Dân Trí - Các giáo viên nữ bị điều động “tiếp khách” lúc đi ăn uống, hát hò bị ôm vai, bá cổ. Trưởng phòng Giáo dục huyện nói là chuyện bình thường.
Một trong những câu chuyện gây bức xúc nhất trên mạng xã hội ngày hôm qua là chuyện UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng GDĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Các thành phần “lễ tân” này, thường được lập dựa trên “đề cử” sẵn từ các đơn vị.
Văn bản vô tình bị lợi dụng, khiến hàng chục giáo viên trở thành "lễ tân” trong các cuộc liên hoan, ăn uống của cán bộ và những vị khách của lãnh đạo thị xã. Báo Người đưa tin cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.
Báo còn dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".
Thật đúng là chuyện không thể tưởng tượng nổi trong môi trường giáo dục. Một chuyện phản cảm, thiếu văn hóa và không thể chấp nhận. Tại sao lại có thể ép các nữ giáo viên trở thành những nhân viên đi tiếp khách, đi ăn, đi hát và khiến họ phải chịu đựng những hành động ôm vai bá cổ của khách?
Giải thích điều này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh xác nhận: Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".
Nực cười, hóa ra chuyện biến các nữ giáo viên thành nhân viên lễ tân để họ phải chịu đựng những “hành động không đẹp” của quan khách lúc say rượu bia với ông Trưởng phòng GDĐT là “chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Từ quan điểm lạ đời này, có thể hiểu nỗi ấm ức của các nữ giáo viên đã bị điều động đi làm những việc họ không muốn này. Liệu có phải là để “tiết kiệm chi phí”, hay là vì các quan khách đã chán sự phục vụ của các “lễ tân chuyên nghiệp” nên muốn “đổi gió”, bắt các cô giáo đi làm chuyện này?
Thiết nghĩ, Sở GDĐT Hà Tĩnh phải lên tiếng ngay, chấn chỉnh hoạt động gây nên sự phản cảm và nỗi bức xúc cho các nữ giáo viên, đừng đề “quá mù ra mưa”. Đã có nhiều gia đình, người chồng không chấp nhận nổi việc vợ mình bị biến thành “nhân viên lễ tân” đi tiếp khách dẫn đến ghen tuông, xô xát.
Trước khi là một cô giáo, là những người đứng trên bục giảng truyền thụ những điều tốt đẹp cho học trò, các cô giáo là những con người. Họ hoàn toàn có quyền được tôn trọng như những con người, không ai có quyền lợi dụng danh nghĩa “cấp trên” để điều động họ vào những công việc không hợp lý như vậy.
Nếu câu chuyện này không được xử lý một cách rốt ráo và đến nơi đến chốn, e rằng xã hội sẽ có cách nhìn không hay về ngành giáo dục. Muốn dạy học trò những điều tử tế, tốt đẹp, thì chính các thầy cô phải là những tấm gương cho các em noi theo.
Không thể chấp nhận quan điểm điều nữ giáo viên đi tiếp khách rồi họ bị ôm vai bá cổ “là chuyện bình thường trong cuộc sống” được.