏ mâm” mà tiếng Việt dân gian đã cảnh báo.

Chuyện của anh bạn khiến tui nhớ lại, có lần lên khu công nghiệp ở Đồng Nai, nghe kể nơi đây vừa diễn ra buổi tuyển dụng của một doanh nghiệp cũng của nước ngoài. Dọc trên hành lang dẫn đến bàn phỏng vấn, phía chủ doanh nghiệp cố tình vứt sẵn vài ba mẩu rác là giấy bìa carton rồi họ lặng thầm quan sát. Kết quả, ứng viên trúng tuyển là người được cộng thêm điểm nhờ trước khi vô phỏng vấn đã có ý thức tự giác cúi lượm mấy mẩu giấy kia đem bỏ vô thùng rác chung. Người kể lại chuyện này là một cán bộ đầu ngành quản lý về lao động, đang trên diễn đàn nói về mục tiêu chương trình công tác dạy nghề của địa phương. Hẳn ông muốn lồng vô đó một lời khuyên thiết thực: phải biết kết hợp dạy người khi dạy nghề, và khi dạy người phải đi vào các mục tiêu kỹ năng sống và nhận thức cụ thể, thay vì những chương trình kiến thức mông lung về đạo đức sách vở hay về tư tưởng cao xa, gây lãng phí tiền bạc lẫn thời gian mà lại kém hiệu quả...

Lại nhớ hồi xưa tui có nghe chuyện một ông thầy võ nổi tiếng cao cường nhưng rất khó tính. Trai tráng gần xa nô nức kéo đến xin làm môn sinh, song chưa ai được thầy thâu nhận. Lâu rồi họ đâm nản. Một bữa nọ chỉ có hai chàng đội lễ vật tìm đến thầy. Thầy không nhận lễ vội, dẫn hai chàng ra trước sân nhà, chỉ tay lên ngọn cây dừa cao chừng vài chục thước, nói anh nào dám leo lên đó rồi buông tay nhảy xuống cho thầy coi! Một chàng lưỡng lự rồi không dám. Còn chàng kia chắc mẩm thầy muốn thử lá gan, liền hăng hái leo tít lên ngọn dừa, liều mình nhắm mắt buông tay theo ý thầy. Thân xác anh chàng chưa rơi chạm đất, thầy đã lẹ làng đưa tay đỡ lấy rồi đặt nhẹ cho đứng xuống. Định thần xong xuôi, thầy mời vô nhà nói: “Anh đến đây xin học, chưa có võ nghệ mà đã dám liều mình bất chấp hậu quả. Tánh mạng của chính anh mà anh không biết quý, nay mai anh đầy đủ võ nghệ rồi, làm sao biết coi trọng mạng sống của tha nhân để anh không trở thành kẻ giết người?”. Rốt cuộc, chỉ có anh chàng chết nhát mới được thầy thâu nhận truyền võ cho.

Lòng vòng chuyện nay rồi chuyện xưa, chuyện xưa với chuyện nay. Suy qua ngẫm lại, nếu nói mấy mẩu chuyện nhỏ trên đây có ẩn chứa những mẹo tuyển dụng, thì cũng chưa hoàn toàn xác đáng. Nếu mẹo được hiểu theo nghĩa “mẹo luật”, ắt nó chỉ là quy tắc hay thủ thuật, thuộc về cách thức, phương tiện để thực hành.

Còn mẹo hiểu theo nghĩa “mưu mẹo”, tức đã ngả sang... thuyết âm mưu (như cách nói thời thượng bây giờ), người vận dụng nó đã ngấm ngầm nhắm đến một mục tiêu hay mục đích nào đó, cho dù chỉ trước mắt hay lâu dài.

Ờ mà mất công tám chuyện nãy giờ, ai có mục tiêu mục đích gì hôn?