Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Nỗi sợ 'Đại bàng'

Đức Hiển

VNExp - 14 năm trước, tôi cùng hai đồng nghiệp nhập vai thành kẻ bụi đời để bị thu gom vào trung tâm Bảo trợ xã hội TP HCM ở gần cầu Bình Lợi, nhằm viết bài về những người “tận đáy xã hội”: ăn xin, lang thang, nghiện ngập...

Những ngày trong trại, chúng tôi đối mặt với rất nhiều nguy cơ: phơi nhiễm HIV khi sống cạnh những trại viên đã lở loét vì căn bệnh này; bị áp chế về tinh thần bởi bọn đại bàng, chứng kiến việc chúng đánh đập trại viên…

Những người vô gia cư được đưa về đây để phân loại trước khi vào các cơ sở xã hội như nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trường dạy nghề, trại cai nghiện. Tuy nhiên, ở đây, họ bị hai lần kiềm chế tự do. Lần thứ nhất là nội quy trại: chúng tôi phải sống trong các buồng khoảng 20m2 nhưng ngày cao điểm có tới 32 con người và chỉ mở cửa vào giờ đi ăn. Lần thứ hai là bị xâm phạm thân thể và nhân phẩm bởi bọn trại viên đại bàng. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng. Chúng coi đó như một cách giải trí, một cách giải quyết ân oán giang hồ ngoài đời, và một cách để thị uy.

Để tránh các cuộc đâm chém, bàn chải đánh răng của trại viên bị cán bộ chặt cán, chỉ còn phần chải. Không một vật dụng bằng sắt nào có mặt trong phòng.

Một ngày, có hai cậu nhóc chừng 16 tuổi ở phòng tôi tìm được cái muỗng cà ven bờ tường và mài nhọn. Tối đó vào giờ đi ngủ chúng rủ mấy đứa nữa dồn về một góc phòng nằm sát lưng nhau, bàn một cuộc trốn trại, rủ tôi đi cùng. Chúng định đợi rạng sáng sẽ lấy cái muỗng mài nhọn đặt lên tai thằng đại bàng Bình què, đâm xuyên vào tai. “Gần sáng, nó ngủ say như chó. Chết chắc!”. Sau đó sẽ lấy cái nạng của ông già què ăn mày mà chúng lén mang vào phòng làm hung khí nện những thằng còn lại và dỡ khuôn cửa sắt thông gió trong phòng vệ sinh, trốn trại. Đêm đó tôi đã phải nghĩ cách ngầm báo động về chuyện đứa nào mang cái nạng vào phòng, bảo vệ chạy tới. Nhờ vậy, cuộc đào thoát bất thành...

Ba hôm sau đó, chúng tôi quyết định rời trại khi một trong hai đồng nghiệp của tôi vì can gián việc đại bàng đánh trại viên, bị chúng lên kế hoạch đánh hội đồng vào buổi tối. Một cuộc náo loạn như thế, gây ra bởi những kẻ cầm đầu, sẽ kích động đám đông và biến thành một cuộc phá trại bỏ trốn tập thể.

Những ngày ở trại, tôi biết, đa phần trại viên không muốn trốn trại nếu họ không bị áp bức bởi đám đại bàng. Nội quy trại dù khó chịu với những kẻ giang hồ, thì vẫn có thể chấp nhận. Nhưng sự ghê rợn của bọn đại bàng đôi khi quá sức chịu đựng của người bình thường. Khi bạn phải ngồi lên tay mình cho thằng khác thúc gối vào ngực, khum tay vỗ vào tai. Khi chứng kiến có người bị chúng hành hạ đến tiểu ra máu, bạn có thể bất chấp để kháng cự vì cái chết hình như dễ chấp nhận hơn sự áp chế liên tục và thiếu nhân tính ấy. Hoặc, bạn sẽ như số đông, thỏa hiệp mong đừng ai động đến mình. Nhưng ngay cả như thế thì cũng không có gì chắc chắn bạn sẽ được yên ổn.

Khi rời trại, chúng tôi đã tìm về nhà của hơn chục trại viên để tìm cách lý giải vì sao họ bỏ nhà ra đi. Và tôi thấy đa phần ra đi vì bế tắc. Mỗi người có một kiểu bế tắc khác nhau. Người ra đi vì đã đốt đời mình trong thuốc phiện bãi vàng; kẻ bỏ nhà đi sau lần trượt không lên được lớp 11 và thấy đời thế là hết...

Nhiều bạn cùng buồng sau này ra trại vẫn tiếp tục lang thang. Nhiều người trong số họ đã đến thăm chúng tôi tại tòa soạn. Có cả những “đại bàng” lẫn nạn nhân của họ. Nói về những âm mưu phá buồng, trốn trại, họ nói họ không sợ vì chẳng có gì chờ đợi, chẳng có tương lai. Họ thật sự bế tắc, không tin vào sự tốt đẹp của chính mình nên không còn sợ cái xấu nữa.

Mấy ngày qua, học viên cai nghiện ở Đồng Nai, Vũng Tàu đã lần lượt phá trại. Ở Đồng Nai, đây là lần thứ năm trong năm nay họ trốn trại tập thể. Nếu không có những ngày ở trại, chắc tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao họ lại trốn khỏi nơi mà được hứa hẹn mang đến cho họ cơ hội làm lại cuộc đời.

Không có sự thay đổi từ chính tư duy và cách thức vận hành trại cai nghiện, tôi e, lựu đạn hơi cay hay vòi rồng lại phải huy động để đối đầu, trấn áp không chỉ với tội phạm.